Dân lại "nhao" đi săn nấm độc bán cho thương lái TQ
Người dân các xã vùng cao của tỉnh Bình Định và các tỉnh lân cận đang đổ xô vào rừng hái một loại nấm cực độc để bán cho thương lái với giá 30 ngàn đồng/kg. Cả cơ quan y tế và người dân địa phương đều cho biết loại nấm này có thể gây chết người nếu ăn phải, dù chỉ một lượng nhỏ.
Đổ xô săn nấm độc
Từ đầu năm 2013 đến nay, hàng trăm người dân trên địa bàn xã vung cao An Toàn thuộc huyện An Lão (tỉnh Bình Định) đổ xô vào rừng hái một loại nấm độc (tên thường gọi là nấm hòm) để bán cho thương lái khắp nơi tìm đến đây để thu mua.
Nhiều người dân ngụ xã An Toàn cho biết, không biết từ đâu, xuất hiện nhiều thương lái tìm đến và đặt vấn đề với người dân là muốn mua số lượng lớn nấm hòm để làm dược liệu chữa bệnh. Mới đầu, những thương lái này ra giá thu mua từ 15-20 ngàn/kg, nay lên giá 30 ngàn đồng/kg do nấm độc ngày càng khan hiếm.
Hàng trăm người dân đổ xô đến khu rừng đặc dụng ở xã An Toàn để tìm nấm độc.
Các thương lái còn cho biết có bao nhiêu nấm độc, họ cũng mua.Thấy lời đề nghị quá hấp dẫn, một vài người dân đã đi sâu vào các cánh rừng đặc dụng nằm trên địa bàn xã để hái nấm hòm về bán. Thấy thương lái thu mua rồi trả tiền sòng phẳng, người này rủ người kia vào rừng hái nấm để kiếm thêm tiền.
Thời gian đầu, do ít người đi hái nấm nên lượng nấm còn nhiều, mỗi ngày có người hái được cả chục kg là bình thường. Tuy nhiên, bây giờ muốn hái được nhiều nấm, người dân phải đi sâu vào trong rừng mới có. Anh N.T.L. (28 tuổi, ngụ xã An Toàn, huyện An Lão) cho biết: “Từ khi nghe tin có thương lái thu mua nấm hòm, tôi thường xuyên đi vào rừng tìm hái loại nấm này để bán.
Mỗi khi bán hàng cho thương lái, tôi đều hỏi rõ là tại sao lại thu mua loại nấm này thì người mua chỉ nói là bán lại cho thương lái khác, nghe đâu là dùng để chế biến thuốc đông y... Mặc dù hơi lo lắng về việc có thể tiếp tay cho kẻ ác làm chuyện xấu nhưng công việc làm thêm này cũng giúp tôi mỗi tháng kiếm được số tiền gần 1 triệu đồng nên cứ làm”.
Sau thời gian ghi nhận thực tế ở xã An Toàn, PV được vài thanh niên người Bana đồng ý đưa vào rừng đặc dụng tìm nâm nhưng với điều kiện không được chụp ảnh, quay phim. Thấy tôi có vẻ thắc mắc, mấy thanh niên này cho biết công việc hái nấm độc đang giúp nhiều người dân nghèo kiếm được tiền, nhà báo chụp hình, viết bài đang thì sẽ ảnh hưởng đến công việc của họ.
Đành phải cất đồ nghề ở nhà, PV theo chân các thanh niên trên tìm đường vào rừng. Phải đi mất một đoạn rừng xa, nhóm chúng tôi mới thấy được những cây nấm độc đầu tiên. Nhanh chóng đeo bao tay vào, những thanh niên người Bana chỉ cần vài phút là hái sạch số nấm độc đầu tiên. Ước lượng ban đầu số nấm họ thu được là khoảng 0,5kg.
Tiếp tục đi vào rừng, những thanh niên này hái thêm được gần 5kg nấm độc nữa. Khi thấy trời gần tối, chúng tôi men theo đường cũ để về nhà. Khi PV hỏi đi vào rừng không bị lực lượng kiểm lâm bắt hay ngăn chặn?. Một anh tên H.V.B. (34 tuổi, ngụ xã An Toàn) thú thật: “Đa số những lần đi hái nấm của chúng tôi đều là đi chui. Nếu lực lượng kiểm lâm phát hiện thì số nấm hái được sẽ bị tịch thu ngay. Vì vậy, mỗi khi vào rừng, chúng tôi đều có cử người làm nhiệm vụ cảnh giới nữa”.
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ có người dân ở xã An Toàn đi vào rừng hái nấm độc để bán mà người dân ở các xã An Nghĩa, An Hòa của huyện An Lão cũng tìm đến các cánh rừng đặc dụng ở xã An Toàn để tìm hái nấm. Ngoài ra, người dân ở huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) và huyện An Khuê (tỉnh Gia Lai), hai địa bàn giáp với huyện An Lão cũng gia nhập vào đội quân săn tìm nấm độc để bán cho thương lái.
Cảnh giác với “sát thủ giết người” giấu mặt
Theo tìm hiểu của PV, loại nấm hòm nói trên được người dân địa phương mệnh danh là “sát thủ giết người giấu mặt”. Một người dân tên N.T. (ngụ xã An Toàn, huyện An Lão) cho biết: “Từ xưa đến nay, tôi được bố mẹ, ông bà cho biết loại nấm hòm có thể giết người nếu người nào ăn phải, dù chỉ là một lượng nhỏ. Tuy nhiên, tôi chỉ nghe kể vậy thôi, chứ nó độc như thế nào, có những chất độc nào... thì tôi hoàn toàn không biết. Nhiều người bạn của tôi cũng thường xuyên đi rừng hái nấm nhưng cũng chỉ biết có vậy. Đến giờ, tôi vẫn còn thắc mắc, không hiểu vì sao thương lái lại tìm mua nấm độc. Câu trả lời của một số người, mua để làm thuốc đông y có vẻ không hợp lý lắm”.
Một người dân kể lại việc hái nấm với PV.
Được tận tay tiếp xúc với một bịch nấm hòm, tôi dùng hai tay bốc một vốc nấm lên ngửi thì thấy một mùi hăng hắc nồng xộc vào mũi rất khó chịu, vài phút sau, đầu óc tôi quay cuồng. Ngay sau đó, chủ nhân của bịch nấm liền bảo tôi đi rửa tay ngay kẻo rất nguy hiểm.
Nấm hòm có chất kịch độc.
Theo người này, nấm hòm còn tươi vừa mang từ rừng về đã có màu đen sì như khi khô. Sau khi phơi, nấm không teo lại nhỏ hơn là mấy. Khi khô, chất dộc có trong nấm hòm phát tác mạnh nhất. Ai ăn phải là cho vào hòm ngay như cách nói vui của người dân.
Theo tìm hiểu của PV, nấm độc được người dân hái rồi bán cho các đại lý thu gom nấm xã Hoài Tân (huyện Hoài Nhơn), huyện Hoài Nhơn và TP. Quy Nhơn. Những đại lý này sau khi thu gom thì vận chuyển xuống TP.HCM và các tỉnh phía Bắc để bán cho các thương lái người Việt và người Trung Quốc.
Trao đổi với PV, chị P.T.G. (chủ một đại lý chuyên thu gom nấm độc tại huyện Hoài Nhơn cho biết: “Số nấm độc tôi thu mua được sẽ được bán giá cao hơn từ 10 – 20% cho các thương lái ở các tỉnh phía Bắc để vận chuyển sang Trung Quốc bán. Thời gian trước đây, việc kinh doanh loại nấm này giúp tôi kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên, hiện loại nấm này bị tận diệt nên ngày càng khan hiếm. Người dân mua hái được nhiều nấm phải đi vào rừng sâu mới có”.
Ông Nguyễn Xuân Đào, Phó Chủ tịch UBND xã An Toàn, cho biết xã An Toàn có 180 hộ dân với 735 nhân khẩu nhưng ban ngày người dân xã này đều đổ xô vào rừng tìm nấm độc có thể gây chết người để bán cho thương lái Trung Quốc. Việc làm này không chỉ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên đối với rừng đặc dụng mà còn ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Hiện chính quyền địa phương đang tuyên truyền, giải thích cho người hiểu rõ về việc không nên tận diệt tài nguyên rừng.
1 người chết, 3 người tử vong vì ăn phải nấm độc Nấm hòm thường mọc ở rừng đặc dụng ẩm ướt, sau khi phơi cả tai nấm và thân đều có màu đen, mùi hắc và rất độc. Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các loại nấm độc, đặc biệt là các địa phương miền núi. Thời gian gần đây, tại tỉnh Gia Lai đã có 1 người chết, 2 người phải đi cấp cứu sau khi ăn loại nấm độc này. |