Cuối năm thuốc lá lậu nườm nượp vượt biên giới đổ về TP HCM
Do thị trường Tết tiêu thụ mạnh, giá thuốc lá ngoại nhập giữa thị trường bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh và thị trường Campuchia chênh lệch khoảng 6.000 đồng/bao, tùy loại, nên các đối tượng đã tăng cường nhập lậu thuốc lá điếu các loại.
Trong những tháng cuối năm, các đối tượng buôn lậu thuốc lá đã ngày đêm đưa hàng từ biên giới các tỉnh Long An, Tây Ninh về các quận TP Hồ Chí Minh rồi chuyển về các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận để tiêu thụ. Tuy nhiên, theo đánh giá của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) thì việc ngăn chặn vẫn còn khó khăn do các đối tượng buôn lậu liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn...
Là địa bàn “nóng” của việc trung chuyển thuốc lá nhập lậu từ các tỉnh Long An, Tây Ninh “đổ” về TP Hồ Chí Minh, thời gian gần đây, các tuyến đường trọng điểm của huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) như đường Nguyễn Văn Bứa, Phan Văn Hớn... luôn có đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu tiêu thụ.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Đội trưởng Đội QLTT Hóc Môn cho biết: trên tuyến đường sông, thời điểm đầu năm các đối tượng vận chuyển thuốc lá nhập lậu thường sử dụng vỏ lãi (ghe máy) chạy với tốc độ cao đi trên kênh Thầy Cai để xâm nhập địa bàn, tập kết đổ hàng vào các bờ kênh giáp ranh giữa huyện Đức Hòa (Long An) với huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) rồi chất lên xe gắn máy phân khối lớn mang đi tiêu thụ.
Nhưng, thời gian gần đây, các đối tượng không còn sử dụng phương thức này để hoạt động nữa. Riêng trên tuyến quốc lộ 22, các đối tượng thường sử dụng các loại phương tiện vận tải công cộng như xe ôtô khách, xe tải, xe buýt... để ngụy trang, vận chuyển thuốc lá lậu.
Manh động nhất hiện nay là trên tuyến đường bộ, các đối tượng buôn lậu tiếp tục vận chuyển theo tỉnh lộ 389 từ huyện Đức Hòa (Long An) đi vào các tuyến đường thuộc xã Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn để vào TP Hồ Chí Minh. Nếu như trước đây các đối tượng chủ yếu sử dụng xe gắn máy để vận chuyển thì những tháng cuối năm các đối tượng đã thay đổi phương thức, chuyển sang vận chuyển bằng xe ôtô.
Xe ôtô chở thuốc lá ngoại nhập lậu bị Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh bắt giữ.
Cũng phụ trách địa bàn “nóng”, ông Nguyễn Văn Mon - Đội Trưởng Đội QLTT Củ Chi nhận xét: trước đây các đối tượng chủ yếu sử dụng xe gắn máy để vận chuyển thuốc lá lậu thì nay các đối tượng đã chuyển sang sử dụng phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe tải, ôtô để vận chuyển số lượng hàng lớn hơn.
Cụ thể, ngày 12-12-2017, Đội QLTT Củ Chi cử trinh sát bám theo 2 ôtô tải chở thuốc lá điếu nhập lậu từ Long An về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Khi đến khu vực đường tỉnh lộ 7, ấp Trung Bình, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, Đội QLTT Củ Chi phối hợp với Công an huyện và Công an xã Trung Lập Thượng tạm giữ 2 ôtô trên cùng với tang vật là 26.400 bao thuốc lá nhập lậu.
Thực tế, trong thời gian qua các cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ thuốc lá ngoại nhập lậu rất nhiều nhưng phần lớn chỉ xử lý hành chính. Đội QLTT Củ Chi, trong năm 2017 kiểm tra phát hiện 115 vụ thuốc lá điếu nhập lậu, thu giữ tổng cộng 77.309 bao thuốc lá điếu với tổng trị giá hàng vi phạm hơn 15 tỷ đồng.
Nhưng trong đó chỉ có 5 vụ chuyển sang cơ quan điều tra (với 35.174 bao thuốc lá các loại); Đội QLTT Hóc Môn kiểm tra phát hiện 140 vụ, tang vật thu giữ 108.087 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại, nhưng chỉ chuyển sang cơ quan điều tra 10 vụ (số lượng 43.930 bao thuốc lá lậu các loại)... Chính vì xử lý hình sự không nhiều, nên không đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.
Nhận định về tình hình buôn lậu thuốc lá tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Bách - Phó Chi cục Trưởng Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh khẳng định: Tình hình vẫn còn rất phức tạp. Phương thức hoạt động của các đối tượng là ngụy trang cất giấu trong các bao tải, cốp xe, thùng hàng... phương tiện vận chuyển xe gắn máy 2 bánh thì các đối tượng vận chuyển xoáy nòng, đôn dên, thiết kế bình xăng, yên xe để cất giấu thuốc lá.
Chúng thường thay đổi thời gian, vận chuyển thông qua xe tải, xe khách, sử dụng xe du lịch, tập kết tại các địa bàn giáp biên giới để vận chuyển với số lượng lớn.
Tuy nhiên, cũng theo ông Bách, công tác chống buôn lậu thuốc lá hiện vẫn còn những khó khăn. Cụ thể, tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19-11-2015 quy định xử lý hành chính hành vi vi phạm đối với thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 500 bao. Từ 500 bao trở lên sẽ xử lý hình sự.
Tuy nhiên, theo quy định tại điều 191 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực ngày 1-1-2018 thì truy cứu trách nhiệm hình sự có số lượng từ 1.500 bao trở lên. Nhưng đến nay, Chính phủ chưa sửa đổi số lượng bao thuốc lá vi phạm quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19-11-2015 để phù hợp với số lượng xử lý hình sự được quy định tại Bộ luật Hình sự có hiệu lực ngày 1-1-2018.
“Do đó, kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi số lượng bao thuốc lá vi phạm để kịp thời phù hợp với số lượng xử lý hình sự được quy định tại Bộ luật Hình sự có hiệu lực ngày 1-1-2018. Kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Tòa án nhân dân tối cao, Viện KSND tối cao sớm bãi bỏ Thông tư liên tịch số 36/2012.TTLT –BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC vì Bộ luật Hình sự đã có điều khoản quy định riêng đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu”, ông Bách kiến nghị.