Cục Hàng không: 'Giá vé tăng cao nhưng vẫn trong khung quy định'

Theo Cục Hàng không Việt Nam, giá vé phổ thông trung bình trên một số đường bay nội địa tăng, nhưng vẫn dưới mức trần quy định.

Thông tin này được nêu trong báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam gửi Bộ Giao thông Vận tải về tình hình giá vé máy bay 4 tháng đầu năm.

Cục Hàng không cho biết từ đầu năm đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay nội địa đều tăng so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, Cục khẳng định giá vé nội địa của các hãng vẫn luôn nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định hiện hành.

Cơ quan này dẫn số liệu trên đường bay vàng Hà Nội - TP HCM cho thấy giá vé bình quân của Vietnam Airlines khoảng 2,64 triệu đồng (tăng 14% so với cùng kỳ 2023), Vietjet khoảng 1,74 triệu đồng (tăng 25%), Bamboo Airways khoảng 2 triệu đồng (tăng 11%) và Vietravel Airlines khoảng 1,5 triệu đồng (tăng 15%). Như vậy, bình quân giá vé trên đường bay này của mỗi hãng mới chiếm từ 44,1% đến 77,6% so mức trần 3,4 triệu đồng theo quy định (chưa gồm thuế, phí).

Tương tự, đường bay từ Hà Nội và TP HCM đi/đến Đà Nẵng, giá vé trung bình của Vietnam Airlines là 1,8 triệu đồng mỗi chiều (tăng 17-26%), Vietjet khoảng 1,3-1,5 triệu đồng một chiều (tăng 32-38%), Bamboo Airways khoảng 1,3-1,6 triệu đồng một chiều (tăng 13-29%), Vietravel Airlines khoảng 1,1-1,4 triệu đồng một chiều (tăng 14-20%). So với mức trần 2,89 triệu đồng (chưa gồm thuế, phí), các mức giá này tương đương 38,1% đến 62,3%.

Với đường bay Hà Nội đi Phú Quốc, giá vé trung bình của Vietnam Airlines tăng 13,8% lên 2,7 triệu đồng một chiều - tương đương 68% giá trần (4 triệu đồng, chưa gồm thuế, phí). Còn Vietjet tăng gần 50% lên 1,8 triệu đồng một chiều - tương đương 45% giá trần.

Theo Cục Hàng không, giá vé máy bay của các hãng Việt Nam tăng cũng nằm trong xu hướng chung trên thế giới. Nguyên nhân là bị tác động bởi 5 yếu tố chính gồm giá nhiên liệu lên cao, chênh lệnh tỷ giá, việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt&Whitney, giá thuê tàu bay tăng cao và tình hình cung cầu vận tải hàng không.

Trong đó, về đội tàu bay, Cục thông tin các hãng trong nước hiện có 199 chiếc, giảm 32 tàu so với năm ngoái. Tuy nhiên, lượng khai thác thực tế dao động 165-170 tàu, giảm 40-45 chiếc so với bình quân số tàu khai thác năm 2023. Việc Pratt&Whitney triệu hồi động cơ PW1100 khiến hàng chục tàu của A321neo của Vietnam Airlines và Vietjet phải dùng khai thác năm nay và 2025.

Đội tàu của Pacific Airlines và Bamboo Airways cũng giảm mạnh do tái cơ cấu hoạt động kinh doanh. Hiện tại, Pacific Airlines không còn tàu bay nào (năm ngoái có 10 tàu). Bamboo Airways khai thác 5 tàu, giảm 25 tàu so với năm 2023. Cả năm nay, ngoài Vietnam Airlines bổ sung thêm 2 tàu B787 vào tháng 6 và 7, các hãng còn lại sẽ không nhận thêm tàu bay nào.

"Việc giảm cung vận tải nội địa do giảm tàu bay là nguyên nhân ảnh hưởng đến biến động về giá vé, đặc biệt trong thời điểm cầu vận chuyển hàng không tăng cao khi nhu cầu đi lại của hành khách tăng vào các dịp lễ, Tết", Cục Hàng không nhận định.

Cơ quan này cũng dự báo tình trạng lệch cung cầu sẽ tiếp tục xảy ra trong giai đoạn cao điểm hè năm nay. Điều này cũng gây áp lực nhất định lên giá vé trên các chặng bay nội địa, nhất là đến các điểm du lịch, nghỉ dưỡng.

Trong quý I, các hãng bay Việt Nam vận chuyển 13 triệu lượt khách, giảm 5% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, lượng khách nội địa giảm 18%, xuống còn 8,5 triệu lượt.

Nguồn: [Link nguồn]

Thời gian gần đây xảy ra tình trạng khan hiếm vé máy bay, đặc biệt là với những đường bay tầm suất khai thác ít, đường bay dự lịch. Trong dịp 30/4-1/5, du khách không có nhiều lựa chọn vé máy bay trong ngày đầu và ngày cuối kỳ nghỉ. Vấn đề thiếu hụt tàu bay, chi phí nhiên liệu tăng mạnh là nguyên nhân tác động trực tiếp tới vé máy bay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Tú ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN