Đắk Lắk: Nông dân trồng sầu riêng đối diện mùa vụ thất thu vì...mưa
Do mưa kéo dài, nhiều vườn sầu riêng ở Đắk Lắk bị dư nước, sượng cơm, thương lái hoặc bỏ cọc, hoặc yêu cầu giảm giá.
Ngày 15-8, ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết đợt mưa kéo dài vừa qua đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng và giá sầu riêng Đắk Lắk.
Thương lái bỏ cọc hoặc xin giảm giá vì…mưa
Cũng theo ông Côn, hiện thời tiết Đắk Lắk đã nắng ấm, nhiều vườn sầu riêng cũng phục hồi tích cực.
Mưa nhiều khiến sầu riêng bị nấm, sượng cơm. Ảnh: TIẾN THOẠI
Về tranh chấp giữa người dân và thương lái, ông Côn cho rằng việc này hầu như năm nào cũng xảy ra. Tuy nhiên, năm nay có những tín hiệu tích cực vì thương lái không thu mua đại trà, không ồ ạt chốt giá cao.
“Năm nay, hầu hết thương lái chỉ thu mua khi vườn sầu riêng đã đến kỳ thu hoạch, không còn tình trạng tranh mua, tranh bán, làm hại nhau như vụ mùa trước” - ông Côn nói.
Chia sẻ với PLO, anh NTT, chủ một doanh nghiệp tại Đắk Lắk, cho biết đầu vụ sầu riêng năm nay, anh hùn vốn với một người bạn, đặt cọc 200 triệu đồng để thu mua một số vườn sầu riêng tại TP Buôn Ma Thuột.
Theo anh T, do không hiểu về sầu riêng và lo ngại tình trạng tranh mua tranh bán như năm trước nên anh đặt cọc sớm từ khi vườn mới ra trái.
Đến khi các vườn sầu riêng vào độ thu hoạch, anh thuê thợ đến kiểm tra thì được thông báo vườn sầu riêng bị sượng cơm, tỉ lệ quả xấu cao.
“Sau khi nhẩm tính, tôi nhận thấy việc tiếp tục thực hiện hợp đồng, thu gom trái thì sẽ lỗ thêm hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, tôi và người bạn quyết định bỏ cọc” - anh T nói.
Còn ông Y Dớt Mlô (ngụ xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk), cho biết đầu vụ gia đình ông được một công ty làm hợp đồng, đặt cọc mua sầu riêng với giá 80 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, khi vào cắt, thương lái cò kè, xin giảm giá xuống còn 60 ngàn đồng/kg.
“Lúc đầu gia đình tôi chỉ đồng ý hạ giá xuống 70 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, lúc đó thương lái cắt quá ít. Suy đi nghĩ lại, tôi cũng đồng ý hạ giá xuống 60 ngàn đồng/kg thì họ cắt nhiều hơn. Năm nay, thời tiết bất thường, một đợt mưa, một cơn lốc khiến vợ chồng tôi thất thu, chịu lỗ với sầu riêng” - ông Y Dớt nói.
Người dân thu hoạch sầu riêng ở Đắk Lắk. Ảnh: TIẾN THOẠI
Theo chị Nguyễn Thị Hà (ngụ xã Ea Knuếch, huyện Krông Pắk), cơn mưa kéo dài gần một tháng qua trúng vào thời điểm sầu riêng đang làm cơm. Vì vậy, nhiều vườn sầu riêng có hiện tượng bị sượng, thương lái đến thử cơm sầu riêng rồi lặng lẽ đi ra.
Cũng lời chị Hà, việc mưa nhiều, sầu riêng sượng là do thời tiết và một phần do cách chăm sóc. Vì vậy, bà con cũng không thể trách thương lái hạ giá.
Theo ông Trương Văn Cao, Trạm trưởng Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Krông Pắk, mùa vụ năm nay nhiều vườn sầu riêng trên địa bàn huyện có hiện tượng cơm bị sượng nước, do mưa kéo dài, độ ẩm trong đất tăng cao, khả năng tích nước vào trái lớn.
Tuy nhiên, theo ông Cao, không hẳn cứ mưa nhiều là cơm sầu riêng bị sượng. Việc cơm sầu riêng bị sượng vẫn có tác động từ quá trình bón phân, chăm sóc.
“Nếu vườn nào lạm dụng bón phân quá mức, không cân bằng tỉ lệ giữa đạm và kali, khi gặp thời tiết mưa nhiều sẽ khiến cơm sầu riêng bị sượng, thời gian phục hồi lâu hơn” - ông Cao nói.
Mua bán sầu riêng ngày càng có chọn lọc
Theo ý kiến của nhiều người dân tại huyện Krông Pắk, mưa nhiều khiến cơm bị sượng là một phần khiến giá sầu riêng năm nay giảm hơn so với năm ngoái.
Tuy nhiên, còn có lý do khác khiến giá sầu riêng năm nay thấp hơn năm trước. Đó là việc không còn tình trạng "cò" sầu riêng, không còn tranh mua, tranh bán, doanh nghiệp thu mua có chọn lọc.
Một vựa thu mua sầu riêng ở Đắk Lắk. Ảnh: K.N
“Năm nay thương lái mua có chọn lọc. Vườn đẹp, chuẩn thì vẫn được mua giá cao, vườn xấu, kém chất lượng thì được trả giá thấp hơn, không cào bằng như mùa trước” - ông Nguyễn Như Viên, ngụ xã Ea Knuếch, huyện Krông Pắk nói.
Cũng lời ông Viên, vụ mùa trước hầu như vườn nào cũng được thương lái cắt sạch, cắt ồ ạt. Năm nay, một số vườn sầu riêng chín rụng, bà con tự cắt, đem ra vựa để bán.
Cùng quan điểm trên, anh Nguyễn Sơn Lâm (ngụ xã Ea Knuếch), cho biết nếu vườn sầu riêng chất lượng tốt, cơm không bị sượng thì vẫn bán được với giá tầm 70 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, vẫn có nhiều vườn vẫn chốt bán với giá 50-60 ngàn đồng/kg hoặc thấp hơn.
“Năm nay thương lái chọn lọc kĩ, bắt hàng nghiêm ngặt và thường chỉ cắt với số lượng cầm chừng, không cắt ồ ạt, đại trà như trước. Ngoài ra, ít thương lái đặt cọc trước mà tới xem vườn, kiểm tra chất lượng vườn sầu riêng mới thỏa thuận giá. Tùy chất lượng để thương lái đưa ra giá phù hợp, không phải vườn nào cũng có giá giống vườn nào” - anh Lâm nói.
Nhiều người dân khác cho rằng biến động của vụ mùa sầu riêng năm nay là hồi chuông cảnh tỉnh để bà con nghiêm túc hơn trong việc chăm sóc vườn sầu riêng của mình.
Theo bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, vụ thu hoạch sầu riêng năm 2023, thương lái thu mua ồ ạt, chạy theo lợi nhuận, cào bằng giá các vườn sầu riêng.
Một người dân đánh xe công nông, chở sầu riêng đi bán. Ảnh: TIẾN THOẠI
Bà Trinh cho rằng việc thu mua ồ ạt, cào bằng như trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, thương hiệu sầu riêng Krông Pắk. Vì vậy, UBND huyện đã nhiều lần cảnh báo người dân cần chú trọng chất lượng, hướng đến việc xây dựng thương hiệu và uy tín; trở thành người làm nông tử tế.
Vẫn lời bà Trinh, mùa sầu riêng 2024, thương lái lựa chọn rất kĩ sản phẩm đầu vào. Cụ thể, những vườn sầu riêng có chất lượng tốt sẽ được thương lái mua giá cao, còn những vườn chưa đáp ứng được chất lượng thì được mua giá thấp.
“Đây là tín hiệu tốt. Việc chọn lọc của thương lái giúp cho người nông dân hiểu được rằng, cần phải hướng đến sản xuất bền vững, chất lượng, uy tín và sự tử tế” - bà Trinh nói.
Bà Trinh nói thêm, giá sầu riêng hiện giảm hơn so với đầu mùa vụ. Tuy nhiên, việc giảm giá này không ảnh hưởng nhiều đến việc mua bán sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắk.
Mưa kéo dài đúng vụ thu hoạch khiến nhiều hộ dân trồng sầu riêng "méo mặt" bởi chất lượng quả giảm sút, sượng...,khiến giá sầu riêng cũng giảm hơn so với hồi đầu tháng 7.
Nguồn: [Link nguồn]