Cước taxi giá rẻ... nhảy múa
Khi nhu cầu đi lại tăng cao, giao thông ùn tắc, thời tiết bất thường, các hãng taxi giá rẻ ở TP HCM thường cài đặt cước tự động với mức cao ngất ngưởng.
Vào những ngày lễ, Tết, với đoạn đường 16 km nhưng người sử dụng dịch vụ taxi giá rẻ có thể phải trả đến 400.000 đồng, gấp 3 lần ngày bình thường.
Tăng giá theo khu vực
Anh Hưng, một người chạy taxi Uber X ( xe 4 chỗ), cho biết vào dịp lễ, Tết, Uber tăng cước dù không bị kẹt xe, ngập nước, thời tiết bình thường. Chẳng hạn, lúc 10 giờ 35 phút ngày 1-1 (Tết dương lịch), các tài xế taxi Uber ở quận 3, TP HCM nhận được thông tin tăng giá gấp 1,5 lần; khu vực quận 12, huyện Bình Chánh… tăng 2-3 lần.
Thế nhưng, theo anh Hưng, khách đi taxi Uber lại không nhận được thông tin cước tăng nên cứ đặt xe. Nếu tài xế không thông báo mức cước tăng, khách đi xe dễ bức xúc khi thanh toán.
Khi bị khách hàng phản ánh cước tăng, hãng thường trả lời do hệ thống bị lỗi hoặc do thời điểm đặt xe giao thông tắc nghẽn, số lượng xe khan hiếm… “Khách đi taxi giá rẻ cần kiểm tra kỹ giá cả, nếu thấy không hợp lý thì nên hủy chuyến” - anh Hưng khuyến cáo.
Taxi giá rẻ hấp dẫn khách hàng nhưng không phải lúc nào cũng rẻ Ảnh: Hoàng Triều
Anh Lê Minh Thư - ngụ quận Gò Vấp, TP HCM - phản ánh khoảng 11 giờ ngày 25-12-2016, anh gọi taxi Uber X đi từ địa chỉ 1050 Quang Trung, quận Gò Vấp đến một chung cư ở phường An Khánh, quận 2 và nhận được báo cước là 360.000 đồng. Cũng với đoạn đường này, trước đây, thông thường anh đi taxi Uber chỉ mất khoảng 160.000 đồng, các loại taxi truyền thống khoảng 250.000 đồng.
“Khi thấy cước bất thường, tôi cẩn thận hỏi lại và được tài xế khẳng định vẫn bình thường là 10.000 đồng/km” - anh Thư kể. Tin tưởng tài xế, anh chấp nhận. Tuy nhiên, kết thúc chuyến đi, anh tá hỏa khi hệ thống Uber thông báo cước lên đến 420.000 đồng, được tặng 20.000 đồng khuyến mãi. Như vậy, anh phải thanh toán 400.000 đồng.
“Sau khi thanh toán, tôi truy xuất thông tin chuyến đi trên điện thoại thì mới biết lúc đặt xe, Uber có thông báo bằng dòng chữ rất nhỏ là cước phí nhân 2,9 lần, tăng gần 300%” - anh Thư bức xúc.
Không để ý sẽ bị thiệt
Nhiều người phản ánh thường phải đi taxi Grab với cước cao hơn nhiều so với quảng cáo. Cứ vào giờ cao điểm, cuối tuần, lễ, Tết, cước taxi Grab thường cao hơn mức bình thường, thậm chí có khi tăng gấp 2-3 lần.
Chị Nguyệt Anh (ngụ quận 9, TP HCM) cho biết khoảng 2 tháng nay, chị thường xuyên đi taxi Grab. Có lần, chị truy cập hệ thống Grab gọi xe 4 chỗ từ quận 3 sang quận 1, cước phí thể hiện trên ứng dụng là 25.000 đồng như thông thường. Do chưa thể đi ngay, vài phút sau, chị truy cập lại, cũng với đoạn đường đó nhưng cước lại tăng lên 46.000 đồng kèm dòng chữ giá tăng do nhu cầu đi lại tăng.
Một lần khác, khoảng 16 giờ, chị Nguyệt Anh đặt taxi Grab từ quận 3 đến quận 9 với mức cước hiện trên ứng dụng là 128.000 đồng cho quãng đường khoảng 14 km. Khoảng 15 phút sau, chị vào lại ứng dụng này và cũng với chặng đường như trước, cước phí đã vọt lên 256.000 đồng. Sau đó khoảng 10 phút, chị kiểm tra lại thì cước tăng lên 278.000 đồng!
“Thấy giá không ổn định và thường tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần bình thường, tôi có hỏi nhiều tài xế chạy Grab thì được biết hãng quy định vào giờ cao điểm, cuối tuần, ngày lễ, Tết hoặc những lúc có nhiều khách đặt xe là hệ thống tự động tăng giá dù có kẹt xe hay không. Không phải hành khách nào cũng biết chính sách giá này nên nếu không để ý sẽ dễ bị thiệt” - chị Nguyệt Anh nói.
Cần kiểm tra giá trước khi quyết định Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều tài xế Uber, Grab thừa nhận các hãng này có chính sách tăng giá vào từng thời điểm, nhu cầu thị trường nhằm bù đắp cho những khi áp cước thấp. Do đó, đối với taxi Uber, hành khách nên hỏi tài xế về giá trước khi quyết định nhưng không phải tài xế nào cũng trung thực. Với taxi Grab, khách hàng cần lưu ý màu của phần hiển thị cước trên ứng dụng. Cước phí thấp hiển thị màu xanh lá cây, cao hơn là màu hồng và đỏ rực khi tăng gấp 3 lần. |