Dân vẫn lờ mờ về rau an toàn

Sau hai năm triển khai đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2009-2015, chi tới hàng chục tỉ đồng, kết quả thu được của TP Hà Nội lại chẳng đáng là bao.

Theo Sở NN&PTNT TP Hà Nội, 18 điểm mô hình sản xuất rau an toàn chất lượng tiêu thụ sản phẩm chưa quy về một mối. Điển hình như vùng rau an toàn Văn Đức (Gia Lâm) quy mô 250 ha, mỗi năm cung ứng cho thị trường gần 20.000 tấn rau các loại nhưng trong đó 70% là tiêu thụ qua các chợ đầu mối, chợ lẻ… Minh chứng cho điều này, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Văn Đức, cho biết mỗi ngày HTX cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 30-35 tấn rau, chỉ khoảng 5%-10% là tiêu thụ qua HTX, còn lại là thương lái tới thu mua hết.

Như vậy, mỗi ngày có hàng chục tấn rau an toàn được phân phối ra thị trường nhưng toàn TP chỉ có 58 cửa hàng, điểm bán rau an toàn, rau hữu cơ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh rau an toàn, sản lượng tiêu thụ khoảng 60-100 kg/ngày. Bên cạnh đó, có 35 siêu thị đang tiêu thụ rau an toàn, sản lượng trung bình 100-200 kg/ngày. Số lượng rau tiêu thụ qua hai kênh này chỉ chiếm 1%-2% tổng sản lượng rau an toàn.

Có thể thấy sự liên kết giữa doanh nghiệp thu mua rau an toàn với người sản xuất chưa chặt chẽ nên khi ra chợ người dân khó nhận biết đâu là rau sạch và đâu là rau bẩn.

Có mặt tại chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai) lúc 6 giờ sáng, PV nhận thấy gần chục chiếc ô tô chở rau đỗ trước cổng với nào là bắp cải, rau muống, xúp lơ… được căng biển rau sạch, rau an toàn phân phối cho tiểu thương. Nhiều mối lái thồ rau bằng xe máy cũng đứng cạnh để được “hưởng xái” mác rau sạch của các nhà xe.

Bà Trần Thị Nhung, nhà A4 khu đô thị Đền Lừ (Hoàng Mai), cho hay: “Theo kinh nghiệm của tôi thì rau sạch là không phun thuốc bảo vệ thực vật, rau phải có sâu. Hơn nữa, rau sạch hay rau an toàn bán ở chợ giờ khó nhận biết lắm, cứ phải có nhãn mác, tem dán đầy đủ, có đắt tôi cũng mua”.

Khi những tin đồn thất thiệt về các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bày bán tràn lan thì người tiêu dùng tự tìm cách để có được “thực phẩm sạch” trong bữa ăn hằng ngày. Họ tận dụng cả những ô đất trống trước, sau nhà để trồng rau. Cẩn thận hơn, nhiều người nhờ bà con ở quê gửi một số thực phẩm như rau, thịt, cá ra Hà Nội để ăn dần.

Nhằm tránh tình trạng trà trộn rau không an toàn vào rau an toàn, Hà Nội đã xây dựng vùng rau an toàn và dán tem nhận diện cho sản phẩm. Ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật - Sở NN&PTNT TP Hà Nội, cho biết: “TP đang thí điểm dán tem nhận diện tại 29 cơ sở thông qua các HTX và trên tất cả cửa hàng bán rau an toàn trên địa bàn. Khi sản phẩm này được dán tem tức là đã qua khâu kiểm định của Chi cục Bảo vệ Thực vật, chứng tỏ rau an toàn”.

“Để rau an toàn tiêu thụ ổn định thì các doanh nghiệp phải quyết liệt tham gia với người trồng rau ngay từ khi gieo giống, như vậy người dân mới yên tâm trồng rau an toàn” - ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ, cho biết. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Quang (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN