Cửa hàng xăng dầu: Hoa hồng âm, làm sao chúng tôi 'sống' nổi?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Sở Công Thương TP.HCM đã có cuộc họp với đại diện thương nhân đầu mối, doanh nghiệp (DN) đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP.HCM.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho biết, do ảnh hưởng biến động giá xăng dầu thế giới, vừa qua thị trường trong nước cũng gặp một số khó khăn.

“Chúng tôi hiểu DN đang hoạt động vì trách nhiệm với người tiêu dùng, trách nhiệm sự ổn định của nền kinh tế, có nhiều DN hoạt động thu không đủ chi…Tuy nhiên, các DN cửa hàng bán lẻ tiếp tục duy trì dù càng bán càng lỗ...”- lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM chia sẻ.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, trong quy định của nhà nước về xăng dầu, các nội dung điều chỉnh về mặt chính sách tập trung ở Bộ Công Thương và liên bộ Bộ, Sở chỉ cấp một số giấy phép hạn hữu mang tính chất điều kiện cho DN hoạt động, lời lỗ Sở không có điều kiện tham gia.

“Chúng tôi muốn lắng nghe và sẽ phản ảnh kiến nghị của DN đến Bộ Công Thương, cơ quan trung ương những bất cập để có những điều chỉnh phù hợp”-lãnh đạo Sở Công Thương nói.

DN càng bán nhiều càng lỗ nhiều

Trao đổi riêng với Pháp Luật TP.HCM, bà T.T, chủ DN bán lẻ xăng dầu quận Tân Phú cho biết, tham gia cuộc họp bà trình bày những khó khăn do bất cập trong điều hành giá xăng dầu, thời điểm thay đổi giá và các kiến nghị.

Bà T dẫn chứng, gần đây trước và sau mỗi đợt điều chỉnh giá, người dân dễ thấy nhiều nơi cửa hàng xăng nghỉ sớm hoặc hết xăng, hết dầu. Nguyên nhân do các cửa hàng đang nhận mức hoa hồng 0 đồng hoặc âm, tức là giá mua vào cao hơn giá bán lẻ quy định nên DN càng bán nhiều càng lỗ nhiều.

“Ngay cửa hàng của tôi từ đầu năm đến nay, mỗi tháng hầu như từ lỗ đến huề vốn, có tháng đỉnh điểm lỗ vài trăm triệu đồng” - bà T nói.

Cùng quan điểm trên, ông Đ. chủ một DN bán lẻ xăng dầu huyện Cần Giờ cho biết, trong năm 2022 mức hoa hồng 1.000-1.200 đồng/lít các cửa hàng nhận được chỉ trong vài ngày, chưa đủ bù lại thời gian bị lỗ thì hoa hồng giảm mạnh.

Đơn cử như trước vài ngày của đợt điều chỉnh giá ngày 10-7, hoa hồng của đầu mối cho cửa hàng bán lẻ 1.600-1.800 đồng/lít nhưng khi giá xăng giảm 3.000 đồng/lít, hoa hồng còn 500 đồng/lít. Vì vậy, khi nhập hàng vào DN sẽ lỗ hơn chưa kể các chi phí duy trì hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, thời gian điều chỉnh giá chưa phù hợp với giá thị trường thế giới, cùng hoa hồng thấp khiến các cửa hàng xăng dầu vô cùng khó khăn. Đơn cử như ngày 1-9 lẽ ra nhà nước phải điều chỉnh ngay để kịp với giá thị trường thế giới nhưng đến 5-9 mới điều chỉnh thì đã lỗ cửa hàng bán lẻ càng lỗ nặng.

“Là các DN tư nhân, chúng tôi kiến nghị thay đổi công thức giá cơ sở để DN đầu mối chiết khấu hoa hồng tối thiểu 700-800 đồng, hoặc theo tỷ lệ giá thành/lít cho các cửa hàng bán lẻ vừa đủ sức duy trì hoạt động. Mức hoa hồng đủ để bù đắp chi phí và có lợi nhuận là từ 1.200 đồng/lít trở lên.

Đồng thời, theo nghị định 95, nhà nước cần điều hành giá kể cả ngày nghỉ, lễ. Qua đó, tránh được tình trạng lợi dụng, găm hàng, tạo khan hiếm hàng”- ông B chủ một chuỗi các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM chia sẻ.

Người dân đổ xăng tại một cửa hàng quận 12. Ảnh: TÚ UYÊN

Người dân đổ xăng tại một cửa hàng quận 12. Ảnh: TÚ UYÊN

Vì sao xăng dầu tăng giá cửa hàng bán lẻ than lỗ, có găm hàng?

Ông B lý giải: ví dụ giá xăng 20.000 đồng/lít, cửa hàng nhận hoa hồng 1.000 đồng/lít nhưng xăng lên 30.000 đồng/lít, hoa hồng chỉ dưới 300 đồng/lít, thậm chí 0 đồng, hoặc âm. Như vậy, cửa hàng lỗ rất nặng.

Thứ hai, theo quy định cửa hàng xăng dầu, đảm bảo tồn trữ hai ngày bán hàng nhưng khi xăng dầu chuẩn bị lên giá, đầu mối sẽ bán nhỏ giọt hoặc bán vừa đủ hạn mức đăng ký.

Vì vậy, nếu một cửa hàng có đầu cơ tối đa sản lượng khoảng hai ngày bán hàng, khi giá xăng dầu tăng, lời lãi không bao nhiêu, không đủ bù lại cho lúc giá xăng dầu giảm. Do đó, việc găm hàng hay không từ các đầu mối lớn, cửa hàng bán lẻ chỉ sống được nhờ hoa hồng.

“Tâm lý cho rằng khi xăng tăng giá, các cửa hàng bán lẻ lời và nếu lỗ sao mấy ông cứ bán hoài? Không phải vậy, nếu vì lỗ cửa hàng muốn nghỉ nhưng không có lý do chính đáng, bị cơ quan nhà nước phạt, rút giấy phép nhưng kinh doanh xăng dầu là cái nghề, bắt buộc chúng tôi phải ráng sống”- các DN bày tỏ.

Thêm nữa, nhiều chủ DN bán lẻ chia sẻ, bình thường cửa hàng bán 1.000 lít/ngày nhưng khi nghe tin xăng dầu sắp tăng giá, người dân ùn ùn kéo đến mua hàng, có trường hợp người dân đem phuy, can để mua, nếu cửa hàng không bán, họ báo quản lý thị trường.

Trong khi cửa hàng xăng dầu khó khăn về nguồn cung, truyền thông đưa tin, gây khó khăn hơn cho cửa hàng bán lẻ. Mặt khác, trong khi các đầu mối rót hàng nhỏ giọt nhưng cửa hàng bán lẻ không được quyền bán hạn chế.

Nhân viên Petrolimex không bán xăng theo can, có đúng quy định?

Theo giới chuyên môn, nhân viên Petrolimex không bán xăng theo can cho khách hàng là máy móc, pháp luật không cấm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN