Cứu cá tra: Hơn 33.000 tỷ đồng vào đâu?

Số liệu hơn 11% nguồn vốn cho vay dành cho lĩnh vực nuôi cá tra tăng trong 9 tháng đầu năm 2012 là không chính xác, bởi trên thực tế, ngành cá tra đang thiếu vốn trầm trọng. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết.

Theo báo cáo mới nhất của Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), tổng nguồn vốn cho vay ngành cá tra trong 9 tháng đầu năm đạt 33.762 tỷ đồng (tăng 11,22% so với năm 2011).

Thiếu vốn do đầu tư “ngoài luồng”

Phản ứng về báo cáo trên, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định rằng, số liệu trên là không đúng. Cũng theo ông Dũng, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nói đã có trên 5.900 hộ dân và 280 doanh nghiệp (DN) sản xuất cá tra được vay vốn là hết sức vô lý. “Đây là thống kê từ bao nhiêu năm rồi. Chứ thực tế hiện nay, đâu còn mấy hộ dân nuôi cá tra. Cần phải kiểm tra xem có khi DN cá tra vay vốn, nhưng lại không phục vụ nuôi, chế biến cá tra. Mà nếu đã đầu tư sai mục đích thì ngành thiếu vốn là đúng rồi” - ông Dũng lập luận.

Ông Huỳnh Minh Đoàn - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trong một cuộc họp với ngành ngân hàng mới đây cũng từng nêu ra thực trạng về việc đầu tư "ngoài luồng" của các DN thủy sản.

“Tôi thấy một số DN thủy sản khi đi vay nói là vay để sản xuất, xuất khẩu nhưng thực tế lại đầu tư cho mục đích khác như bất động sản, chứng khoán. Đây chính là nguyên nhân cốt yếu dẫn đến tình trạng khan hiếm vốn, dù mục đích đi vay cho lĩnh vực này có tăng" - ông Đoàn phân tích.

Cứu cá tra: Hơn 33.000 tỷ đồng vào đâu? - 1

Thiếu vốn hoạt động, Công ty Hùng Vương (Tiền Giang) phải cho 50% lao động nghỉ, hưởng lương trợ cấp.

Các chuyên gia cho rằng, khó khăn mà ngành cá tra đang gặp phải đã cho thấy, ngành này vẫn chưa đảm bảo được tính bền vững trên cả phương diện cung - cầu cũng như quản lý quy hoạch sản xuất ở địa phương.

Chính quyền địa phương cần bảo lãnh vốn vay

Thực tế đã cho thấy, để có cá sản xuất, DN phải bỏ vốn tự nuôi. Nhưng theo VASEP, 80% số nhà máy hiện nay không đủ điều kiện vay vốn, bị ngân hàng kiểm soát chặt, không bơm vốn. Mặt khác, hiện các ngân hàng chỉ cho vay vốn ngắn hạn, nên DN nuôi cá tra luôn phải loay hoay tìm cách đáo hạn. Ngân hàng lại đòi DN phải có thế chấp, nhưng thực tế rất ít DN còn tài sản để được vay với lãi suất ưu đãi.

Ông Dương Ngọc Minh -Phó Chủ tịch VASEP cho rằng, nguồn vốn hỗ trợ phải được đổ vào đúng các DN khỏe, phát triển đúng mục đích kinh doanh sản xuất. Các ngân hàng cũng cần phân loại các khoản vay như: Ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn cho từng lĩnh vực cụ thể để DN và người nuôi sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tránh tình trạng phải vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh việc cho vay đối với cá tra, tăng cường giám sát đảm bảo việc cho vay đúng lĩnh vực nuôi, chế biến, xuất khẩu. Ngân hàng cũng cần có cơ chế tăng cho vay trung và dài hạn, lựa chọn các DN tốt để cho vay.

“Hiện có 2 nhóm DN cần ngân hàng bơm vốn. Đó là nhóm 20% DN hoạt động hiệu quả, có nhà máy chế biến, có vùng nuôi riêng và có thị trường xuất khẩu ổn định. Đây là nhóm đáp ứng được các yêu cầu của ngân hàng, cần ngân hàng tiếp tục cho vay để làm đầu tàu kéo cả thị trường. Nhóm thứ 2 chiếm khoảng 50% nhà máy cũng có thị trường, có vùng nuôi nhưng bị hụt vốn lưu động, nên ngân hàng cũng cần xem lại tình hình sản xuất kinh doanh của họ để tìm cách tháo gỡ” – ông Minh kiến nghị.

Để nguồn vốn đến với người nuôi và DN dễ dàng hơn, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đối tượng có nhu cầu vay vốn để phát triển nuôi cá tra có thể đề nghị UBND địa phương bảo lãnh vốn vay. Ngân hàng Nhà nước sẽ cử cán bộ xuống địa phương để thẩm định cho vay. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Minh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN