Dân khốn đốn vì bị lừa nuôi giun
Mới đây các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh đang tiến hành điều tra làm rõ vụ việc một doanh nghiệp đã lừa đảo hàng chục hộ nông dân ở đây khi ký kết hợp đồng bao tiêu nuôi giun quế, khiến nhiều hộ khốn đốn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, hiện ở tỉnh có khoảng 50 hộ đang bị sạt nghiệp vì trót hợp đồng nuôi giun cao sản với Công ty Cổ phần thương mại du lịch Hùng Vương (trụ sở tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Theo ký kết, người dân phải mua con giống, thuốc, chế phẩm từ công ty, khi có sản phẩm, công ty sẽ thu mua hết để xuất khẩu. Vì quá tin tưởng nhiều hộ gia đình đã đầu tư hàng trăm triệu để xây mới trang trại. Họ được cán bộ công ty về tận nhà chuyển giao công nghệ, kỹ thuật. Thế nhưng, công ty này chỉ thu mua lứa đầu, thậm chí có hộ chưa bán được lứa nào thì công ty đã bặt vô âm tín.
Theo anh Trần Xuân Trường ở xóm 12, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, vào tháng 4/2011 có người đến nhà giới thiệu là cán bộ của Công ty Hùng Vương đến phát triển mô hình liên kết nuôi giun quế.
Việc nuôi giun quế ở Hà Tĩnh là bài học để đời cho các hộ nông dân khi tham gia các mô hình kinh tế với các doanh nghiệp chỉ tin vào lời nói mà không tìm hiểu kỹ càng - Ảnh minh họa
Theo lời giới thiệu thì loại giun này được xuất khẩu ra nước ngoài để làm thuốc chữa bệnh tai biến, làm kem dưỡng da và chế biến thực phẩm, nhu cầu rất lớn. Họ nói ngon ngọt: một năm là lấy lại vốn, sang năm thứ hai là có lợi nhuận, mỗi tháng bình quân phải lãi 20 triệu.
Tin lời, anh Vượng vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 200 triệu đồng để đầu tư mua giống và tiền chế phẩm của Công ty Hùng Vương, sắm lưới, làm sàn trang trại. Nuôi lứa đầu, Công ty yêu cầu anh Trường phải mua 7 loại thuốc, tính ra một lứa nuôi 3 tháng 15 ngày mất 13-15 triệu đồng tiền thuốc. Khi thu hoạch được 230 kg giun, bán cho Công ty được 30 triệu đồng.
Nhưng lứa nuôi thứ hai thì không thấy người của Công ty Hùng Vương về, gọi điện thoại cũng không thể liên lạc được. Chị Trần Thị Đờn, ở xóm 10 xã Vượng Lộc, vay nợ tới 250 triệu đồng để đầu tư nuôi giun quế. Nhưng Công ty Hùng Vương chỉ thu mua 2 lứa với tổng số tiền 40 triệu đồng, sau đó họ đơn phương ngừng thu mua.
Chị Đờn bức xúc: “Họ nói nuôi giun cao sản, sau hai năm là có xe hơi đi, kỹ thuật đơn giản, đầu ra sẽ do Công ty Hùng Vương bao lo hết. Thế nhưng nay người của Công ty bỏ trốn. Nuôi tiếp thì không có đầu ra, giun không có thức ăn nên chết dần”.
Anh Trường cho biết: “Hàng chục hộ dân ở huyện Can Lộc đã phải vay tiền đầu tư, giờ bị mất trắng. Gia đình tôi giờ chưa biết làm gì để sống, tiền vay ngân hàng không biết lấy đâu ra để trả. Vào cuối năm 2012 tôi và một vài hộ nuôi giun ở xã Vượng Lộc đã bắt xe ra Hà Nội đến trực tiếp Công ty Cổ phần thương mại du lịch Hùng Vương ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Nhưng đến nơi thì thấy cửa khóa chặt, hỏi người dân xung quanh thì họ bảo Công ty đã đóng cửa im lìm gần một năm rồi”.
Việc nuôi giun quế ở Hà Tĩnh là bài học để đời cho các hộ nông dân khi tham gia các mô hình kinh tế với các doanh nghiệp chỉ tin vào lời nói mà không tìm hiểu kỹ càng.
Nuôi giun quế từng được ngành khuyến nông, các cấp hội nông dân, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở nhiều địa phương quảng bá là mô hình kinh tế giúp dân làm giàu. Thế nhưng giờ đây nghề nuôi giun quế đã tàn lụi vì tắc đầu ra. Chúng tôi đến xã Phú Kim, huyện Thạch Thất (Hà Nội), địa phương từng rộ lên phong trào nuôi giun quế cách đây 4-5 năm.
Ông Nguyễn Kim Hoài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Kim cho biết, năm 2008, biết được thông tin ở một số huyện của Hà Nội có mô hình nuôi giun quế đem lại thu nhập cao, Hội Nông dân xã Phú Kim đã đưa nông dân sang xã Võng La (huyện Đông Anh) tham quan, học tập.
Sau đó, Hội đã vận động hội viên, nông dân thực hiện mô hình. Hơn một trăm hộ dân ở các thôn Thúy Lai, Phú Nghĩa, Ngoại Thôn triển khai nuôi giun quế. Đến nay, hầu hết các hộ nông dân ở xã Phú Kim nói riêng và huyện Thạch Thất nói chung không nuôi loài này nữa.
Ông Nguyễn Điển, người đi đầu trong phong trào nuôi giun quế ở xã Phú Kim cho biết, năm 2009, gia đình ông bắt đầu nuôi giun quế với diện tích 50m2. Trước kia mỗi ngày thu hoạch 6-7 tạ giun, bán được từ 20-30 ngàn đồng/kg, cho thu nhập trên 10 triệu đ/tháng. Sau đó giá giun giảm dần còn 10 - 12 ngàn đồng/kg và đến nay thì hoàn toàn không bán được vì chẳng có ai mua.
Mô hình nuôi giun quế đã bị “khai tử”, nguyên nhân chính là nguồn thức ăn cho giun quế (phân trâu, bò) ngày càng cạn kiệt, mặt khác do quá nhiều người dân tham gia mô hình này dẫn đến cung vượt cầu. Cùng với giun quế, gần đây những nông dân đã đầu tư nuôi nhím, nuôi dế mèn, nuôi chồn nhung đen cũng phải sạt nghiệp vì sản phẩm rớt giá, tắc đầu ra.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm được rút ra từ mô hình nuôi giun quế cũng như nuôi những loài vật lạ là, nông dân thiếu định hướng trong việc đầu tư phát triển kinh tế. Nhiều người vẫn có thói quen thấy cây gì, con gì thu lời cao trước mắt thì tập trung đầu tư tràn lan. Họ không tính toán cân đối giữa cung - cầu, nên khả năng thất bại rất cao.