CPI tháng 8 quay đầu tăng mạnh
Sau 3 lần liên tiếp tăng giá xăng dầu, giá gas "leo thang", viện phí tăng, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 đã tăng mạnh trở lại với mức 0,63% so với tháng 7.
Công bố sáng nay (24/8) của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước đã tăng trưởng dương với mức cao.
Với tốc độ 0,63% theo tháng, CPI tháng 8 đứng thứ ba trong 8 tháng đầu năm, chỉ đứng sau CPI tháng 1 (1%) và tháng 2 (1,37%). Đây cũng là mức tăng đột biến sau liên tiếp năm tháng qua, từ tháng 2-7, CPI luôn ở ngưỡng dưới 2% và đặc biệt, sau hai tháng liền kề trước 6 và 7, CPI tụt xuống mức âm.
Vẫn có những nhóm hàng hóa dịch vụ giảm giá như hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm có quyền số lớn nhất trong "rổ" tính CPI giảm 0,18% hay bưu chính viễn thông giảm 0,01% nhưng mức giảm này không kéo nổi sức tăng mạnh kỷ lục của ba nhóm giao thông, nhà ở vật liệu xây dựng và chất đốt, thuốc và dịch vụ y tế.
CPI tháng 8 đứng thứ ba trong 8 tháng đầu năm, chỉ đứng sau CPI tháng 1 (1%) và tháng 2 (1,37%).
Trong đó, nhóm giao thông tăng 1,07%. Nhân tố chính cho sức tăng của nhóm này là ba lần giá xăng dầu tăng dồn dập vừa qua với xăng tăng 2.400 đồng/lít, tăng 11,6% và dầu diezen tăng 1.650 đồng/lít, tỷ lệ tăng 8,2%. Diễn biến giá nhiên liệu này đã kéo theo giá cước vận tải, cước taxi cũng đồng loạt tăng 5-10% sau đó.
Nhóm nhà ở vật liệu xây dựng và chất đốt tăng mạnh thứ 2 trong tháng 8 với tốc độ 2,03%, sau khi giá gas tăng tới 16,5%, giá thép cũng bắt đầu hồi phục.
Nằm ngoài dự đoán của giới nghiên cứu, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng khủng nhất với tốc độ tới 5,44%, trong đó, riêng dịch vụ y tế tăng tới 7,71%. Nguyên nhân duy nhất cho cú sốc giá này chính là việc các bệnh viện lớn tại các tỉnh thành phố trung ương đồng loạt tăng kịch trần viện phí.
Các nhóm hàng hóa khác đều giữ mức tăng trên dưới 0,5% như các tháng trước.
So với tháng 12/2011, CPI tháng 8 đã tăng 2,86% và tăng 5,04% so với tháng 8 cùng kỳ năm ngoái. Tính bình quân 8 tháng, CPI tăng 10,41% so với bình quân 8 tháng năm 2011.
Chỉ số giá vàng tháng 8 tăng 0,41%, chỉ số giá USD vẫn tiếp tục giảm 0,15% so với tháng 7.