Đặt ống bắt lươn đồng, nông dân kiếm nửa triệu mỗi ngày
Không mất nhiều chi phí, chỉ cần đặt trúm làm từ ống nhựa hoặc ống tre giữa khu vực ao, đồng ruộng để bắt lươn, người nông dân có thể kiếm được nửa triệu mỗi ngày.
Thường ngày, vào 16h anh Phan Ngọc Đồng (42 tuổi, trú tại thôn Vĩnh Yên, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cùng người trong thôn lại ra đồng thả trúm.
Anh Đồng gắn bó với nghề thả trúm cũng đã được hơn 4 năm nay. Đồ nghề mang theo là 3 bao đựng chứa 200 trúm được làm từ ống nhựa hoặc ống tre, bên trong là mồi giun đất và ốc bươu băm nhỏ, trộn nhuyễn với bùn.
“Mỗi ngày đi thả từ 4h chiều, 5h sáng hôm sau lại đi thu trúm về, ngày cũng làm được từ 4-6 kg lươn đồng, thu về khoảng 300-500 ngàn đồng/ngày”, anh Đồng cho hay.
Ngoài anh Đồng thì tại cánh đồng ruộng ở xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh có tới 3-4 người cùng thả trúm. Mỗi người sẽ chọn cho mình một thửa ruộng khác nhau để tránh bị nhầm lẫn.
Theo những thợ thả trúm, nghề bắt lươn này có thể làm được quanh năm, trừ lúc thời tiết khắc nghiệt, ruộng đồng khô hạn mới nghỉ. Trong ảnh người đàn ông mang trúm đi dọc các đồng ruộng để thả.
Lươn rất ham ăn chất tanh, để dụ được lươn chui vào trúm, hàng ngày người thợ phải đi đào giun đất và ốc bươu, sau đó băm nhỏ, trộn nhuyễn với bùn để làm mồi nhử.
Mồi được cho vào trong trúm, đậy nắp lại. Ban đêm, khi lươn đi kiếm ăn, ngửi được mùi tanh sẽ chui vào trúm để ăn.
Công cụ để săn lươn là ống trúm được làm bằng nhựa, dài khoảng 70 cm, 2 đầu được bịt bằng chốt tre, một đầu có lỗ cho lươn chui vào, một đầu có lỗ thở để lươn không bị chết ngạt, bên trong rỗng để đựng mồi.
"Cứ ngoài thị trường bán 1 tô mì giá bao nhiêu thì quán tôi bán một nửa giá, chủ yếu mình lấy công làm lời”. Đó là bộc bạch của ông Trần Đình Ánh - chủ quán mì Quảng...
Nguồn: [Link nguồn]