CPI tháng 8 tăng đột biến: Kinh tế vĩ mô vẫn bất ổn

"Lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng chúng ta không thể chủ quan. Kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn hết sức bất ổn".

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đã trả lời phỏng vấn của NTNN xung quanh việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng đột biến ở mức 0,83%...

CPI tăng vượt xa dự báo

Thưa ông, mức tăng CPI của tháng 8 có gì bất ngờ trong công tác điều hành giá cả không?

- CPI tháng 8 tăng tới 0,83% đã vượt xa dự báo của chúng ta trước đó, chúng ta chỉ dự báo tăng 0,3-0,5%. Có sự đột biến này là do một số địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế, rồi giá xăng tăng liên tiếp nhiều lần. Ngoài ra, thiên tai không thuận lợi làm ảnh hưởng tới giá cả thực phẩm... 

CPI tháng 8 tăng đột biến: Kinh tế vĩ mô vẫn bất ổn - 1

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng đột biến ở mức 0,83%...(Ảnh: Sài Gòn đầu tư)

Tính từ đầu năm đến nay, CPI đã tăng ở mức 3,53%. Dư địa kiềm chế lạm phát theo nghị quyết của Chính phủ có thể chưa bị phá vỡ nhưng tôi cho rằng chúng ta không thể chủ quan về tốc độ tăng của lạm phát hiện nay. Bởi đi kèm với lạm phát tăng đột biến trong tháng 8 thì sức mua, tổng cầu của xã hội vẫn đang quá thấp. Sản xuất kinh doanh vẫn trì trệ, hàng tồn kho của doanh nghiệp (DN) vẫn quá lớn, các DN chưa thể thoát ra khỏi khó khăn, khủng hoảng. 

Vậy theo ông, làm sao để tháo gỡ được cho sản xuất kinh doanh, kích được cầu mà vẫn ổn định được lạm phát?

- Thời điểm này, có thể nói kinh tế vĩ mô của VN vẫn hết sức bất ổn mà cốt lõi là do năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp. Những tác động từ bên ngoài luôn khiến nền kinh tế chao đảo bởi sức đề kháng của nó còn quá yếu, hay chỉ cần tác động từ thiên tai, dịch bệnh cũng có thể thổi lên những bất ổn, trong đó có lạm phát. 

Do vậy, để tháo gỡ các khó khăn thì trước mắt, việc ban hành và quản lý chính sách giá cả của ta phải được xem xét, kiểm soát chặt. Hiện giá điện đã được khẳng định sẽ không tăng từ nay tới cuối năm, song theo quy định thì cứ 3 tháng giá điện vẫn có thể được xem xét lại. Trong khi đó, EVN vẫn được quyền tự xây dựng giá để điều chỉnh tăng mà không bao giờ giảm. 

Còn giá xăng dầu phụ thuộc thế giới có thể là bất khả kháng nhưng chúng ta phải điều hành sao cho xăng dầu không thể cứ tăng nhanh - giảm chậm, tăng nhiều giảm ít như hiện nay... Rõ ràng, các cơ quan quản lý nhà nước của ta năng lực vẫn rất yếu...

“Điểm nghẽn” cần tháo gỡ

Người dân, DN không quan tâm nhiều tới việc CPI tăng bao nhiêu. Họ chỉ thấy đời sống, kinh doanh vẫn đầy rẫy khó khăn, chi tiêu thì ngày một đắt đỏ trong khi chúng ta vẫn nói lạm phát thấp hoặc trong tầm kiểm soát, thưa ông?

- Tôi cho rằng các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ là tiến bộ, đột phá. Song tại sao các DN vẫn kêu khó khăn là bởi chính sách tốt nhưng DN vẫn chưa thụ hưởng được là bao. DN trong nước thì cạnh tranh yếu, chỉ "có tiếng mà chưa có miếng" trong khi xuất khẩu ra nước ngoài thì lại bị dính phải phản ứng, kiện tụng. DN đã khó ở trong nước thì lại chồng thêm khó khăn ở thị trường nước ngoài do bị áp thuế chống trợ cấp, bán phá giá... Người dân vẫn cảm thấy bất an do thu nhập của họ bị tụt xuống. Chính sản xuất khó khăn, kinh tế vĩ mô bất ổn đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân...

“Khó khăn hiện nay rõ ràng là cái vòng luẩn quẩn nên chúng ta phải có các chính sách phù hợp, đồng bộ. Giống như việc không thể một mặt nói cần kiềm chế lạm phát, mặt khác lại cho điều chỉnh giá hàng loạt các mặt hàng theo giá thị trường, để cho các doanh nghiệp độc quyền lãi lớn, mà chưa tính đến các tác động bất lợi cho nền kinh tế, đời sống người dân...”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ nên sớm có các chính sách kích cầu đầu tư, tiêu dùng để giải quyết các "điểm nghẽn" ?

- Tôi cho quan trọng nhất hiện nay là phải cải thiện được kinh tế vĩ mô, tăng trưởng ổn định, giữ lạm phát thấp để cho sản xuất hàng hóa tốt lên, DN tốt lên. Nếu cải thiện được thì Nhà nước sẽ cải thiện được nguồn thu, DN có lợi nhuận và người dân có việc làm, thu nhập.

Cái mà chúng ta quan tâm lúc này là lượng hay chất của các chính sách bởi “điểm nghẽn” mà Chính phủ cần tháo gỡ hiện nay là phải cải thiện đời sống người dân, kinh doanh của DN. Chính phủ có chính sách nhưng quá chậm đi vào cuộc sống nên phải cải thiện cái này. Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản đã giải quyết được bao nhiêu khó khăn? Còn bảo kích cầu đầu tư thì chỉ lấy tiền của Nhà nước. Vậy tiền đó ở đâu trong khi đầu tư công nhiều năm qua đã cho thấy rất lãng phí, manh mún, không hiệu quả, gây "dị ứng" cho các chính sách nên Chính phủ mới phải tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công. Còn kích cầu tiêu dùng nếu không đúng thì cũng "chết", bởi bài học năm 2009 với các gói kích cầu đã để lại những hệ lụy đến tận bây giờ. 

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN