Đại lão mộc trà nghìn năm tuổi bán Tết cả chục triệu/kg vẫn "cháy hàng"
Những đại lão mộc trà cả nghìn năm tuổi mọc trên các đỉnh núi cao thuộc các xã miền núi của huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai được coi là những viên ngọc quý với người Dao nơi đây. Cây trà cổ thụ đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con.
Trà Shan tuyết cổ thụ đại lão mộc trà được thu hái trên những thân trà có đường kính trên 70cm đến 1,5m. Trên những dãy núi của đại ngàn Hoàng Liên Sơn (thuộc huyện Bát Xát, Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) những thân trà 2 người ôm không còn nhiều do năm 2007 người Trung Quốc thu mua nguyên liệu làm Trà Vàng, trà Phổ Nhĩ, Trà Long tỉnh. Nhiều người dân vác hẳn máy cưa xăng, hạ cây để hái trà.
Cây trà cổ thụ trên dãy Hoàng Liên Sơn.
Trong mấy năm vừa qua, anh Giang Trịnh Tuân - một người có tâm huyết với cây trà cổ thụ ở Lào Cai đã lên các xã vùng cao của huyện Văn Bàn để liên kết với người dân chế biến ra loại trà shan tuyết hảo hạng. Giá mỗi kg trà lên đến cả chục triệu đồng. Trà shan tuyết được chế biến cầu kì và là trà hữu cơ nên luôn bán được giá cao.
Những thân trà cổ thụ có tuổi đời vài trăm năm.
Theo anh Tuân, để cây trà cổ thụ giữ được hương vị ngon nhất, việc thu hái và chế biến trà quyết định tới chất lượng của trà. Thời gian thu hái từ 03h đến 05h30p sáng. Lúc này trà đạt chất lượng tốt nhất, sau một đêm nghỉ ngơi, dưỡng chất hấp thụ tập trung toàn bộ trên phần tôm trà. Thu hái trà trước bình minh và tránh ánh nắng mặt trời để tránh quá trình quang hợp của cây.
Trà 1 tôm có giá hàng chục triệu đồng.
Sau khi thu hái phải chế biến ngay và phải xong trước 08h. Nghĩa là từ lúc thu hái đến lúc sao chè xong chỉ chưa đầy 5 tiếng. Quá trình này tránh biến đổi chất của lượng đường trong trà mà không bị lên men. Trà không bị nẫu, táp hay ngốt. Để đảm đảm giữ được tinh chất tốt nhất trong từng tôm trà. Tôm trà được bấm lại từ búp trà thu hái đúng tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá, phần tôm đã dùng, 2 lá còn lại được ủ vi sinh tạo phân hữu cơ rải trực tiếp dưỡng lại gốc trà.
Trà uống sau 1 tuần chế biến sẽ có vị đượm hơn, không còn ngái, màu vàng nhạt hoặc màu mật ong tùy uống vừa hoặc đặc. Trà tỏa hương thơm mát, thoảng hương mật ong là đã đạt tầm. Trà được ủ trong chum sành là ngon nhất. Theo một thời gian nhất định, để nơi đạt độ ẩm không quá cao, nền nhiệt độ không quá thấp, ánh sáng vừa đủ. Trà shan tuyết cổ thụ được thu hái, chế biến như vậy sẽ đượm nước, thường đạt 5-7 tuần trà mà không thay vị.
Nước để hãm trà cũng cần phải chọn lựa kỹ càng. Là nguồn nước tự nhiên, không qua xử lý hóa chất,... mới cho hương vị trà tinh túy nhất. Các loại nước máy chỉ làm hỏng trà. Người thưởng trà kỹ tính thường kèm theo vài can nước nguồn Hoàng Liên Sơn hoặc đơn giản hơn thì hứng nước sương đêm, nước giếng đá ong, hay nước mưa đã lọc bể cát.