Sức mua yếu, doanh thu giảm hơn một nửa, cửa hàng tạp hóa lao đao vì dịch COVID-19
Cửa hàng tạp hóa từng là địa điểm mua sắm tiện dụng với nhiều gia đình. Nhưng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng đang khiến những chủ cửa hàng bán lẻ này phải đau đầu bởi lượng khách ngày càng giảm sút, thu nhập giảm theo.
Dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp khi số ca lây nhiễm và tử vong trên thế giới liên tục tăng lên từng ngày. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã khuyến cáo những phương pháp để kiểm soát dịch một cách hiệu quả, bao gồm rửa tay thuờng xuyên, mang khẩu trang khi ra ngoài, khai báo bệnh khi cảm thấy không khoẻ và hạn chế đi lại.
Trước những khuyến cáo, nhiều người tiêu dùng cũng đang hạn chế ra đường, mua sắm những nơi đông người trong những ngày gần đây nhằm phòng chống dịch. Việc này khiến nhu cầu mua sắm trực tiếp giảm dần, đặc biệt với những kênh bán lẻ như cửa hàng tạp hóa hay siêu thị mini.
Chị Linh, chủ một cửa hàng tạp hóa lớn tại Yên Xá (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) - cho biết việc học sinh, sinh viên được nghỉ học bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thời gian qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến công việc kinh doanh của gia đình.
Các chủ cửa hàng tạp hóa và siêu thị mini gia đình cũng đang lao đao bởi sức mua của người dân giảm mạnh
Chị chia sẻ, do khu vực chị ở nằm gần những trường Đại học, Cao đẳng lớn như Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội & Nhân Văn, Đại học Hà Nội, Kiến trúc, Bưu chính viễn thông, Công nghệ giao thông vận tải,… nên trong làng có rất nhiều sinh viên các trường về thuê trọ. Đây chính là nhóm đối tượng khách hàng lớn và thường xuyên với các cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini gia đình trong khu vực. Khi học sinh, sinh viên được nghỉ học do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cửa hàng tạp hóa cũng mất luôn một lượng lớn khách hàng thường xuyên.
Chị Linh cũng cho biết thêm, kể từ khi TP Hà Nội công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào tối ngày 6/3 vừa qua, nhiều người dân trong khu vực đã đổ xô đến các cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini trong khu vực vẫn mở cửa để mua đồ tích trữ.
Sự việc “tranh mua, tranh bán” này tiếp tục xảy ra trong buổi sáng ngày 7/3 và những đồ dùng có thể tích trữ lâu như mì tôm, các loại phở gói, mì khô, nước mắm, muối bột canh, giấy vệ sinh,… đều được người dân “khuân sạch”.
Chị tiết lộ nhiều cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini đã “thắng lớn” trong ngày mua sắm “điên cuồng” bởi có những gia đình mua tích trữ tới 15 thùng mì tôm, cả trăm quả trứng, chục lít dầu, nước mắm,… khiến nhiều người đến sau không còn hàng để mua. Các chủ cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini gia đình liên tục yêu cầu nhà phân phối cung cấp thêm hàng dự trữ.
Tuy nhiên, sau ngày bán hàng “thăng hoa”, sức mua của người dân khu vực giờ đã giảm hẳn do các gia đình giờ đây ngại ra đường, ngại tập trung nơi đông người mua sắm. Một phần, nhiều gia đình trong khu vực vẫn còn một lượng hàng dự trữ lớn chưa sử dụng hết.
Do đó, mức thu nhập bình quân mỗi ngày từ kinh doanh của gia đình giờ đã giảm tới hơn một nửa so với trước đây. Chị cho biết với mức thu nhập hiện tại, nếu tính trên số vốn đầu tư để mở cửa hàng lên tới vài trăm triệu đồng, cùng tiền điện, tiền nước, người trông coi thì coi như không có lãi.
Vắng khách và hàng bán chậm cũng là tâm sự của chị Thúy – một chủ cửa hàng tạp hóa ở Hà Đông trong những ngày này. Chị cho biết kể từ khi học sinh, sinh viên được nghỉ học bởi Covid-19, mức thu nhập của gia đình đã giảm mạnh. Công việc kinh doanh tiếp tục chịu thêm tác động khi Hà Nội công bố những ca nhiễm Covid-19 mới.
Chị chia sẻ, gia đình mình cũng bán được khá nhiều hàng có thể tích trữ lâu trong sáng ngày 7/3 vừa qua. Tuy nhiên, cả chục ngày nay thì sức mua của người dân trong khu vực cũng đã giảm hẳn.
Bà mẹ có 3 con đang trong độ tuổi ăn học này chia sẻ thu nhập từ cửa hàng tạp hóa của mình những ngày gần đây đã giảm tới 2/3 so với thời gian trước đây. Chị cũng phải tính toán lại lượng hàng nhập vào để tránh hàng tồn, hết hạn sử dụng mà không tiêu thụ được.
Chị Thúy cũng cho biết với những chủ cửa hàng tạp hóa thời gian này chỉ có thể lấy công làm lãi. Còn nếu tính toán dựa trên chi phí đầu tư và số tiền bỏ ra nhập hàng thì rất khó để có thể cho sinh lời cao như thời gian trước đây.
Chị thừa nhận, những cửa hàng tạp hóa, hay siêu thị mini của gia đình bây giờ cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các chuỗi bán hàng và hệ thống siêu thị lớn. Bên cạnh đó, dịch vụ bán hàng online đang rất phát triển trong mùa dịch Covid-19 khiến cho việc kinh doanh cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini dạng truyền thống càng gặp thêm nhiều thách thức.
Lực lượng quản lý thị trường tích cực xử lý các trường hợp vi phạm về buôn bán hàng hóa kém chất lượng trong mùa...
Nguồn: [Link nguồn]