Dân đổ xô vào rừng đào gốc trà hoa vàng để bán
Trong khi chính quyền huyện Quế Phong (Nghệ An) đang thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển cây dược liệu Trà hoa vàng thì chính người dân địa phương lại vào rừng đào gốc loại cây này để bán giá cao cho tư thương…
Người dân tìm gốc trà hoa vàng quý hiếm bán cho lái buôn.
Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, ông Lê Văn Giáp cho biết, hiện trên địa bàn một số xã như Đồng Văn, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Tiền Phong, Mường Nọc, Châu Kim có xây ra việc một số người dân vào rừng chặt cây chè hoa vàng và đào cả gốc cây để bán cho tư thương. Việc làm này đã ảnh hưởng đến việc bảo tồn nguồn giống, phát triển của cây trà hoa vàng và một số cây dược liệu khác...
Trà hoa vàng thành phẩm có giá rất cao.
Theo các tài liệu khoa học, cây trà hoa vàng chứa tới hơn 400 thành phần dinh dưỡng, có giá trị y học cao, đặc biệt có tác dụng phòng ngừa các bệnh ung thư, giảm mỡ máu. Loại cây này có họ sơn trà, thân gỗ nhỏ, cao từ 2 - 5m; khoảng tháng 4 - 5 bắt đầu đâm lộc, tháng 11 bắt đầu nở hoa và kéo dài đến tháng 3 năm sau. Hoa trà có màu vàng kim sáp bóng với đường kính 5 - 6cm; hoa tươi có giá 1,5 - 2,5 triệu đồng/kg còn hoa chè khô có giá từ 3,5 - 5 triệu đồng/kg.
Cơ quan chức năng kiểm tra việc nhân giống loại cây dược liệu trà hoa vàng tại miền núi Quế Phong.
Tại huyện miền núi Quế Phong, cây trà hoa vàng thường mọc trên các vùng gò đồi, ven khe suối, đến năm 2012 mới được phát hiện và địa phương này đã chính thức công bố về việc bảo tồn và phát triển giống cây có giá trị này. Tuy nhiên, thời gian gần đây một số lái buôn (chưa rõ xuất xứ) đã về huyện Quế Phong và tìm mua gốc trà hoa vàng với giá rất cao, xúi giục người dân vào rừng tìm đào về để bán thu lợi trước mắt.
“Ở trên rừng nhiều cây trà hoa vàng lớn lắm, họ mua giá cao thì chúng tôi vào rừng tìm về bán chứ không biết mục đích họ mua làm gì”, Anh Lô.V.H trú tại xã Tiền Phong nói.
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An viết: ““Hiện nay đang có hiện tượng một số tư thương thu mua gốc cây trà hoa vàng ở Quế Phong. Do vậy, để bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững cây trà hoa vàng mà thiên nhiên ban tặng cho Quế Phong, tôi đề nghị huyện tuyên truyền rộng rãi cho dân hiểu không đào phá, tuyên truyền cho những người đại lý thu mua không vì mấy đồng lãi ngắn hạn mà tiếp tay kẻ phá hoại... Thiên nhiên đã ban tặng cho dân bản một sản vật quý. Hãy chung tay bảo vệ và khai thác phát triển!”.
Tháng 4/2016, UBND huyện Quế Phong đã lập Đề án Bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, đến năm 2020 cây chè hoa vàng sẽ đạt tổng diện tích 95 ha, triển khai chủ yếu tại các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Tiền Phong, Mường Nọc, Châu Kim.
Trước hiện tượng người dân tự ý vào rừng tìm gốc trà hoa vàng đào để bán giá cao cho tư thương, UBND huyện Quế Phong đã có Công văn hỏa tốc gửi UBND các xã, thị trấn, đơn vị và chủ rừng về việc quản lý, bảo vệ cây trà hoa vàng. “Việc người dân đào gốc dược liệu trà hoa vàng bán cho tư thương là hết sức nguy hiểm về lâu dài”, Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An Trần Quốc Thành cảnh báo.