Đào 'khủng' đi đâu, về đâu sau vụ Tết sóng gió?

Những ngày này, người trồng đào ở Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội đang đón các cây đào trở lại vườn để chăm sóc cho vụ mới. Đây cũng là thời điểm họ chính thức tổng kết vụ đào Tết Giáp Thìn vừa qua và vạch ra chiến lược kinh doanh cho vụ tới. 

Năm nay, người trồng, buôn bán đào quất trải qua một vụ Tết đầy sóng gió, nhiều người thua lỗ. Và phân khúc đào “xa xỉ” có mức giá dao động từ vài chục triệu đồng tới trên dưới một trăm triệu đồng cũng không phải ngoại lệ.

Theo ông Lê Hàm, một người chuyên trồng đào Thất Thốn - một loại đào cổ đắt tiền tại Nhật Tân, giá đào loại này tại vườn nhà ông giảm từ 15-20% so với năm trước chủ yếu do tình hình kinh tế khó khăn nên sức mua giảm. Bên cạnh đó, thời tiết năm nay thay đổi đột ngột, không thuận lợi cho sự phát triển của cây. Ngoài ra, giao thông tại khu vực phường Nhật Tân thường xuyên tắc nghẽn do sự ảnh hưởng của dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên đang được thi công trên đường Âu Cơ cũng gây khó khăn cho khách tới mua hàng.

“Giá đào Thất Thốn giảm vì ngày càng có nhiều người biết đến và chơi loại đào này, khiến thị trường đang dần bão hòa. Nhiều vùng khác cũng đang phát triển mạnh về đào Thất Thốn để cạnh tranh với làng Nhật Tân, chẳng hạn như Đà Lạt hay các tỉnh miền núi phía Bắc…”, ông Hàm chia sẻ thêm.

Ông Lê Hàm chăm sóc những cây đào Thất Thốn tại vườn của mình.

Ông Lê Hàm chăm sóc những cây đào Thất Thốn tại vườn của mình.

Theo ông Hàm, trong tương lai, thị trường đào Thất Thốn sẽ còn rất nhiều dư địa để phát triển. Loại đào này có một vẻ đẹp cổ kính pha lẫn sự sang trọng, quý phái mà không một giống đào khác nào có được, nên sẽ luôn thu hút được khách hàng. Ngoài ra, đào Thất Thốn còn có sức sống khỏe, tuổi thọ cao nên sẽ chơi được lâu… Vậy nên, để bán được hàng, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng của cây đào.

“Mặt bằng chung về chất lượng của đào Thất Thốn hiện nay chưa cao, bởi đây cũng là một loại đào khó trồng, khó chăm. Cả làng Nhật Tân cũng chỉ có vài hộ trồng. Nhưng sau này, khi thị trường ngày càng bão hòa, người trồng đào Thất Thốn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngày càng nâng cao chất lượng của cây đào”, ông Hàm chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Vụ cho biết giá đào Thất Thốn tại vườn nhà ông không đổi so với năm ngoái. Tuy vậy, sản lượng bán ra ít hơn, các chi phí đầu vào (nhân công, vận chuyển, phân bón, thuốc men…) lại tăng cao hơn, nên lợi nhuận nhìn chung vẫn bị giảm nhẹ.

Ông Trần Tuấn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề trồng đào Nhật Tân - chia sẻ, giá thành của những cây đào xa xỉ sẽ không dao động nhiều do chúng đã có một tệp khách hàng quen thuộc là các cơ quan, doanh nghiệp hoặc các gia đình khá giả; họ luôn mua hoặc thuê đào đều đặn hàng năm. “Năm nay, giá đào tại vườn nhà tôi cũng giảm nhẹ nhưng vẫn được bán hết, thậm chí tôi còn phải nhập thêm cây về để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, ông Việt nói.

Ông Trần Tuấn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề trồng đào Nhật Tân.

Ông Trần Tuấn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề trồng đào Nhật Tân.

Chủ vườn đào Quốc Dũng cho hay, trong tương lai người trồng đào Nhật Tân sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do chi phí đầu vào sẽ ngày một tăng cao, giá đào lại không thể tăng do thị trường ngày một bão hòa. Theo chủ vườn này, cách duy nhất để thích nghi là phải dự đoán được xu hướng chơi đào trong mùa Tết sắp tới của người dân là gì, rồi tập trung chăm sóc, phát triển loại đào đó.

“Xu hướng chơi đào chỉ có thể được dự đoán trong vài tháng trước mỗi vụ Tết. Vì vậy, sau khi đã nắm được xu hướng, người trồng đào phải chăm sóc, phát triển các cây đào của mình để kịp vụ Tết mà vẫn đảm bảo chất lượng tốt. Đây là điều mà người dân làng Nhật Tân vẫn làm rất tốt trong những năm qua,” ông Dũng nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Điều đặc biệt là, dù giá cao "ngất" nhưng loại dâu tây này vẫn rất được ưa chuộng, ùn ùn khách mua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Khôi ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN