Đánh thuế 300%, hàng lậu có vào không?
Qua báo cáo cho thấy, lực lượng chức năng chưa nhận thức được hết hoạt động buôn lậu đang diễn ra trên địa bàn, có mặt hàng nào, phương thức thủ đoạn có gì thay đổi.
Ngày 26-6, Văn phòng thường trực BCĐ 389 phối hợp BCĐ 389 tỉnh Long An tổ chức Triển khai kế hoạch tăng cường phối hợp công tác chống buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới các tỉnh trọng điểm phía Nam gồm Long An, Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp và Bình Phước.
Ông Võ Nguyên Nam, đại diện BCĐ 389 tỉnh An Giang, cho biết thời gian qua tình hình buôn lậu thuốc lá giảm nhưng buôn lậu đường tăng lên. Khó khăn trong chống buôn lậu của tỉnh An Giang, đặc biệt từ phía Campuchia đó là đối tượng buôn lậu không phải là dân thường. Những đối tượng này cho thuê kho, mua hàng hóa về để cả tuần, các đầu nậu lớn cử người qua Việt Nam, tổ chức chặt chẽ năm bảy lớp lực lượng chức năng không bao giờ truy ra được.
Tương tự, Phó BCĐ 389 Kiên Giang cũng thông tin buôn lậu phức tạp nhất là qua biên giới biển. Hai mặt hàng trọng điểm là thuốc lá và đường cát. Đối với đường cát nhập lậu, các đối tượng dùng thủ đoạn rất tinh vi.
“Cần nhìn nhận lại buôn lậu đường có phải trốn thuế hay không vì đường cát có giá rẻ quá. Nếu chúng ta mở cửa, đánh thuế cao lên 300% thì hàng lậu có qua không? Tôi thấy sâu xa vấn đề là chất lượng của hàng Việt Nam thế nào. Phải đấu tranh nhiều mặt, hiện chúng ta đánh nơi cung mà không đánh cầu”, đại diện BCĐ 389 tỉnh Kiên Giang nói.
Ông Trương Văn Ba, Phó Chánh văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục điều tra chống buôn lậu-Tổng cục hải quan cho biết, ngoài những mặt hàng lậu truyền thống, thời gian gần đây nổi cộm trong buôn lậu qua biên giới, đặc biệt là biên giới Thái Lan- Việt Nam là những mặt hàng thuế suất cao, giá trị lớn như xì gà, điện tử điện lạnh, mỹ phẩm.
Qua theo dõi xuất nhập khẩu của hải quan Việt Nam với phía Campuchia cho thấy số lượng hàng qua Campuchia rất nhiều nhưng thực tế những mặt hàng này trên thị trường Campuchia tiêu thụ ít.
Các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn là hàng hóa khai xuất khẩu qua Campuchia nhưng trên đường vận chuyển ra biên giới bị rút ruột, làm giả hồ sơ giấy tờ. Hàng hóa được rút ruột tiêu thụ trên quãng đường vận chuyển nên thực tế hàng không sang Campuchia.
Thứ hai là sau khi làm thủ tục tái xuất từ các cửa khẩu Việt Nam, đối tượng tìm cách xé lẻ qua đường mòn lối mở để quay về Việt Nam.
Thứ ba là đối tượng đã sang Campuchia làm thủ tục hải quan rồi nhưng sau đó tập kết hàng ven đường mòn lối mở; xây dựng kho bãi và tìm đường dây để chuyển về Việt Nam. Tình hình này gần đây rất phức tạp, đặc biệt, các địa bàn Bình Phước,Tây Ninh, Long An. Từ Đồng Tháp, Kiên Giang; An Giang ngoài đặc sản đường cát, thuốc lá… còn có phế liệu diễn ra phức tạp.
Ông Hùng, đề nghị BCĐ 389 quốc gia chỉ đạo hai lực lượng công an và QLTT làm sao phát hiện các kho chứa hàng. Vì sau khi hàng hóa sang Campua rồi muốn đưa vào thị trường tiêu thụ thì phải có kho chứa.
Kết luận hội nghị, Trương Văn Ba, Phó Chánh VP TT BCĐ 389 nhận định lực lượng chức năng chưa nhận thức được hết hoạt động buôn lậu đang diễn ra trên địa bàn, có mặt hàng nào, phương thức thủ đoạn có gì thay đổi.
"Long An bao nhiêu năm nay buôn lậu thuốc lá vẫn vậy, chẳng lẽ lực lượng chức năng bất lực? An Giang có buôn lậu đường, thuốc lá, đồ si da nhưng chưa đánh được vụ nào lớn. Bình Phước được đánh giá là bình thường nhưng chúng tôi nhận định không bình thường, nạn buôn lậu gỗ, thiết bị điện tử, nhất là hàng phế liệu... rất sôi động.
Điều này không chỉ ảnh hưởng an ninh trật tự ở biên giới mà ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh minh bạch của DN Việt. Đồng thời khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng mà là nơi để hàng giả, hàng xâm phạm trí tuệ… tuồn về thì tạo ra hình ảnh không đẹp của Việt Nam với thế giới
Có chăng lực lượng chức năng chưa nắm hết, công tác đấu tranh chưa hiệu quả chứ không phải tình hình buôn lậu lắng dịu”, ông Ba nói.
Chỉ trong vòng một tuần, lực lượng hải quan và biên phòng tỉnh Lào Cai đã bắt giữ 7 vụ, thu gần 1 tấn tôm càng đỏ...