Đánh thuế từ nhà thứ 2: Chờ luật

Đã có chủ trương thu thuế tài sản từ năm 2010-2011 nhưng chỉ đến khi xây dựng Luật Thuế tài sản mới định danh tài sản nào đánh thuế, còn hiện nay chưa xác định cụ thể.

Trước thông tin nhà nước sẽ thực hiện đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi được đăng tải trên báo chí mấy ngày qua, Bộ Tài chính ngày 9-8 cho biết đến thời điểm hiện nay chưa thể xác định khi nào áp dụng chính sách này.

Bộ Tài chính đang nghiên cứu

Nguồn tin trên cũng cho biết chủ trương xây dựng chính sách thuế đối với tài sản đã có từ những năm 2010-2011.

Ở Việt Nam, hiện chưa có sắc thuế tài sản riêng nhưng đã có các chính sách thuế liên quan đến tài sản như thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp... Thế nhưng, những chính sách này chưa đáp ứng được vai trò là một trong những nguồn thu ổn định của ngân sách nhà nước (NSNN). Nghị quyết 07 ngày 18-11 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đã đưa ra các giải pháp về chính sách thu, trong đó có yêu cầu khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Nghị quyết 25/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, giai đoạn 2016-2020 cũng nêu giải pháp nghiên cứu bổ sung thuế tài sản phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Đánh thuế từ nhà thứ 2: Chờ luật - 1

Việc đánh thuế đối với người sở hữu nhà đã được đề xuất từ năm 2010Ảnh: Hoàng Triều

Trước đó, Quyết định 2174 ngày 12-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ và Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 (ban hành kèm theo Quyết định 723 ngày 17-5-2011 của Thủ tướng Chính phủ) cũng nêu nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng chính sách thuế điều tiết với nhà, tài sản có giá trị lớn vào thời điểm thích hợp.

"Chủ trương đã có nhưng muốn triển khai xây dựng Luật Thuế tài sản cần thực hiện đúng quy trình. Theo đó, Chính phủ lấy ý kiến về chủ trương xây dựng luật, đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng văn bản pháp luật tại kỳ họp nhất định. Nếu Quốc hội thông qua, lúc đó mới bắt đầu làm. Luật Thuế tài sản nằm trong kế hoạch chương trình trung hạn 2016-2020, đến nay, Bộ Tài chính vẫn trong giai đoạn nghiên cứu" - nguồn tin nêu trên cho biết.

Tài sản nào phải đóng thuế?

Về vấn đề này, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết chỉ đến khi xây dựng dự thảo Luật Thuế tài sản mới định danh tài sản nào đánh thuế, còn hiện nay chưa bàn bạc cụ thể. Thông lệ quốc tế chủ yếu đánh thuế tài sản đối với nhà, đất; có quốc gia còn thu thuế tài sản đối với ô tô hoặc thu đến giá trị tài sản của hộ gia đình.

Trên thực tế, việc đánh thuế đối với người sở hữu nhà đã được đề xuất từ năm 2010 tại dự thảo Luật Thuế nhà, đất. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Quốc hội không thông qua nội dung thu thuế đối với người sở hữu nhà. Sau đó, dự thảo được điều chỉnh và thông qua với tên gọi Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Khi đó, Chính phủ đề xuất 3 phương án tính thuế đối với nhà ở. Một là, áp dụng chung mức thuế suất 0,03% cho nhà có giá tính thuế từ 500 triệu đồng trở lên. Hai là, không đánh thuế với nhà cấp 4 trở xuống; các loại nhà còn lại áp thuế theo diện tích, phần trên 120 m2 có thuế suất 0,03%. Ba là, nhà có giá trị đến 500 triệu đồng thuế suất bằng 0%, phần trên 500 triệu đồng thuế suất bằng 0,03%. Trong đó, Chính phủ đề xuất chọn phương án 3.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định thuế tài sản là sắc thuế liên quan đến phạm vi rộng, không chỉ có nhà, đất mà còn có các tài sản có giá trị cao như siêu xe, máy bay, du thuyền… Sắc thuế này được áp dụng từ rất sớm ở các nước trên thế giới nhưng tại Việt Nam lại chưa có. Chẳng hạn, máy bay, du thuyền, ô tô nếu thuộc sở hữu cá nhân thì phải nộp thuế nhập khẩu, thuế tiệu thụ đặc biệt, thuế GTGT. Nếu thuộc sở hữu của doanh nghiệp, là tài sản kinh doanh thì phải chịu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc hoàn thiện chính sách thuế đối với các tài sản có giá trị là cần thiết để phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. 

Tránh đẩy giá bất động sản lên cao

Ông Phạm Minh Hải (quận 6, TP HCM) cho biết ông có 3 căn nhà, trong đó 1 căn để ở và 2 căn cho thuê, nếu áp thuế thì nhà nước cần tính toán sao cho hợp lý. "Chẳng hạn, căn nào được tính là căn thứ 2? Còn nếu tôi "lách" luật bằng cách cho người nhà đứng tên thì có vi phạm luật và xử lý ra sao?" - ông thắc mắc.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, cho rằng khi người dân có thêm bất động sản mà vượt nhu cầu thì nên đóng thuế. Vì thực tế, có nhiều người muốn mở cơ sở hay mặt bằng nhưng bị hạn chế sở hữu bất động sản nên vẫn phải đi thuê. Người thuê đóng tiền thì người có bất động sản cho thuê cũng phải đóng thuế hằng năm trên tài sản đó. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cần thống nhất và áp mức thuế vừa phải. Mức thuế này nên mang tính tượng trưng, như một loại phí, chứ quá cao sẽ đẩy giá bất động sản lên, gây khó khăn cho người mua nhà để ở. Ngoài ra, nếu thuế cao sẽ tạo ra hiện tượng lách luật, nhờ người đứng tên bằng cách này hay cách khác, làm thị trường kém minh bạch và làm tăng giá ảo của bất động sản. 

S. Nhung

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN