Đắt bằng cua "tiến vua", loại cua đặc sản này còn quý hiếm hơn nhiều
Đối với anh Mai Tấn Thanh, ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn nuôi cua dẹp để tăng thu nhập cho gia đình là phụ, điều quan trọng hơn là bảo tồn loài vật này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, do bị săn bắt quá mức để bán.
Nói về việc nuôi cua dẹp của mình, anh Thanh tâm sự: "Mấy năm gần đây khi Lý Sơn trở thành đảo du lịch, số lượng người ra đảo ngày càng đông. Với chất lượng thịt ngon không kém gì đồng loại sống dưới biển, cua dẹp (còn gọi là cua đá) vốn sống ở khu vực có hang, hốc đá ven bờ trên đảo đã trở thành đặc sản".
Từ chỗ nhiều vô kể và chẳng mấy ai để ý, tới nay cua dẹp bị săn lùng ráo riết để bán, với giá hiện tại đảo lên đến 700-800.000 đồng/kg.
Khu vực chuồng nuôi cua dẹp của anh Thanh.
Dù đắt tương đương cua "tiến vua" là huỳnh đế như vậy nhưng không phải lúc nào có tiền cũng mua được.
Anh Thanh đang bắt cua dẹp nuôi để bán.
Trước số lượng ngày càng ít, hiếm dần và có nguy cơ đứng trên bờ tuyệt chủng nên cách đây khoảng 5 năm, anh Thanh nảy sinh ra ý định nuôi loài cua đặc sản này.
Tận dụng phần đất trống khoảng 60m2 trong khuôn viên của gia đình, anh Thanh đầu tư hơn 15 triệu đồng để xây tường, bao lưới, chở đá về tạo nơi ở để làm chuồng nuôi cua.
Do chưa thể tự cho sinh sản nên con giống anh Thanh đặt mua của người dân trong vùng đi bắt để thả nuôi.
Một lượng lớn cua dẹp luôn được duy trì tại chuồng nuôi.
"Giá con giống hiện khoảng 350.000 đồng/kg (từ 13-15 con/kg) và thời gian nuôi 6-10 tháng mới có thể xuất chuồng. Đó là chưa kể tiền thức ăn, hao hụt do cắn nhau chết...nên lợi nhuận không nhiều. Vì vậy mục đích chính của tôi trong việc nuôi con vật này là để bảo tồn", anh Thanh bày tỏ.
Dù các nhà hàng trên đảo và cả một số tỉnh thành lân cận luôn gọi đặt mua, nhưng anh Thanh chỉ bắt bán với số lượng từ 1/3-1/2 tổng số cua nuôi trong chuồng, còn lại để duy trì đàn.
Cua dẹp hiện có giá ngang bằng đồng loại "tiến vua" là cua huỳnh đế
"Nếu săn bắt như vừa qua thì đến một lúc nào đó cua con cũng không còn. Vì vậy mong muốn của tôi là tìm cách làm sao để có thể cho sinh sản tạo con giống, chứ không phải tìm ngoài tự nhiên về thả nuôi như lâu nay", anh Thanh tâm sự.
Được biết ngoài anh Thanh, từ hàng chục năm qua anh Bùi Văn Huệ (sinh 1975), ở xã An Bình (đảo Bé), cùng huyện cũng đã nuôi loài cua này.