Đánh thuế kinh doanh trên Facebook có khả thi?
Quản lý đánh thuế đối với người bán hàng trên mạng xã hội đang tạo ra nhiều tranh luận, thực tế các nước tiến bộ trên thế giới vẫn chưa có giải pháp nào tối ưu.
Trong tuần qua đã có nhiều luồng ý kiến xoay quanh việc thu thuế đối với người kinh doanh trên Internet thông qua các website, mạng xã hội như Facebook.
Hãy xem như hộ kinh doanh
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho rằng việc thu thuế hoàn toàn không khó nếu cơ quan quản lý muốn làm.
Hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN) đã đăng ký kinh doanh, đã khai thuế thì việc họ bán hàng ở cửa hàng thật hay bán hàng trên mạng không khác gì nhau. Website, Facebook... chỉ là công cụ để họ giới thiệu, giao dịch mà thôi. Không vì người kinh doanh dùng các công cụ điện tử này mà thu thêm tiền thuế, phát sinh thêm nghĩa vụ thuế khác.
Trường hợp người kinh doanh chưa đăng ký kinh doanh, chưa khai thuế thì việc họ kinh doanh thường xuyên hoặc không thường xuyên trên website, Facebook... có thể được quản lý để thu thuế. Việc khai, nộp thuế sẽ áp dụng tương tự đối với hộ kinh doanh. Ví dụ, hộ kinh doanh đang nộp môn bài cố định hằng năm, thuế thu nhập cá nhân tính trên doanh số, nếu doanh số vượt ngưỡng (hiện là trên 100 triệu đồng/năm) thì mới phải nộp thuế.
Luật sư Trần Xoa cũng cho rằng hiện nay việc thu thuế DN, hộ kinh doanh đã khá khả quan. Có thể nhìn thấy các báo cáo thu thuế đều đạt kế hoạch, vượt kế hoạch, kế hoạch năm sau luôn đặt cao hơn năm trước. Vì vậy cơ quan thuế nên nuôi dưỡng nguồn thu chứ không nên tận thu. Hiện tại vẫn còn rất nhiều dư địa để thu thuế, ví dụ các công ty lớn, các công ty có dấu hiệu gian lận, chuyển giá, khai lỗ triền miên... Còn những cá nhân dùng mạng xã hội để kinh doanh thì cứ để cho họ hoạt động ổn định trước đã. Chỉ tính cách thu thuế với những người nào kinh doanh lâu dài, doanh số cao mà không đăng ký kinh doanh. Không thu thuế đại trà, thấy ai “ló mặt” lên Facebook, website kinh doanh cũng tính chuyện thu thuế là không nên và cũng không mang lại hiệu quả.
Ông cũng khẳng định việc thu thuế sẽ thực hiện được nếu ngành thuế muốn làm; phối hợp với cơ quan về thương mại điện tử, ngân hàng, viễn thông...; học tập kinh nghiệm của nước ngoài sẽ thu được thôi.
Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về việc bán hàng trên mạng xã hội. Ảnh: HTD
Nên sàng lọc “váng sữa”
Luật sư Nguyễn Thái Sơn (nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân Cục Thuế TP.HCM, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Sài Gòn) cho rằng việc thu thuế với người kinh doanh “vô hình” lâu nay khó vì nhân sự ngành thuế chỉ quen thu thuế dựa trên cửa hàng thực tế, danh sách hộ kinh doanh sẵn có. Họ cũng chưa rành rẽ về thương mại điện tử. Nếu phối hợp giữa cơ quan về thương mại điện tử với cơ quan thuế để nâng cao nghiệp vụ thì hoàn toàn có khả năng thu thuế.
Việc thu thuế ban đầu không nên đại trà, vì thực sự cũng không có nhân sự, tài chính để chi phí cho việc rà soát, kiểm tra toàn bộ. Có thể ban đầu chỉ sàng lọc những người kinh doanh có doanh số cao, bán những sản phẩm giá trị lớn, có thể trên 1 triệu đồng/món như điện thoại, sữa hộp, thực phẩm chức năng... Có thể sàng lọc dựa trên các tiêu chí như tiếng tăm của người bán trên cộng đồng mạng, số lượt view, lượt like, số người theo dõi... Việc này cần kết hợp với các chuyên gia về công nghệ, về thương mại điện tử sẽ có hiệu quả.
Cơ quan thuế và thương mại kết hợp để mời những người kinh doanh này đến, giải thích chính sách thuế, hỗ trợ thủ tục cho người ta đăng ký hộ kinh doanh, khai thuế, cho người kinh doanh biết rõ doanh số bao nhiêu thì mới phải nộp thuế, cách tính thuế như thế nào...
Đặc biệt, hiện có rất nhiều người dùng Facebook để bán hàng, công khai cả tài khoản ngân hàng. Do đó cơ quan thuế có thể phối hợp cùng ngân hàng xác minh người kinh doanh đó có đăng ký kinh doanh hay chưa, thông qua tài khoản để xác minh thu nhập, dùng đó làm cơ sở để xác định một phần doanh số. Tuy mạng ảo nhưng thông tin người bán đều là thật cả.
Người kinh doanh “buôn bán vặt” trên website, Facebook, các mạng xã hội không cần phải quá lo lắng về việc bị thu thuế. Doanh số phải vượt ngưỡng thu thì mới bắt đầu thu. Những người buôn bán “vặt”, tự xem là nhỏ, dưới ngưỡng 100 triệu đồng/năm thì có khai báo, có đăng ký cũng không phải nộp thuế.
Cần giải pháp hiệu quả nhưng không gây hại Mạng truyền thông xã hội đã được định nghĩa là một hình thức thông tin liên lạc hai chiều cho phép người dùng có thể tương tác với thông tin đang được truyền đi. Trên mạng xã hội, người ta chỉ có thể chào mời hàng hóa và dịch vụ rồi người có nhu cầu sẽ liên hệ với những địa chỉ, số điện thoại được cung cấp hay inbox trong tin nhắn để tiến hành các giao dịch. Vì thế không có chuyện nhà chức trách làm việc với những mạng xã hội để yêu cầu họ giúp mình quản lý người bán hay thu thuế cho các hoạt động kinh doanh trên đó. Không chỉ tính nặc danh đặc thù của Internet mà theo quy ước và cả luật định nữa, các mạng xã hội có nhiệm vụ bảo mật thông tin các thành viên. Thật sự là nhà chức trách chỉ có thể dùng mạng xã hội như một nguồn thông tin nghiệp vụ để biết những ai đang bán hàng trên đó, lần theo các mối liên lạc cụ thể được công bố nếu như người bán thuộc đối tượng phải chịu sự chi phối của luật định về thuế. Ngay chính các mạng xã hội cũng không chịu trách nhiệm gì về những hoạt động kinh doanh của các thành viên. Họ chỉ có thể xử lý bằng cách khóa hay xóa tài khoản vi phạm nội quy khi có báo cáo theo đúng “luật chơi”. PHP |
Ông NGUYỄN KHOA HỒNG THÀNH, Phó Giám đốc Công ty Isobar Việt Nam: DN không biết nộp thuế ở đâu Thu thuế trên Facebook chắc chắn không khả thi, đầu tiên là nói về nền tảng nếu DN không bán hàng trên Facebook thì họ có thể bán và rao hàng trên Zalo, Instagram, YouTube… thậm chí là họ mở các blog riêng để bán hàng. Vậy thì không thể tính riêng Facebook. Thực tế thì dù bán ở kênh nào việc thu thuế cũng không khả thi. Một vấn đề khác là những người kinh doanh trên Facebook chỉ là các nhóm cá nhân nhỏ lẻ, còn DN lớn họ đã đăng ký thuế đầy đủ. Nếu kinh doanh nhỏ lẻ “offline” thì họ đã đăng ký ở các cơ quan chính quyền địa phương và nộp thuế mà cụ thể là mức thuế môn bài. Còn nếu bán online trên mạng xã hội thì liệu họ sẽ đăng ký ở đâu? Và ai hướng dẫn? Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng không thể hay thậm chí ra phường cũng không thể. Ngược lại, khi bán hàng ở Facebook, Zalo thì các mạng xã hội này cũng không thu tiền giúp người bán, tất cả là trả tiền mặt hết, các giao dịch diễn ra bên ngoài giữa người bán và người mua. Thuế cũng không biết làm sao để thu. Ông NGUYỄN PHẠM HOÀNG HUY, chuyên gia digital marketing: Phải tính chi phí chạy quảng cáo Facebook cho DN Việc thu thuế trên Facebook khó khả thi và không công bằng. Muốn thu thuế từ nhà quảng cáo trên Facebook phải chứng minh được giao dịch trên Facebook phải thành công bao nhiêu đơn hàng thì việc này rất khó vì các shop bán lẫn online và offline thì không thể nào tính chung được. Ngoài ra phải tính được chi phí họ bỏ ra chạy quảng cáo cho Facebook mà không thu hồi được. Vấn đề xác định cho việc thu thuế thì trước mắt có thể dựa vào số tiền họ chạy quảng cáo trên Facebook để tính ra mức chịu thuế cơ bản rồi trừ các chi phí mà nhà quảng cáo không thu hồi được theo một tỉ lệ phần trăm cụ thể mới áp dụng được. Còn vấn đề để xác minh chính xác giao dịch trên Facebook có thanh toán thành công hay không thì khó do có nhiều lượng tương tác trên Facebook thì không thể nào thống kê một cách chi tiết. Ông ĐẶNG LÊ NAM, giảng viên chuyên về digital marketing: Công bằng nhưng không dễ Việc thu thuế các shop bán hàng online trên Facebook nếu nhìn một khía cạnh nào đó thì không có gì sai cả, vì đánh thuế để tạo ra tính công bằng cho các shop bán hàng truyền thống, mỗi năm các shop này đều phải chịu đóng các khoản thuế nào là thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân trong khi các shop bán hàng trên mạng thì không cần. Vì vậy các shop bán hàng truyền thống phải nâng giá sản phẩm lên trong khi các shop bán online không chịu bất kỳ chi phí nào cả, họ không cần phải có nhân viên, họ cũng không chịu khoản thuế nào nên giá cả họ cũng rẻ hơn và điều đó không mang lại tính công bằng cho việc kinh doanh. Tuy nhiên, cái nào cũng có tính hai mặt của nó, họ bán hàng truyền thống, họ có shop thì sự tin tưởng của khách hàng cao hơn, còn bán online thì sự tin tưởng chỉ đơn giản là qua vài ba comment, số lượt like, lượt chia sẻ để quyết định uy tín của shop. Tuy nhiên, việc thu thuế của các shop bán hàng online là một việc không hề dễ dàng, thường thì không có giấy tờ, rất khó để kiểm soát hoặc nếu có kiểm soát được thì phải nhờ đến bộ phận hỗ trợ Facebook. Chị LÊ THỊ TIÊN, quản lý cửa hàng trái cây (quận 1): Chỉ “nắm” được những đơn vị có thành lập DN Là một DN thì việc bán hàng và đóng thuế là đương nhiên. Hiện công ty tôi kinh doanh trái cây, trên Facebook rao hàng, ai đặt hàng sẽ giao và thanh toán qua chuyển khoản hoặc có khách hàng giao hàng sẽ trả bằng tiền mặt. Hàng hóa đầu ra đầu vào đều có hóa đơn. Tuy nhiên, với việc thu thuế khi bán hàng qua Facebook chỉ “nắm” được những đơn vị có thành lập DN chứ những cá nhân tận dụng trang Facebook để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và bán hàng cho những người thân quen thì không thể được. Mặt khác, đa số người tiêu dùng mua hàng đều không yêu cầu có hóa đơn, cũng có những nơi bán có hóa đơn và không hóa đơn khác nhau nên người mua không lấy. Có trường hợp người dùng mua sản phẩm thấy tốt, chia sẻ để bạn bè biết và nhờ mua, không lấy lãi… thì những trường hợp đó không có căn cứ gì và khó để thu thuế. Điều quan trọng là phải quản lý như thế nào, chứ ví dụ người dùng sử dụng Facebook để quảng cáo bán hàng, họ đã đóng tiền cho Facebook rồi. Anh LÊ VĂN T., một người kinh doanh mỹ phẩm nhập khẩu (Tân Bình): Khó khả thi và công bằng cho những người kinh doanh Tôi kinh doanh trên nền tảng Facebook chứ không thuộc nền tảng thương mại điện tử của Nhà nước. Theo tôi, việc buôn bán đóng thuế là bình thường. Tuy nhiên, việc thu thuế khi bán hàng qua Facebook khó khả thi và công bằng cho những người kinh doanh. Cụ thể, hiện nay các trang Facebook là cá nhân, không có pháp nhân DN hay công ty, họ đăng thông tin hình ảnh sản phẩm, số điện thoại để những ai quan tâm liên hệ. Sau đó hai bên đạt được thỏa thuận sẽ giao hàng, thanh toán tiền. Bên cạnh đó, trên Facebook có những “nhóm kín” chỉ những người trong nhóm đó mới biết mua bán những gì. Nhóm này cơ quan quản lý nhà nước không thể biết được. Đặt trường hợp cơ quan quản lý biết có sự tồn tại hoạt động của nhóm kín thì Facebook vi phạm quy định bảo mật, người dùng có thể kiện. Vậy thì Nhà nước thực hiện thu thuế đối với những trường hợp này thế nào? Đối với những người chấp hành đúng theo quy định nhà nước có chăng thiệt thòi hơn? |