Đại gia ngập trong nợ nần

Ở vào vị trí hàng đầu trong một ngành nghề, các doanh nghiệp này dường như đã nhanh chóng tận dụng tín dụng dễ dãi trong những năm cuối thập kỷ vừa qua để mở rộng quy mô, thậm chí phát triển sang các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, không ít đại gia đã phải đối mặt với hậu quả của bài toán phát triển nóng.

Những thông tin ban đầu từ Đại hội cổ đông thường niên 2012 lần thứ 2 của CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (THV) tổ chức hôm 16/5 cho thấy, đại hội đã thông qua tờ trình về phát hành chứng khoán riêng lẻ cho cổ đông chiến lược.

Theo đó, hơn 42 triệu cổ phần sẽ được chào bán với mức giá 6.000 đồng/cp - thấp hơn mệnh giá nhưng cao hơn giá thị trường tính tới cuối phiên sáng 17/5 (2.500 đồng/cp). Mục đích là để bổ sung vốn lưu động trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đại hội cũng ủy quyền cho HĐQT lập phương án xử lý cổ phần không mua hết (nếu có).

Đây là một động thái mới của THV trong nỗ lực xử lý tình trạng mất cân đối tài chính và nguy cơ dừng hoạt động do thiếu tiền.

Sự khó khăn này bắt nguồn từ việc THV đã vay nợ ngắn hạn quá nhiều để đầu tư dài hạn với hàng loạt các dự án trồng cà phê trải dài trên cả nước và nước ngoài.

Tính tới cuối năm 2011, công nợ ngắn hạn của THV đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là hơn 122 tỷ đồng.

Số liệu tính tới 31/12/2011 cho thấy, tổng các khoản vay và nợ ngắn hạn của THV là hơn 688 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là các khoản nợ như: vay Vietcombank (194 tỷ đồng), Habubank (141 tỷ), Agribank (112 tỷ), VDB (106 tỷ), Maritime Bank (63 tỷ), VIB (20 tỷ).

Đây đều là các khoản vay bằng tiền USD và đồng ngắn hạn, từ 3-6 tháng với lãi suất cao nhất lên tới 9% đối với USD (lãi quá hạn 150%) và 23,5% đối với tiền đồng (quá hạn 150%).

Không những thế, nếu tính cả các công ty con thì vay nợ ngân hàng của THV tới cuối 2011 còn lên tới gần 1.600 tỷ đồng.

Với vốn chủ sở hữu cuối 2011 chỉ còn 386 tỷ đồng thì rõ ràng khoản vay nợ ngắn hạn nói trên là rất nguy hiểm. Hơn thế tình trạng này đã kéo dài nhiều năm qua.

Hiện tại, THV đã có kế hoạch tái cơ cấu lại nguồn vốn với biện pháp đầu tiên là làm việc với các ngân hàng để xin chuyển khoản nợ 200 tỷ đồng từ ngắn sang dài hạn và đồng thời bán bớt vốn và tài sản (khoảng 300 tỷ đồng) nhằm tạo ra nguồn trả nợ.

Trường hợp Bianfishco là một ví dụ rất đáng tiếc. Mong muốn phát triển nhanh đã đẩy một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản rơi vào bế tắc, đứng trước bờ vực phá sản và cuối cùng đã buộc phải cầu cứu tới sự trợ giúp của Nhà nước.

Bianfisco của đại gia Diệu Hiền vốn nổi tiếng trong lĩnh vực thủy sản xuất khẩu, nuôi hàng ngàn công nhân, làm ăn phát đạt cả chục năm qua. Nhưng doanh nghiệp này đã nhanh chóng rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán với tổng các khoản nợ lên tới gần 1.600 tỷ đồng.

Tới đầu tháng 5/2012, khoản nợ của Bianfishco vẫn còn ở mức 900 tỷ đồng (bao gồm 200 tỷ đồng nợ người dân bán cá và 700 tỷ đồng nợ ngân hàng).

Đại gia ngập trong nợ nần - 1

CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam

Số nợ này sau đó đã được Công ty mua bán nợ và tài sản tồn động (Bộ Tài chính) mua lại toàn bộ và một doanh nghiệp là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Khai thác Công trình giao thông 584 (NTB) bơm thêm 500 tỷ đồng để tổ chức sản xuất kinh doanh.

Tới thời điểm này, có thể nói Bianfishco đã được cơ cấu và xử lý tài chính ổn thỏa. Nhiều khả năng công ty này sẽ lấy lại được vị thế của mình trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản.

Mặc dù vậy, bài toán phát triển nóng vẫn còn khiến nhiều người cảm thấy không yên tâm.

Như ngay trong trường hợp người đi cứu Bianfishco là NTB, nhiều người cũng đang thấy đâu đó bóng dáng của một hiện tượng phát triển nóng. Doanh nghiệp đã thông qua hình thức vay nợ ngân hàng để mở rộng quy mô hay lấn sân sang các lĩnh vực khác.

Nghị quyết HĐQT Công ty 584 ban hành ngày 9/5 cho biết, trong 500 tỷ đồng bơm vào Bianfishco có tới 350 tỷ đồng NTB lấy từ nguồn vốn vay. Chỉ có 150 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có và huy động khác.

Hơn thế, tình hình tài chính của NTB cũng không có gì làm sáng sủa lắm. Báo cáo tài chính quý I/2012 cho thấy, dư tiền mặt của công ty này còn rất ít (hơn 600 triệu đồng), trong khi nợ ngân hàng tới 767 tỷ và nợ các đối tác khác 700 tỷ đồng. Việc mở sang lĩnh vực thủy sản có thể sẽ giúp NTB vay được vốn rẻ và có cơ phát triển ở một lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt khi mà thị trường bất động sản đang trầm lắng. Tuy nhiên, các số liệu vẫn cho thấy một điều là mức độ rủi ro mà doanh nghiệp chấp nhận là quá cao.

Tình trạng mất cân đối tài chính diễn ra ở rất nhiều doanh nghiệp trong năm 2011 vừa qua khi mà nền kinh tế rơi vào khó khăn với việc ngân hàng thắt tín dụng, lãi suất cao, doanh nghiệp không bán được hàng hóa... Hàng loạt các vụ đổ vỡ tín dụng đen đã xảy ra trên phạm vi cả nước.

Những doanh nghiệp nổi tiếng như CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco), hay như HAG, QCG, SCR... ở một góc độ nào đó đều rơi vào tình trạng khó khăn (như lợi nhuận tụt giảm hoặc thua lỗ) mất cân đối về tài chính khi mà không bán được hàng và chi phí tài chính cao... chỉ là một phần nhỏ của thực tế tài chính các DN hiện nay.

Những khoản nợ khổng lồ của các doanh nghiệp có thể cho thấy một thực tế về tham vọng phát triển bùng nổ của các doanh nghiệp mày và những rủi ro đi kèm. Bên cạnh đó, thực tế này cũng một lần nữa cảnh báo về hậu quả của việc vay vốn rẻ, đầu tư dễ dãi đã khiến nhiều ảo tưởng về sự lớn mạnh chỉ đến khi "gió đảo chiều" thì các DN nay đã dễ dàng gục ngã khi bị đè nặng gánh nợ trên vai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mạnh Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN