CPI giảm: “Mở đường” cho giá điện, xăng tăng?

Hà Nội và TP.HCM vừa công bố CPI tháng 3 giảm khá mạnh, nhưng thực tế, dân lại không thấy giá cả giảm. Thậm chí, nhiều ý kiến nói, giá giảm - nếu có, chỉ là động thái “dọn đường” cho điện, xăng tăng giá...

Rau củ có “dìm” được CPI?

Thực tế tại các chợ của Hà Nội, suốt từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá cả các mặt hàng gần như không giảm, ngoại trừ mỗi rau củ quả. Giá thịt lợn thì đứng nguyên như trước tết (thịt nạc thăn bán lẻ là 100.000 đồng/kg), giá thịt bò giảm chút ít so với tháng tết nhưng vẫn còn cao hơn mức bình thường từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.

Giá thịt bò thăn sáng 21.3 tại chợ Ngọc Hà vẫn đứng mức 270.000-280.000 đồng/kg (trước chỉ từ 240.000 - 250.000 đồng/kg). Giá ăn sáng tại phần lớn các quán vẫn ở mức 30.000 -35.000 đồng/bát phở (bún, miến...), thậm chí ở các phố trung tâm giá còn lên tới 40.000-45.000 đồng/bát. Giá gạo loại bình dân như Bắc Thơm vẫn ở mức 160.000 đồng/10kg bán lẻ cho người tiêu dùng.

Giá các loại thủy hải sản thì còn cao “ngất: Giá tôm, cua, ghẹ thời điểm này đều từ 300.000 - 400.000 đồng/kg trở lên với loại khá ngon; loại bình thường, nhỏ cũng trên 200.000 đồng/kg do thiếu hàng, nhu cầu tiêu dùng lại cao. Cũng do thời tiết bắt đầu nắng nóng, giá các loại cua đồng, trùng trục, trai, hến... cũng đều tăng vài nghìn đồng/kg theo nhu cầu ăn uống của người dân. Chưa kể, đầu tháng 3, giá sữa, thuốc chữa bệnh, dịch vụ y tế... cũng đã tăng chóng mặt...

CPI giảm: “Mở đường” cho giá điện, xăng tăng? - 1

CPI giảm nhưng giá cả nhiều mặt hàng ở chợ Hà Nội vẫn tăng mạnh (ảnh minh họa).

“Vậy CPI giảm ở đâu? Các nhà tính toán lấy giá ở đâu?”- bà Tạ Thị Nhung ở ngách 2/1 phố Vũ Thạnh than thở. Bà Nhung cho biết: Tôi đi chợ hàng ngày đều phải chi từ 200.000-250.000 đồng mua thức ăn bình thường cho gia đình, không thấy giảm đồng nào!”.

Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Hà Nội đã giảm 0,21%, còn CPI tháng 3 của TP.HCM cũng đã có mức giảm 0,29% so với tháng trước. Trong khi đó, tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng của 2 thành phố này đều có mức tăng trên 1%.

Tháng 2, dịch vụ ăn uống của Hà Nội đã tăng “khủng” tới 2,56%, còn ở TP.HCM giá thực phẩm cũng tăng đến 2,56% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,53%. Anh Nguyễn Văn Tuấn chuyên bán gạo các loại ở chợ cóc Vũ Thạnh (Giảng Võ, Hà Nội) cho biết, so với tháng 2 chỉ có các mặt hàng rau củ quả giảm giá, còn các mặt hàng lương thực đều đứng ở mức cao như tháng trước. Một số loại gạo bán lẻ thậm chí còn tăng nhẹ, như gạo Khang Dân từ 12.000-13.000 đồng/kg, xi dẻo 13.000-14.000 đồng/kg...

“Dọn đường” cho giá điện, xăng dầu?


Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nói thẳng: “Tôi rất nghi ngờ chỉ số CPI mà Hà Nội và TP.HCM vừa công bố”.

Ông Phú cho biết, một ngày ông đi siêu thị khảo sát giá 3-4 lần. Ngay dịch vụ ăn uống trong siêu thị cũng không giảm giá, thậm chí còn tăng. Trên thị trường chỉ có rau, củ quả là giảm, còn cá thịt không giảm giá. Hầu hết giá hàng hóa trong các siêu thị của Hà Nội đều không giảm, trừ rau củ. “Nếu giá trên thị trường và trên thực tế giảm thì theo quy định, giá của các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá của Hà Nội phải được điều chỉnh giảm giá ngay.

Nhưng giá các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá hiện nay không xuống giá”- ông Phú nói. Ông Phú còn cho biết, ông đang đi công tác tại TP.HCM, nghe nói về CPI giảm, ông vào siêu thị khảo sát cũng chỉ thấy giá rau củ, trứng giảm.

“Trong siêu thị, giá trứng của Hà Nội hiện vẫn đắt gấp rưỡi TP.HCM, mà CPI tháng 3 của Hà Nội lại giảm mạnh hơn cả TP.HCM, đây là điều hết sức vô lý”- ông Phú cho hay. Hôm qua, phóng viên NTNN cũng đã khảo sát ở siêu thị Intimex Hào Nam, giá trứng bán tại siêu thị này vẫn ở mức từ 35.000-40.000 đồng/10 quả, tùy loại, không giảm đáng kể so với đợt “sốt” giá trứng vừa qua.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, CPI tháng 3 giảm ở 2 đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP.HCM khá bất ngờ. Bởi đầu tháng 3, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng, điều này còn khiến cho các cơ quan chức năng “sợ” không dám tăng giá xăng dầu vì lo ngại lạm phát gia tăng.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng không khỏi băn khoăn và cho rằng, với 400 mặt hàng được lấy để tính toán, cộng chia cho CPI hiện nay thì không đủ để đại diện cho cuộc sống xã hội. Giá cả thực tế không giảm thì khó thuyết phục được người dân tin vào các số liệu công bố.

Nhiều chuyên gia lo ngại việc công bố CPI giảm có thể để “dọn đường” cho giá điện, xăng dầu và để các loại giá phải theo thị trường tăng hay không (?!).

Suốt từ sau tết, giá xăng dầu liên tục nhăm nhe tăng, chỉ đến khi có chỉ thị của Chính phủ yêu cầu không tăng giá thì thị trường xăng dầu mới yên, người tiêu dùng hết thấp thỏm. Giá điện cũng vậy, Bộ Công Thương công bố dự thảo có quy định cho phép ngành điện được nới rộng quyền tăng giá.

Giá điện hầu như đều tăng trong hoặc sau tháng 3 hàng năm vì được cho là thời điểm phù hợp nhất vì CPI giảm theo quy luật... Rõ ràng, các chuyên gia đều cảnh báo, năm nay, lạm phát rất có thể quay trở lại và đều khuyến cáo cần thận trọng trước các lộ trình tăng giá các mặt hàng mà Nhà nước còn độc quyền, quản lý giá. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN