Đã có “cớ” để kỳ vọng giá xăng dầu tiếp tục giảm

Với việc giá xăng dầu thế giới liên tục giảm từ kỳ điều hành hôm 4.7 đến nay, người dân lại đang kỳ vọng giá xăng dầu từ kỳ điều hành tới (dự kiến vào ngày mai 19.7) sẽ được các cơ quan quản lý điều hành giảm tiếp…

Doanh nghiệp đang lãi

Ngày 16.7, công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) đã công bố một báo cáo tới các nhà đầu tư trong đó dự báo, giá xăng có thể sắp giảm do giá bán buôn mặt hàng này đã tiếp tục giảm.

Đã có “cớ” để kỳ vọng giá xăng dầu tiếp tục giảm - 1

Người dân kỳ vọng giá xăng dầu ngày mai sẽ giảm. Ảnh minh họa: Đàm Duy.

Dựa trên giá bán buôn Platt bình quân của khu vực, HSC cho biết, giá xăng bán buôn đã giảm 2,24%-2,72% kẻ từ lần điều chỉnh giá bán lẻ vào ngày 4.7; còn giá bán buôn dầu DO đã giảm 7,67%-7,55%. 

Theo tính toán của HSC, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trong nước hiện đã lãi 545-555 đồng/lit đối với xăng và 739-753đ/lít đối với dầu DO.

Trong khi đó, giá dầu thô thế giới đang giảm và có khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới theo như dự báo chung. Giá dầu WTI giao tháng 8 được công bố chốt tuần này chỉ còn 51,16 USD/thùng, dầu Brent chỉ còn 57,13 USD/thùng.

Số liệu do Tổng cục Hải quan công bố mới đây cũng cho hay, tính bình quân, mỗi tấn xăng nhập khẩu trong 6 tháng qua có giá 629,3 USD. So với giá bình quân lên tới 1.039,9 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái, giá nhập khẩu bình quân của 6 tháng năm nay đã giảm 39,5%.

Trong khi đó, với mức giảm hơn 300 đồng/lít hôm 4.7, giá xăng trong nước hiện đang ở mức 20.380 đồng/lít. Và giá bán lẻ bình quân của 6 tháng qua là 17.940 đồng/lít. Mức giá này chỉ thấp hơn 20% so với mức bình quân của 6 tháng năm ngoái (22.300 đồng/lít).

Điều này cho thấy, giá xăng dầu trong nước giảm thấp hơn 20% nêu trên là không tương xứng với mức giảm 39,5% của giá xăng dầu nhập khẩu.

Chỉ người tiêu dùng muốn giá giảm

Trước đó, Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) đã đưa ra dự báo về tình hình giá cả hàng hóa trong tháng 7. Theo đó, trong nhóm các mặt hàng dự báo giá cả trong tháng 7, mặt hàng xăng dầu được cơ quan này dự báo tăng giá.

Theo phân tích của Cục này, dựa vào tình hình kinh tế, xã hội thế giới thì đa số giới phân tích đều cho rằng trong ngắn hạn, giá xăng, dầu thành phẩm thế giới vẫn diễn biến phức tạp, do đó Cục Quản lý giá dự báo trong tháng 7 giá xăng dầu có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, với các phân tích đánh giá như vậy đang cho thấy một thực tế là chỉ có người tiêu dùng muốn giảm giá mặt hàng nhạy cảm này.

Ông Long nói: “Từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu trong nước luôn không giảm tương xứng với biến động của giá xăng dầu thế giới và với diễn biến giá nhập khẩu xăng dầu thành phẩm. Các cơ quan Nhà nước khi điều hành giá xăng dầu đều lấy lý do giá cơ sở mặt hàng này tăng cao để không giảm giá cho người dân. Chỉ đến khi các số liệu về giá nhập khẩu xăng dầu được công bố người ta mới vỡ lẽ, người tiêu dùng bị tăng giá hoặc không được giảm giá xăng dầu là vô lý và thiệt thòi”.

Thời điểm giá xăng dầu trong nước giảm hơn 300 đồng/lít (ngày 4.7) thì các doanh nghiệp xăng dầu lại chi “hoa hồng khủng” cho đại lý tới 1.000 đồng/lít xăng trong khi chi phí định mức cho phép chỉ có 1.050 đồng/lít xăng. “Tất nhiên phải có lãi, doanh nghiệp mới tăng chiết khấu cho đại lý đẩy mạnh bán hàng thu tiền về. quay vòng nhập hàng lúc giá thế giới giảm như vậy!” - một đại lý xăng dầu cho biết.

Ông Long khẳng định: “Doanh nghiệp xăng dầu đã và đang tiếp tục lãi cao, không chỉ lãi 300 đồng/lít xăng theo quy định hiện hành của Nhà nước”. Do vậy, “để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng, cơ quan Nhà nước cần điều hành giá xăng dầu phù hợp trong kỳ điều hành tới, tránh tình trạng để lợi nhuận của doanh nghiệp thì cao mà người tiêu dùng phải chịu cảnh giá xăng dầu giảm ít hoặc không giảm”.

Theo báo cáo của chính các doanh nghiệp xăng dầu, 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận của doanh nghiệp đều tăng rất mạnh. Một nguyên nhân chắc chắn khiến lợi nhuận của doanh nghiệp tăng là do tăng doanh thu, tức là tăng giá bán, trong khi chi phí không tăng, thậm chí giảm.

“Bản thân tôi cho rằng, kinh doanh có lãi và lãi tăng là chuyện bình thường, trong điều kiện cạnh tranh. Nhưng ở đây, lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang quá cao nhờ giá tăng; thuế phí của xăng dầu cũng quá cao còn người tiêu dùng thì lại phải chịu cảnh giá xăng dầu điều chỉnh tăng nhiều giảm ít. Điều này cũng có nghĩa là các cơ quan quản lý về giá đã chưa làm đúng chức năng, hết trách nhiệm, để người tiêu dùng thiệt” - chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng bày tỏ.

Ông Thắng cũng đã không ít lần đề xuất để cho thị trường xăng dầu trở nên cạnh tranh hơn bằng cách cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh xăng dầu. Thậm chí cho phép các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài được quyền kinh doanh xăng dầu. “Giá xăng dầu lúc đó tôi tin sẽ cạnh tranh và bình đẳng với người tiêu dùng hơn rất nhiều” - ông Thắng khẳng định.

Giá xăng đã có 7 lần điều chỉnh từ đầu năm đến nay, với 3 lần giảm và 4 lần tăng liên tiếp. Riêng trong tháng 5, xăng đã tăng giá gần 3.200 đồng sau 2 lần điều chỉnh, lên trên 20.000 đồng/lít. Nếu so với mức giá cuối năm ngoái, thì mức giá xăng hiện tại đang cao hơn khoảng 2.500 đồng/lít. Từ 13 giờ ngày 4.7, giá xăng RON 92 và E5 đã giảm 331 đồng/lít, dầu diesel giảm 284 đồng/lít, dầu hỏa giảm 221 đồng/lít, dầu ma dút giảm 424 đồng/kg. Sau khi thực hiện trích lập, chi và giảm giá, giá xăng RON 92 không cao hơn 20.380 đồng/lít, E5 tối đa 20.050 đồng/lít, dầu diesel 15.793 đồng/lít, dầu hỏa 14.878 đồng/lít, dầu ma dút 12.306 đồng/kg.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN