Cứ đếm lá lấy tiền từ loài rau thơm mọc nhan nhản ở Việt Nam
Mỗi lá được người trồng xuất ngoại với giá 700 đồng, chủ yếu cho thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Ở nước bạn thì vậy, còn ở Việt Nam, loài cây này mọc nhan nhản trong mỗi vườn nhà.
“Cây tía tô được cấp phép vào thị trường Nhật Bản vào tháng 7/2017 và nguồn cung đối với thị trường này là không giới hạn” - chị Ty, một chủ trang trại trồng tía tô ở Lào Cai cho biết.
Cũng theo chị Ty, lá tía tô là một trong những gia vị không thể thiếu trong các món ăn truyền thống như Sushi và Sashimi của Nhật Bản. “Thực khách khi ăn Sushi mà không có lá tía tô thì coi như chưa ăn món này. Đây không phải là quan niệm riêng của họ mà tía tô là gia vị chính để làm nên món Sushi” - chị Ty cho hay.
Không chỉ được coi là gia vị chính cho những món ăn hải sản tươi sống, tía tô còn được người Nhật coi là một loại thảo dược rất tốt cho cơ thể.
Thứ lá quá đỗi bình thường trong nước nhưng được thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc thu mua với giá 700 đồng/ lá.
“Trước đây, nó mọc nhan nhản ngoài vườn, có những lúc nhổ bỏ đi không hết. Tuy nhiên, từ khi các đầu mối thu mua với giá cao, gia đình chúng tôi bắt đầu nhân trồng trên diện rộng” - chị Hòa, một trong những gia đình trồng tía tô cung cấp cho thương lái cho biết.
Cũng theo chị Hòa, mỗi lá tía tô khi được hái về bán cho thương lái là 700 đồng. Tuy nhiên, việc trồng cũng phải được áp dụng đúng kỹ thuật mà phía công ty đưa ra. “Phải trồng và chăm sóc theo kỹ thuật của họ. Không thuốc sâu, không thuốc bảo vệ thực vật và không phân tươi” - chị Hòa cho biết.
700 đồng/chiếc lá như thế này.
Diện tích 3 sào ruộng đối với gia đình chị Hòa trước đây chỉ trồng dứa. Tuy nhiên, dứa trồng thì bấp bênh, năm có thương lái mua thì giá rẻ, năm không mua thì coi như đổ bỏ. “Hai năm nay gia đình tôi ký kết với công ty, cứ đến thời điểm thu hoạch là đếm lá lấy tiền thôi. Cứ 700 đồng/ lá”.
Theo chị Ty, mỗi lá khi được công nhân hái xuống phải rất nhẹ tay bởi một trong những tiêu chí là không được rách nát. “Từ khi cây bắt đầu đâm chồi, ra lá, những lá đầu tiên sẽ bỏ đi. Từ lá thứ 7, thứ 8 trở đi sẽ thu hoạch được. Khi lá đạt kích thước từ 6-8cm là phải thu hoạch ngay kẻo sau đó là già” - chị Ty cho hay.
Sau khi thu hoạch, phân loại, tía tô được chia thành 10 lá/ bó
Anh Nguyễn Như Long, một trong những du học sinh tại Nhật Bản cho biết, “Mỗi lần nấu món gì liên quan đến loại rau thơm này, chúng tôi phải bò ra cả trăm nghìn mới mua được một bó 10 lá. Vì đắt và hiếm nên phải tận dụng thái cả cuống, chứ chẳng như hồi còn ở nhà, cứ ra vườn nhà hái cả bó”
Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi những chiếc lá được hái xuống từ cây, người trồng sẽ phân loại và rửa sạch, chia thành từng bó, mỗi bó 10 lá và được nhập về công ty.
Ngoài vấn đề giống cây và kỹ thuật trồng, điều kiện cần là chỉ được thu hoạch từ lá thứ 7 trở đi và lá có kích thước từ 6-8cm.
Công nhân đang sơ chế lá tía tô trước khi được đưa sang thị trường Nhật Bản.
Tại nơi sơ chế, sau khi lá tía tô được đưa về những công nhân sơ chế lại một lần nữa phân loại và dùng dây chun buộc lại trước khi đưa vào nhà lạnh. “Ngoài việc giống cây được kiểm tra một cách gắt gao, khâu kiểm duyệt cũng cực kỳ quan trọng. Chính cái dây chun cũng được nhập từ phía đối tác bên Nhật chứ không phải mua ngoài chợ ở mình” - chị Hòa cho biết.
Cô Ngoan có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ bán lá và bán cả cây vạn tuế.