Dân “sốc” vì tiền điện tăng, cách tính giá quá “bí hiểm”
Những tờ hóa đơn tiền điện tháng đầu tiên sau khi áp dụng khung giá điện mới tăng thêm 7,5% đã về tới tay người dân. Không ít hộ tiêu dùng điện thấy ngỡ ngàng, thậm chí là “sốc” với hóa đơn điện.
Tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba
Dù đã chuẩn bị trước tâm lý hóa đơn điện cho thể tăng, nhưng cầm trên tay tờ hóa đơn tiền điện của tháng đầu tiên sau khi áp dụng khung giá điện mới, không ít người tỏ ra ngỡ ngàng vì số tiền điện mà họ phải trả trong tháng đầu tiên sau tăng giá đã tăng vọt so với tháng trước đó, với mức tăng từ 10-20%, chứ không phải 7,5% như được thông báo.
Nhận tiền điện tháng 4, chị Hồng (khu đô thị Xa La – Hà Đông – Hà Nội) hốt hoảng vì tiền điện tháng này của nhà chị tăng gần gấp đôi so với tháng trước. “Biết điện đã tăng giá, tháng vừa rồi gia đình mình đã dùng khá tiết kiệm, chỉ dùng những vật dụng điện cần thiết. Nhưng không hiểu sao tổng số tiêu thụ điện vẫn tăng và kéo theo đó là hóa đơn điện tăng gần gấp đôi tháng trước” – chị Hồng cho biết.
Hóa đơn điện tháng 4 của các hộ gia đình được chia nhỏ và tính theo lũy tiến cả 6 bậc thang, dù với sản lượng điện chốt theo giá cũ hay mới
Không những các gia đình dùng điện sinh hoạt hóa đơn tiền điện tăng đột biến, mà các hộ kinh doanh điện cũng đang “méo mặt” vì tiền điện tăng chóng mặt. Với mức tăng tới gần 600.000 đồng so với tháng trước, anh Quý – một hộ kinh doanh quán cà phê, giải khát tại quận Hà Đông không khỏi giật mình.
“Bình thường mỗi tháng cửa hàng tôi chỉ mất tầm 700.000 – 800.000 đồng tiền điện, nhưng tháng này tăng lên tận gần 1,3 triệu đồng. Theo thông báo điện chỉ tăng giá 7,5% mà tính ra như vậy tháng này cửa hàng tôi bị đội tiền điện lên tới 30% rồi, mà đấy là gần 10 ngày dùng giá điện cũ. Không hiểu sang tháng sau nữa áp dụng hoàn toàn giá mới thì tiền điện còn cao tới đâu”- anh Quý thở dài.
Lý giải về hiện tượng hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt, đại diện ngành điện cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết đột ngột chuyển nóng, nền nhiệt độ trung bình tháng 4/2015 dao động từ 24 - 31 độ C; cộng với đó đây là tháng đầu tiên áp dụng bảng giá điện mới, nên hoá đơn tiền điện tăng đã tăng mạnh.
Rối mù cách tính giá
Tuy nhiên, ngoài lý giải của ngành điện là do thời tiết, thì điều khiến không ít người dùng điện bức xúc là cách tính giá điện giữa 2 khoảng thời gian “chốt” giá cũ và giá mới của “nhà đèn” rối mù, khiến người dân không biết đường nào mà lần.
Nhìn vào hóa đơn tiền điện tháng vừa nhận, chị Thu (Thanh Trì – Hà Nội) không khỏi ngạc nhiên khi có những chỉ số điện giống nhau nhưng được tính giá theo 2 bậc thang khác nhau. Thấy cách tính “lạ” trên hóa đơn điện, chị Thu đem thắc mắc này hỏi nhân viên thu ngân thì được giải thích, “đây là cách tính loại suy nên sản lượng điện dùng theo giá cũ và mới đều phải được tính đủ cả … 6 bậc thang”.
Ví dụ, tổng sản lượng điện dùng của 1 hộ gia đình trong tháng 4 (từ ngày 6/3 đến 5/4) là 220 kWh, trong đó sản lượng tính theo giá cũ (tính từ ngày 6/3 đến 16/3) là 71 kWh và sản lượng tính theo giá mới (tính từ ngày 17/3 đến 5/4) là 149 kWh.
Thông thường, với 71 kWh điện dùng theo giá cũ, số tiền phải trả chỉ là 94.993 đồng cho 2 bậc thang (bậc 1 với 50 Kwh đầu tiên, giá 1.388 đồng/kWh; 21 kWh tiếp theo chịu giá bậc 2 là 1.433 đồng/kWh).
Nhưng theo cách tính mới của “nhà đèn”, thì 71 kWh điện tính theo giá cũ, sản lượng điện sẽ được chia nhỏ thành theo 6 bậc thang: 16 kWh đầu tiên chịu mức giá lũy tiến bậc 1, 16 kWh tiếp theo chịu mức giá bậc 2, 1.433 đồng/kWh; 32 kWh tiếp theo chịu giá điện bậc 3 và 7 kWh tiếp theo được tính theo giá điện bậc 4.
Với cách tính như vậy, tổng số 71 kWh người dân sẽ phải trả là 112.830 đồng, cao hơn mức tính giá thông thường cũ 17.837 đồng.
Tương tự, đáng lý với sản lượng điện 149 kWh kể từ ngày 17/3 được áp dụng theo giá điện mới sẽ phải chịu giá 3 bậc thang, từ bậc 1 tới bậc 3, số tiền tương ứng là 1.484 đồng/kWh; 1.533 đồng/kWh và 1.786 đồng/kWh… Nhưng trên hóa đơn lại được thể hiện chia nhỏ theo 6 bậc thang…
“Điều này thật vô lý, bởi đáng lẽ người dân chỉ phải chịu tiền điện đến bậc thang thứ 3, thì nay lại phải chịu tới bậc thang thứ 4, thứ 5 với mức giá cao hơn”- chị Thu bức xúc. Với các hộ dùng điện sản lượng điện ít thì mức “vênh” giữa 2 cách tính chỉ là vài chục ngàn đồng, nhưng với hộ dùng sản lượng điện nhiều và hộ dùng điện kinh doanh, từ 400 – 500 kWh, hay trên 500 kWh, thì khoản tiền chênh lệch theo cách tính loại suy của “nhà đèn” lên tới vài trăm ngàn đồng, thậm chí cả triệu đồng.
Còn nhớ đây không phải lần đầu tiên người dân "nổi giận" với những tờ hóa đơn điện bỗng dưng tăng đột biến của ngành điện. Hồi tháng 7/2014, hàng chục ngàn hộ dùng điện cũng đã "tố" cách tính giá điện thiếu minh bạch của "nhà đèn" khiến họ phải chịu mức giá cao không rõ lý do...
Ở lần tăng giá điện này, dù vin vào cớ khung giá điện tăng thêm 7,5%, nhưng cách tính giá kiểu ...rối mù, cố ý đẩy phần thiệt về dân như hiện tại đã khiến người dân chịu “một cổ hai tròng”. Nghĩa là vừa phải chịu mức giá điện tăng 7,5% từ ngày 16/3, vừa phải chịu mức tiền tăng thêm do tính lũy tiến tới 6 bậc thang cho cả sản lượng điện tính theo giá cũ và mới, trong khi mức tiêu thụ điện của họ không tới mức đó.
Và như vậy, việc giá điện tăng bình quân 7,5% chỉ là “bề mặt”, còn nếu tính lũy tiến theo bậc thang giá điện sẽ tăng cao hơn, chứ không phải chỉ phải trả tăng 7,5% so với tổng hóa đơn tháng trước.
Theo TS. Ngô Trí Long, giá điện tăng là một chuyện vì kéo theo đó sẽ là đồng loạt các mặt hàng khác sẽ tăng theo. “Việc tăng giá điện không thể nói là không ảnh hưởng gì tới người dân và người dân được hưởng lợi. Bởi khi người dân phải trả tiền điện nhiều hơn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của họ. Tất nhiên là mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào từng hộ, từng đối tượng cụ thể”- ông Long nói và cho rằng, cần sự vào cuộc của thanh tra kiểm tra, xem số ghi công tơ có “khớp” và ngành điện đã tính đúng, tính đủ theo biểu lũy tiến hay chưa…