Cú đảo chiều cuối năm, giá xăng bất ngờ rẻ hơn 8% so với năm ngoái
Trong cả năm 2018, giá xăng E5 RON92 đã có 7 lần tăng giá (3.324 đồng), 7 lần giảm giá (4.780 đồng).
Trên thực tế, biến động thị trường xăng, dầu trong nước có liên hệ chặt chẽ với xu hướng biến động của thị trường thế giới. Giá xăng, dầu Việt Nam được dựa trên cơ sở giá thế giới và các loại thuế cũng như mức trích/xả quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Đồng thời, căn cứ vào định mức chi phí kinh doanh và mức lợi nhuận hợp lý mà cơ quan quản lý quyết định giá cơ sở - căn cứ để điều hành giá bán lẻ theo chu kỳ 15 ngày.
Đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21/12 vừa qua là lần điều hành giá cuối cùng của năm 2018, khép lại một năm đầy biến động bất ngờ của giá xăng dầu. Chỉ trong 3 tháng cuối năm, 5 lần điều chỉnh giảm mạnh liên tiếp đã đẩy giá xăng dầu xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Trên thị trường dầu thế giới, tính từ đầu năm đến ngày 25/12, giá dầu brent biển bắc đã giảm từ mức 66,5 USD/thùng xuống quanh ngưỡng 54 USD/thùng, tương ứng mức giảm 18,8 %. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI cũng giảm từ ngưỡng 60 USD/thùng xuống 46 USD/thùng, tương ứng mức giảm 23,3%.
Về diễn biến giá xăng dầu trong nước, với 7 lần tăng giá và 7 lần giảm giá, giá xăng E5 RON92 đã giảm từ mức 18.243 đồng/lít vào đầu năm xuống mức 16.787 đồng/lít, tương ứng mức giảm 1.456 đồng (7,98%) trên mỗi lít xăng. Trong khi đó, giá xăng RON 95-III cũng giảm từ mức 20.090 đồng/lít vào đầu năm xuống 18.141 đồng/lít, tương ứng mức giảm 1.949 đồng (9,7%) trên mỗi lít xăng.
Còn trong năm 2017, giá xăng đã có 10 lần tăng giá và 9 lần giảm giá. Tính chung cả năm 2017, giá xăng RON 92 đã tăng khoảng 13,5%, còn giá xăng E5 tăng khoảng 12,5%.
Bước sang năm 2019, giá xăng dầu sẽ chịu thêm một tác động mới, ảnh hưởng đến giá xăng dầu là tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch trần. Cụ thể, vào cuối tháng 9/2018, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Theo đó, thuế môi trường đối với xăng được tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít (mức cũ là 3.000 đồng/lít) và được áp dụng từ 1/1/2019.
Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng thuế môi trường. Dầu hoả sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng một lít từ đầu năm sau, tăng 700 đồng so với hiện nay. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít. Dự kiến, ngân sách có thể thu thêm được hơn 15 nghìn tỷ/năm từ việc tăng thuế lên kịch khung này.
Về diễn biến giá dầu thế giới hiện tại, giá dầu brent biển bắc và WTI sau khi đạt đỉnh trong năm vào ngày 3/10 ở mức 86 USD/thùng, thì đã rớt giá thảm hại. Bất chấp việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cam kết cắt giảm sản lượng vào giữa tháng 12, nhưng giá dầu WTI đã chính thức xuống dưới mốc 50 USD/thùng. Các chuyên gia chỉ ra bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới có dấu hiệu suy giảm, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu kết thúc, trong lúc nguồn cung dầu vẫn tăng là nguyên nhân làm giá dầu giảm mạnh vào cuối năm 2018.
Từ 15h00 ngày 21/12, các mặt hàng nhiên liệu xăng dầu được điều chỉnh đồng loạt giảm giá.