CPI tháng 6 giảm: Suy kiệt sức mua

Người tiêu dùng băn khoăn khi chỉ số giá tiêu dùng được công bố là giảm nhưng giá ở chợ chưa thấy giảm. Doanh nghiệp lo lắng. Chuyên gia kinh tế nhận định giá vẫn ở mức cao và cần theo dõi để có biện pháp xử lý kịp.

Sau 38 tháng tăng liên tục, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6-2012 đã giảm 0,26% so với tháng trước. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đó là do sức mua của người dân đang dần cạn kiệt, doanh nghiệp đình đốn.

Mặc dù chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm (chiếm số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI) giảm lần lượt 0,78% và 0,31% nhưng trên thị trường, nhiều mặt hàng thuộc các nhóm ngành này vẫn tăng giá hoặc giữ giá ở mức cao.

Giảm ít, tăng nhiều

Trái với diễn biến chỉ số giá cả thực phẩm, nhiều người tiêu dùng cho biết chi phí đi chợ hầu như chưa giảm. Theo chị Nguyễn Thị Mùi (Q.Tân Bình, TP.HCM), tháng trước chỉ 3.500 đồng là mua được 100g hành, nay lên 3.800 đồng, hành tây từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng/kg...

“Đọc báo nghe nói chỉ số giá hàng thực phẩm giảm, nhưng có đi chợ mới thấy xót ruột với giá cả, cái gì cũng tăng chứ có thấy giảm đâu...” - chị Mùi nói. Chẳng hạn, cuối tháng trước bắp cải Đà Lạt còn 8.000 đồng/kg, nay lên 10.000 đồng/kg, cải thảo Đà Lạt tăng từ 8.000 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg, xà lách Đà Lạt tăng thêm 3.000 đồng/kg...

Chị Bảo Hân (Q.Bình Thạnh) cũng cho biết hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống đều vẫn giữ giá so với cuối tháng trước, nhưng vẫn có một số mặt hàng như cá thu, cá chẽm tăng thêm 10.000-15.000 đồng/kg. “Hỏi thì họ cho biết cá về chợ sụt giảm nên giá phải tăng, thích thì mua, không thì thôi...” - chị Hân nói.

Trong khi đó theo các tiểu thương, một số loại gạo có thương hiệu thậm chí còn tăng giá. Bà Thảo, chủ vựa gạo Thu Thảo ở chợ Bà Chiểu, cho biết: “Chỉ một số loại gạo mới giảm giá nhẹ, còn gạo cũ đã có thương hiệu không những không giảm mà còn tăng. Chẳng hạn, trong tháng 6-2012 giá gạo Nàng Hương (chợ Đào) đã tăng thêm 1.000 đồng/kg”.

Ghi nhận tại các chợ đầu mối ở TP.HCM cho thấy tháng 6-2012 hầu hết các mặt hàng thực phẩm, từ rau củ đến thịt, cá đều giữ giá, một số thậm chí còn tăng giá so với cuối tháng 5-2012.

CPI tháng 6 giảm: Suy kiệt sức mua - 1

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong sáu tháng đầu năm. Trong ảnh: người chăn nuôi gặp khó do sức mua yếu -Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: vĩ cường - Ảnh: Ngô Thiên Phúc

Giá có giảm cũng ít người mua

Trong khi thực phẩm tại các chợ vẫn “neo” giá hoặc tiếp tục tăng, các chủ trại chăn nuôi cho biết giá đầu ra sản phẩm giảm mạnh, giá heo hơi tại trại hiện chỉ còn 44.000 đồng/kg, gà tam hoàng đã giảm 4.000 đồng/kg. Không chỉ bị thua lỗ, nhiều chủ trang trại cho biết đang đau đầu vì đầu ra khó khăn, bán lỗ nhưng không dễ tiêu thụ được.

Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết sức mua trên thị trường đang rất kém, ngay cả có giảm giá thì sức cầu cũng không tăng. Trong sáu tháng đầu năm 2012, theo ông Mười, sản lượng thịt kinh doanh trên toàn hệ thống Vissan chỉ bằng 94% so với cùng kỳ năm 2011.

Tương tự, ông Trần Cao Sơn, phụ trách kinh doanh gia cầm của Công ty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai), cũng khá lo lắng khi cho rằng hoạt động chăn nuôi không chỉ bị ảnh hưởng nặng bởi giá giảm, mà sức cầu thấp cũng gây lo ngại cho người chăn nuôi.

Cũng ăn ngủ không ngon là giới kinh doanh vật liệu xây dựng. Ông M.V.T., đại lý phân phối một loạt thương hiệu ximăng và thép xây dựng ở TP.HCM, cho biết lượng ximăng bán ra trong tháng 6-2012 chỉ 7.000-8.000 tấn, giảm 20% so với tháng trước và giảm đến 2/3 so với đầu năm nay. Thép chỉ bán được 600 tấn trong tháng 6-2012, cũng giảm gần 2/3 so với các tháng trước.

Theo ông Nguyễn Văn Thiện - chủ tịch Hiệp hội Ximăng VN, sáu tháng đầu năm 2012, lượng ximăng tiêu thụ được đã giảm 1,5 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng tồn kho chưa giải phóng được, trong khi việc tiếp cận vốn vay vẫn khó khăn “Có ít nhất 20-30% doanh nghiệp phải tiết giảm năng lực sản xuất” - ông Thiện nói.

“Sức mua ngành vật liệu xây dựng đã tê liệt một thời gian rất dài, đến bây giờ mới ngấm sâu hơn và thật sự sẽ rất khó hồi phục nếu không có các biện pháp kích cầu kịp thời” - phó tổng giám đốc một doanh nghiệp trong ngành thép nhận định.

Theo ông này, lượng thép hằng tháng bán ra chỉ dao động 30.000-40.000 tấn, giảm hơn một nửa so với thời điểm bình thường. Với công suất nchạy máy chỉ còn 60% so với công suất thiết kế, ông cũng thừa nhận khả năng tạm dừng sản xuất sẽ được tính đến nếu lượng hàng tồn hàng chục ngàn tấn thép vẫn chưa được giải phóng trong thời gian tới.

Chưa vội lạc quan với CPI

Nhìn vào chỉ số CPI tháng 6-2012, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng có điểm lạc quan nhưng cũng không ít điểm đáng lo ngại. Trong rổ hàng hóa, nhóm giao thông giảm 1,64% là kết quả của nhiều lần liên tiếp giảm bán lẻ xăng dầu. Nhờ đó các sản phẩm, dịch vụ khác chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp bởi giá xăng dầu có điều kiện để giảm theo.

Đây là tín hiệu khá lạc quan trong cuộc chiến chống lạm phát. “Tuy nhiên, chỉ số giá ở mức âm, đặc biệt ở các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu là biểu hiện của tình trạng tổng cầu sụt giảm, đại đa số người tiêu dùng đang cạn kiệt sức mua. Điều này kéo dài là rất đáng lo ngại” - ông Doanh nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo ông Doanh, việc CPI về mức âm cũng là dấu hiệu ban đầu của giảm phát. Nếu CPI chỉ âm trong tháng 6 này thì không đáng lo ngại. Nhưng nếu trong 1-2 tháng tới tình hình vẫn tiếp tục như vậy nghĩa là nền kinh tế đã rơi vào giảm phát.

Tương tự, TS Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, cho rằng khi CPI giảm, người dân sẽ mừng vì họ được mua hàng hóa với giá “mềm” hơn. Tuy nhiên, cần xem xét tác động từ CPI giảm lên cả hai phía người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Nhà sản xuất sẽ không vui vẻ gì trước diễn biến hiện nay của CPI. Bởi thực chất việc chỉ số giá giảm không phải là do chất lượng hàng hóa giảm mà do hàng tồn kho quá nhiều, doanh nghiệp buộc phải chịu lỗ, đẩy hàng ra bằng cách giảm giá, có nơi giảm đến cả 50% so với giá lúc thông thường.

“CPI chỉ mới giảm trong một tháng nên chưa thể gọi là giảm phát. Nhưng mấy tháng gần đây chỉ số CPI đã liên tục diễn biến theo chiều hướng mức tăng của tháng sau thấp hơn tháng trước, nay lại về âm thì rất cần phải thận trọng. Để xảy ra giảm phát sẽ gây ra những tác hại vô cùng lớn. Sản xuất đình trệ, doanh nghiệp phải sa thải công nhân. Kinh tế rơi vào suy thoái...” - ông Long nói.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh (Viện Kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính):

Không đáng lo ngại

Chuyện CPI âm không ngoài dự đoán và không có gì là ngạc nhiên cả. Dự báo, CPI các tháng tiếp theo của quý 3 cũng có thể sẽ âm. CPI từ đầu năm đến nay tăng thấp và hiện tại mới chỉ CPI tháng 6 âm nên kinh tế đang có biểu hiện của giảm phát. Còn nếu CPI giảm liên tục trong nhiều tháng thì lúc đó kinh tế mới lâm vào tình trạng thiểu phát.

Chỉ số giá cả âm có đáng lo ngại không? Xét về mặt con số thì không có gì đáng lo ngại cả. Vì từ tăng thấp đến giảm nhẹ, kéo CPI tính theo năm xuống. Tính theo năm, CPI đến hết tháng 6-2012 so với tháng 6-2011 vẫn tăng 6,9%.

Chỉ số này so với các nước vẫn ở mức cao, nên chưa có gì phải lo ngại về mặt con số cả mà thậm chí vẫn phải kéo xuống nữa. Tính đến thời điểm này, nhìn chỉ số lạm phát có thể nói rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm 2012 dưới một con số là có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, mặt lo ngại không phải là kinh tế lâm vào tình trạng thiểu phát mà cần tìm ra nguyên nhân tại sao CPI lại tăng thấp, và đến tháng này là âm. Nguyên nhân cơ bản là tổng cầu tiêu dùng của nền kinh tế suy giảm mạnh.

Do vậy, Chính phủ cần có chính sách kích thích người dân tiêu dùng. Nghĩa là phải tạo được công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, đồng thời hàng hóa sẽ được tiêu thụ và hoạt động sản xuất sẽ trở lại trạng thái bình thường. Vì đây là vòng tròn khép kín trong hoạt động kinh tế - xã hội, đương nhiên tắc ở một khâu sẽ kéo theo tất cả cùng khó khăn, vướng mắc.

Rất đáng lưu ý trong bối cảnh các bất ổn vĩ mô của nền kinh tế vẫn còn tồn tại và kiềm chế lạm phát đang có dấu hiệu tích cực, nếu các biện pháp kích thích tổng cầu không tốt thì lập tức lạm phát cao có thể quay trở lại.

Kinh tế VN như đang ở trạng thái trên dây, vừa cân bằng được cái này vừa cân bằng được cái kia, nếu không là rơi khỏi dây ngay. Đây là cái khó nhất của năm 2012. Và bài học kinh nghiệm của năm nay là cần nhìn thẳng vào kinh nghiệm năm 2009, sau khi lạm phát tăng thấp thì việc tung ra gói kích thích kinh tế đã đẩy lạm phát của năm 2010 và 2011 tăng vọt lên mức rất cao.

LÊ THANH ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo B.Hoàn - T.V.Nghi - T.Mạnh - Đ.Dân (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN