Đáng lo: Thương lái lén lút thu mua rễ tiêu ở vùng dịch bệnh
Ở Gia Lai lại xuất hiện tình trạng thương lái lén lút thu mua rễ hồ tiêu nhưng chưa xác định mục đích để làm gì. Trong khi đó, dân nghi ngờ rễ tiêu được dùng vào phân bón bán cho dân để lây lan dịch bệnh, còn ngành chức năng nghi ngờ rễ tiêu được băm trộn cho vào gia vị?
Thu mua rễ hồ tiêu ở “vùng dịch”
Nhiều ngày qua, ngành chức năng ở Gia Lai đã phát hiện tình trạng thương lái lén lút thu mua rễ hồ tiêu ngay ở “vùng dịch bệnh hồ tiêu” ở huyện Chư Pứh. Với giá 10.000-15.000 đồng/kg rễ tiêu, rất nhiều người dân đã vào vườn tiêu đang chết để đào gốc lấy rễ mang đi bán.
Nhiều người dân ở Chư Sê vì lợi ích trước mắt đào rễ tiêu bán khiến nguy cơ lây bệnh. Ảnh: L.K
Ông Trương Phước Anh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Gia Lai xác nhận: Có tình trạng thu mua rễ hồ tiêu ở Gia Lai nhưng chưa thể khẳng định có phải là do người Trung Quốc thu mua hay không. Sở vẫn chưa xác định được việc thu mua rễ hồ tiêu này để làm gì, hay mua để trộn vào thực phẩm thì cần được làm rõ. Lâu nay, ngành nông nghiệp đã có nhiều khuyến cáo đến các địa phương về vấn đề này.
Ngày 9.5, PV Báo NTNN đến huyện Chư Pứh để tìm hiểu tình hình thương lái lùng sục thu mua rễ tiêu. Tại xã Ia Le có 2 cơ sở mua rễ tiêu và đã ngưng thu mua được 2 ngày nay sau khi UBND Ia Le phát hiện sự việc.
Có mặt tại thôn Thủy Phú, chủ một cơ sở thu mua tên Sinh cho biết: “Sau khi cán bộ xã đến kiểm tra, gia đình không còn thu mua nữa. Trước đó, gia đình mới bán có 2 đợt khoảng vài tạ cho 1 thương lái ở huyện Chư Sê đến mua. Việc thu mua rễ để làm gì, chuyển đi đâu thì không rõ”.
Lê Thanh Việt - Chủ tịch UBND xã Ia Le cho biết: Qua làm việc với cán bộ xã, các hộ thu mua không thừa nhận mua rễ tiêu để bán cho người Trung Quốc mà mua về để đun. Vụ việc đã được cơ quan Công an huyện vào cuộc điều tra, làm rõ.
Tại xã Ia Blứ, việc hồ tiêu chết tràn lan khiến rất nhiều người dân điêu đứng, làm ăn phá sản. Nhưng thông tin rễ hồ tiêu bán được tiền cũng khiến nhiều người mừng thầm, đi đào rễ hồ tiêu bán.
Rễ tiêu được người dân đào gom về để bán cho thương lái. Ảnh: L.K
Anh Nguyễn Văn Quảng - thôn Thiên An kể: “Mấy ngày qua, tôi đi đào rễ hồ tiêu bán cũng được mấy triệu đồng. Giờ kinh tế khó khăn, đào rễ tiêu bán được tiền nên cũng ham, hộ nào có tiêu chết mà không đào thì mình xin họ cũng cho. Rễ tiêu chết không đào bán thì để vậy cũng không làm được gì. Việc mua rễ tiêu ở đây nhiều ngày qua cũng xôn xao lắm”.
Anh Lê Văn Phương - thôn Thiên An nói: “Vì nhổ rễ hồ tiêu mà vườn tiêu của tôi bị người ta cày cuốc tan nát, nhiều hố to như hố bom, họ đào xong nhưng không lấp lại. Do tiêu chết, tôi bán khoảng 1.000 trụ tiêu, nhiều người khác thấy vậy vào đào lấy rễ bán được mấy triệu đồng. Dân ở đây không ai biết họ thu mua để làm gì, bà con chỉ lo họ mua rễ tiêu bệnh về xay thành bột trộn vào phân bón rồi bán lại cho dân mình thì bệnh dịch càng lây lan”.
Tiếp cận một cơ sở thu mua rễ tiêu, bà T - thôn Phú Hà xã Ia Blứ nói: “Tôi không rõ việc thu mua rễ nhằm mục đích gì, họ đặt hàng thì tôi thu mua thôi. Hàng này như rau mè hàng ngày, tôi đâu dám mua nhiều, mua ngày nào bán ngày đó thôi. Tôi thu mua được 2 ngày thì người ta không mua nữa”.
Việc thu mua hồ tiêu ngay tại vùng dịch khiến không ít người nghi ngại đây là hành vi phá hoại nhằm phát tán dịch bệnh. Nếu một khi rễ cây bị bệnh được chuyển đi qua vùng khác không tránh khỏi việc gây phát tán vi khuẩn gây bệnh cho cây hồ tiêu. Bởi trước đó, tháng 2.2018 tại thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pứh), ngành chức năng phát hiện khoảng 500kg rễ hồ tiêu do người Trung Quốc đến đây thu mua nhưng chưa kịp đưa đi khỏi địa phương.
Năm 2016, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn gửi Sở NNPTNT, Công an tỉnh Gia Lai và UBND các huyện yêu cầu “Kiểm tra, đề xuất xử lý việc thương lái Trung Quốc thu mua rễ hồ tiêu tại Gia Lai”, để đề xuất cho UBND tỉnh chỉ đạo xử lý theo đúng quy định pháp luật, nhằm ngăn chặn việc phá hoại sản xuất sau khi phát hiện vụ việc thu mua rễ cây tại huyện Chư Sê.
Mua rễ băm thành bột trộn vào gia vị?
Liên quan đến vấn đề thu mua rễ hồ tiêu, Sở NNPTNT Gia Lai đã có văn bản “cảnh báo tình hình thu gom rễ hồ tiêu không rõ mục đích trên địa bàn tỉnh Gia Lai” gửi đến các huyện, thành phố và Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật. Đồng thời, đề nghị triển khai thông báo cho người dân được biết, nội dung ghi rõ: “Thương lái mua gốc, thân cây hồ tiêu chết khô có thể sẽ đem băm xay thành bột để trộn vào tiêu xay làm gia vị rất nguy hiểm cho sức khỏe con người trong khi tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trước đó còn quá lớn”.
Qua đó, yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm bắt các đối tượng có hành vi thu mua gốc rễ cây hồ tiêu tại địa phương mình. Qua đó, xác minh, làm rõ mục đích thu mua gốc rễ tiêu của các đối tượng để cảnh báo cho nhân dân được biết và xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện có người nước ngoài thu mua gốc rễ hồ tiêu thì báo cho cơ quan chức năng biết, xử lý. Mặt khác, hướng dẫn cho người dân tự xử lý thân, gốc rễ tiêu đã chết, gom đốt hạn chế lây lan dịch bệnh, xới xáo đất để có kế hoạch sử dụng đất hợp lý.
Theo ông Nguyễn Long Khánh - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Chư Pứh: Việc thu mua rễ hồ tiêu của người dân rất khó quản lý, việc chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo cho người dân rõ. Do pháp luật không cấm nên không thể xử lý người bán lẫn người mua. Thực tế người dân cứ nghĩ không bán cũng bỏ đi, đào lên bán được đồng nào thì hay đồng đó thôi. Ngành cũng có tham mưu đề nghị các ngành công an, quản lý thị trường phối hợp kiểm tra nếu có phát hiện tình trạng dùng rễ tiêu làm thực phẩm thì xử lý. Giờ việc thu mua rễ tiêu để làm gì thì chưa xác định được.
Đang kiểm tra, nắm tình hình Chiều 9.5, trao đổi với phóng viên Báo NTNN về việc thương lái Trung Quốc thu mua rễ tiêu ở các tỉnh Đồng Nai và Tây Nguyên, ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên thương lái Trung Quốc thu mua nông sản kiểu lạ đời như thế, trước đây họ đã thu mua lá xoài, cau non, nụ thanh long, đỉa…, tương tự như thế là việc thu mua rễ tiêu đang diễn ra ở một số nơi hiện nay. Việc họ mua để làm gì thì rất khó để biết được. Chúng tôi đang cho anh em cơ sở đi kiểm tra tình hình để nắm bắt được bản chất của việc thu mua lạ đời này, để từ đó có những khuyến cáo cụ thể tới người dân”. Đình Thắng |