Cước vận tải bắt đầu giảm

Ngay sau khi xăng dầu giảm giá ngày 3/9, một vài doanh nghiệp vận tải bắt đầu giảm giá cước. Tuần này, dự kiến sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tiếp tục giảm giá.

Cước taxi giảm 500-1.000 đồng/km

Tại Hà Nội, đơn vị đầu tiên đăng ký giảm giá cước là taxi Ba Sao. Ông Phan Văn Nghiêm, Phó giám đốc hãng taxi Ba Sao cho biết, mặc dù giá xăng dầu chưa giảm đến mức thấp nhất trong năm nhưng giá cước của taxi Ba Sao đã giảm bằng thời điểm giá xăng dầu thấp nhất. Cụ thể, công ty đã giảm 1 nghìn đồng/km từ ngày 17/8. “Nếu thời gian tới giá xăng, dầu tiếp tục giảm, hãng sẽ tiếp tục xây dựng phương án điều chỉnh giá cước”, ông Nghiêm cho hay.

Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn: Yêu cầu rà soát chặt chẽ cước vận tải

Bộ Tài chính đã có hai văn bản “thúc” về việc tăng cường kiểm soát giá cước vận tải. Trong đó nhấn mạnh, giá xăng dầu có xu hướng giảm rõ rệt và sẽ tác động tích cực đến thị trường nói chung, trong đó có thị trường vận tải bằng ô tô nói riêng. Do đó, Bộ Tài chính yêu cầu rà soát chặt chẽ giá cước vận tải so với mức giá nhiên liệu của kỳ kê khai liền kề trước để hướng dẫn và yêu cầu doanh nghiệp vận tải thực hiện. Hiện nay, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục theo dõi để đôn đốc nhắc nhở các cơ quan chức năng về việc này.

Trên địa bàn TP Cần Thơ, ông Nguyễn Tấn Tài, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT TP Cần Thơ) cho biết, đến nay, đã có 1/6 đơn vị đăng ký giảm giá cước. Đó là chi nhánh Công ty Cổ phần tập đoàn Mai Linh tại Cần Thơ, mức giảm trung bình 500 đồng/km. Còn loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, 9/9 đơn vị chưa đăng ký giảm giá cước.

Tại TP HCM, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP, Phó TGĐ Vinasun taxi cho biết, Hiệp hội vừa có văn bản đề nghị các hãng taxi tính toán giảm giá và kê khai niêm yết giá cước, mức giảm đề nghị 500 đồng/km. Riêng taxi Vinasun, ông Hỷ cho biết, từ ngày 9/9 hãng này sẽ giảm 500 đồng/km.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Truyền thông taxi Mai Linh, hãng này đang cân đối lại chi phí để điều chỉnh cước. Tuy nhiên, quy trình điều chỉnh tăng, giảm cước mất khoảng từ hai tuần đến một tháng vì phải chỉnh sửa nhiều thứ. Khó khăn là chi phí điều chỉnh đồng hồ, in ấn giá cước… khá lớn, khoảng từ vài tỷ đồng trở lên cho một lần điều chỉnh.

Tại Đà Nẵng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng Võ Thành Nhân cho biết cũng đã chủ trì họp và triển khai cho các thành viên thuộc Hiệp hội phải giảm giá cước.

Cước vận tải bắt đầu giảm - 1

]Biểu đồ giá xăng từ đầu 2015 đến nay

Xăng: tăng 5.040 đồng, giảm 5.586 đồng/lít

Trao đổi với Báo Giao thông về việc tại sao chưa kê khai đăng ký giảm giá cước vận tải, lãnh đạo Chi nhánh Công ty Cổ phần Vận tải biển quốc tế Trường Sa tại Cần Thơ cho biết, vào thời điểm giá nhiên liệu xuống dưới 17 nghìn đồng/lít công ty đã kê khai giảm giá. Sau đó, giá nhiên liệu tăng lên, công ty vẫn không tăng giá vì mỗi lần kê khai điều chỉnh giá là phải cân chỉnh lại đồng hồ, làm thủ tục...

Ông Tạ Long Hỷ, chia sẻ, một lần điều chỉnh tăng giảm cước taxi, doanh nghiệp có lượng xe vừa phải cũng tốn kém từ 600 - 700 triệu đồng. Xăng đã được nhiều doanh nghiệp khoán cho lái xe. Khi tăng cước, các hãng xuất tiền quỹ hỗ trợ để lái xe không bỏ xe. Vừa qua, xăng giảm giá, doanh nghiệp ngừng hỗ trợ chừng nửa tháng nay.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nghệ An, cuối năm 2014 đầu 2015, có 52 doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cam kết giảm giá cước từ 5-10%. Từ đó đến nay, chưa có bất cứ doanh nghiệp nào điều chỉnh giá cước theo giá xăng dầu mới. So với thời điểm trước đây, giá xăng dầu vẫn cao hơn lần giảm thấp nhất tới hơn 1 nghìn đồng/lít. Vì vậy, rất khó đề nghị các doanh nghiệp giảm giá cước vận tải. “Trong trường hợp giá xăng dầu trong nước sắp tới giảm sâu, thấp hơn lần giảm thấp nhất trước đấy từ 10 - 15% thì chúng tôi mới có cơ sở đề nghị các DN vận tải điều chỉnh giảm giá cước” ông Hùng nói.

Theo tính toán của PV Báo Giao thông, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã được điều chỉnh 11 lần. Trong đó có 7 lần giảm giá và bốn lần tăng giá với mức tăng tổng cộng 5.040 đồng/lít và giảm 5.586 đồng/lít. Như vậy, tính chung lại, mức giảm từ đầu năm đến nay chỉ hơn 500 đồng/lít.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Nhà nước không thể định giá cước vận tải

Hiện nay thị trường vận tải hoạt động theo hình thức cạnh tranh nên Nhà nước không thể định giá. Nhưng cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm tra một số doanh nghiệp vận tải lớn. Nếu doanh nghiệp kê khai sai thì yêu cầu điều chỉnh hoặc phát hiện các doanh nghiệp có hiện tượng “bắt tay nhau” giữ giá cước thì phải có chế tài.

Tổng thư ký Hội Thẩm định Giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa: Khó chấp nhận tình trạng chây ì

Chi phí nhiên liệu chiếm 35 - 40% trong tổng chi phí cước vận tải. Với mức giảm giá xăng dầu 10%, nếu các yếu tố khác không đổi, thì giá cước phải giảm 5%. Việc giá xăng dầu giảm trong mấy đợt liên tiếp gần đây là cơ hội để giảm giá cước vận tải hàng hóa, xe khách đường dài; Từ đó giá cả hàng hóa, sản phẩm cũng sẽ giảm theo. Tức người tiêu dùng không chỉ hưởng lợi trực tiếp từ việc giảm chi phí đi lại, mà còn gián tiếp hưởng lợi từ việc hàng hóa giảm giá. Vì thế, rất khó chấp nhận chây ỳ, không chịu giảm giá cước.

Ông Nguyễn Vỹ Đức - Giám đốc xí nghiệp xe khách Thái Bình: Rà soát đúng,xử lý nghiêm

Để công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho người dân, cơ quan chức năng tại các địa phương cần rà soát cụ thể các đơn vị kinh doanh vận tải để yêu cầu điều chỉnh giá cước cho phù hợp. Với các DN vận tải giá cước xây dựng tại thời điểm giá xăng, dầu cao mà tới nay vẫn không có động thái giảm thì cơ quan quản lý Nhà nước cần xử lý nghiêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV kinh tế ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN