Đàm phán để xuất khẩu lợn sang Trung Quốc qua đường chính ngạch
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, một trong những nguyên nhân khiến giá thịt lợn giảm là do dư thừa. Việt Nam đã sang đàm phán xúc tiến thương mại với Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch, song vẫn đang chờ phía bạn chấp nhận.
Đó là khẳng định của ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi tại buổi hợp báo thường kỳ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức vào ngày 4/4.
Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, những tháng đầu năm 2017 chăn nuôi lợn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ do thương lái Trung Quốc bất ngờ dừng mua. Giá thịt lợn hơi sụt giảm sâu, người chăn nuôi phải chịu thua lỗ nặng.
Ông Tống Xuân Chinh cho biết, hiện nguồn cung thịt lợn trong nước đã dư thừa dẫn tới giá giảm mạnh.
"Năm 2016, chúng ta sản xuất 5,02 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, nếu làm một phép tính đơn giản, cứ 3 kg thức ăn được 1 kg thịt lợn hơi thì có thể thấy được chúng ta sản xuất được bao nhiêu tấn thịt mỗi năm. Điều đó cho thấy sự mất cân bằng giữa cung và cầu. Mỗi năm chúng ta sản xuất hơn 2 triệu con lợn, đây là nguyên nhân quan trọng khiến thịt lợn bị dư thừa. Mặc dù giá lợn hơi đã nhích lên trên 36.000 đồng/kg nhưng sản lượng thừa trong dân vẫn còn", ông Chinh cho biết.
Chính vì thế, xúc tiến thương mại, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc là giải pháp để giải quyết tình trạng thịt lợn dư thừa.
Ông cho biết, vừa qua Bộ NN&PTNT đã có đoàn công tác sang đàm phán xúc tiến thương mại do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu. Hai bên thống nhất xúc tiến đi đến ký kết xuất khẩu mặt hàng chính thống trong đó có ưu tiên thịt lợn và sữa của Việt Nam.
“Hi vọng trong thời gian tới, các căn cứ pháp lý, các điều kiện sẽ nhanh chóng được phía bạn chấp nhận, chúng ta có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”, ông nói.
Cũng theo ông Chinh, với năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, ngoài hướng tới xuất khẩu phải có biện pháp hành chính để giảm tốc độ sản xuất. Bởi khi phát triển nóng sẽ không chỉ liên quan đến vấn đề thị trường tiêu thụ mà còn vấn đề môi trường, kiểm soát an toàn thực phẩm. Vừa qua, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản gửi các địa phương, yêu cầu "hãm" mở rộng quy mô đàn lợn; dừng các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mới.
Để có chiến lược lâu dài ổn định sản xuất mở rộng thị trường, ông Chinh cho rằng vấn đề quy hoạch cần phải được đổi mới để đảm bảo có thể giám sát được. Nếu quy hoạch không giám sát được thì khi giá tăng, người nuôi ồ ạt sản xuất, đến lúc dư thừa, thị trường có vấn đề, giá thấp, bà con lại kêu cơ quan quản lý nhà nước sao không tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, việc xúc tiến thương mại, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, nhiệm vụ chính là của doanh nghiệp. Ông hy vọng các doanh nghiệp lớn với vốn và thị trường sẽ là đầu tàu liên kết sản xuất cho bà con nông dân; hình thành nhiều tổ đội hợp tác xã liên kết, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, trước tình hình giá một số mặt hàng nông sản xuống thấp nhất là heo, gà... Bộ NN&PTNT rất trăn trở và đang tiếp tục cố gắng tìm biện pháp tháo gỡ cho người nông dân. Với bài toán thị trường cho nông sản, hiện nay Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để tiếp tục mở rộng thị trường chính ngạch, từng bước khai thông từng mặt hàng, trong đó có gạo, lợn, gà…
Theo Thứ trưởng, Trung Quốc là một thị trường quan trọng với hàng nông sản của Việt Nam. Cần phải kiên trì, bằng mọi cách khai thông thị trường này.
“Chúng ta đã bàn với phía đối tác hai năm nay, nhưng vấn đề không thể một sớm một chiều. Việc xuất nhập về gia súc, gia cầm cơ bản phải đảm bảo hài hoà về thể chế cả hai bên, nhằm đảo bảo an toàn về dịch bệnh, chất lượng hàng hoá và quan hệ thương mại cùng có lợi”, ông Tuấn nói.
Cũng theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, trong tháng 5 tới sẽ có đoàn của Bộ NN&PTNT sang Trung Quốc xúc tiến đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi của Việt Nam và Trung Quốc buôn bán các sản phẩm của hai nước có thế mạnh.