Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nước giải khát chứa cà phê, trà... giúp giảm sâu răng?
Nếu việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương án đề xuất 10%, số thu thuế nước giải khát có đường trên 5g/100ml khoảng 2.400 tỉ đồng/năm.
Bộ Tài chính vừa gửi Chính phủ Tờ trình về dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Nước giải khát có hàm lượng đường 5g/100ml áp thuế TTĐB
Dự thảo Luật sửa đổi 10 điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện hành gồm quy định về đối tượng chịu thuế; giá tính thuế…
Đối với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 10%.
Phương án này làm tăng giá các sản phẩm nước giải khát có hàm lượng đường cao, định hướng người tiêu dùng chuyển sang dùng các mặt hàng thay thế hoặc nước giải khát ít đường.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tăng 10% giá nước giải khát có đường thông qua thuế có thể dẫn đến giảm khoảng 10% lượng tiêu thụ sản phẩm này. Do đó, việc tăng thuế và giá sẽ góp phần giảm sâu răng, béo phì, tiểu đường, giúp giảm tỉ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm khác trong tương lai, đặc biệt là cho thế hệ trẻ...
Đối với ngân sách nhà nước, số thu ngân sách tăng năm đầu tiên do đây là đối tượng chịu TTĐB mới bổ sung.
Năm 2020, doanh thu chưa có thuế giá trị gia tăng từ sản phẩm nước giải khát sản xuất công nghiệp đạt khoảng 40.000 tỉ đồng, không phân biệt theo hàm lượng đường. Với giả định tỉ trọng nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml chiếm 80% tổng doanh thu nước giải khát, việc áp thuế TTĐB 10% khiến sản lượng tiêu thụ giảm 20% thì số thu thuế TTĐB là khoảng 2.400 tỉ đồng/năm.
Tuy nhiên, số thu các năm sau sẽ giảm hơn so với năm đầu tiên do tác dụng của mục tiêu đánh thuế để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng (sử dụng ít đi) và nhà sản xuất (chuyên đổi công thức, sản xuất sản phẩm có hàm lượng đường dưới ngưỡng đánh thuế).
Phương án hai, bổ sung nước giải khát theo TCVN có hàm lượng đường trên 5g/ 100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất dự kiến 20%.
Với phương án này thì tác động về tăng giá bán, giảm tiêu dùng tốt hơn, số thu ngân sách nhà nước năm đầu tiên cao hơn giải pháp 1.
Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp cần tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh, mức thuế suất ở giải pháp này gây phản ứng từ dư luận, doanh nghiệp nhiều hơn giải pháp 1.
Người tiêu dùng chọn mua nước ngọt ở siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN
Nhiều nước đánh thuế nước giải khát hàm lượng đường trên 5g/100ml
Theo Bộ Tài chính, WHO đã chính thức khuyến nghị tới chính phủ các nước nên thực hiện nhiều hành động khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào nước giải khát có đường.
Trong Asean có 6 /10 nước thu thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường. Nhiều nước đánh thuế nước giải khát có đường theo hàm lượng đường trên 5g đường/100ml.
Ngoài ra, theo quy định ghi nhãn của EU, hàm lượng đường trong nước giải khát là dưới 5g/100ml thì được coi là nước giải khát ít đường.
Vì vậy, một số nước trong EU áp dụng ngưỡng này để đánh thuế nước giải khát. Pháp đánh thuế nước giải khát có hàm lượng đường trên 11g/100ml. Ailen và Anh đánh thuế nước giải khát theo hai ngưỡng hàm lượng đường, từ 5g đến 8g/100ml chịu một mức thuế và trên 8g/100ml thuế sẽ cao hơn 1,5 lần.
Hồi tháng 2-2024, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 29/2023 hướng dẫn nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm gồm cả tiêu chí về hàm lượng đường.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát theo TCVN có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Nước giải khát có chứa cà phê, chè... áp thuế 10%
Theo TCVN 12828:2019, nước giải khát gồm đồ uống hương liệu (kể cả nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước nóng điện giải và các đồ uống đặc biệt khác).
Nước giải khát có chứa cà phê, nước giải khát có chứa chè, đồ uống thảo mộc, nước giải khát có chứa nước trái cây và các loại đồ uống từ ngũ cốc.
TCVN không gồm các sản phẩm sữa và sản phẩm từ sữa; thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng; nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai; nước rau, quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao.
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia theo lộ trình, lên 100% vào năm 2030.
Nguồn: [Link nguồn]