Công nghiệp ô tô Việt: Cửa hẹp dần
Việt Nam cần nghĩ tới việc chuyển hướng sang các ngành công nghiệp phụ trợ cho ô tô để xuất khẩu.
Mới đây, tại buổi công bố kết quả khảo sát đầu tư của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản ở Việt Nam, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, đưa ra nhận định về xu hướng DN Nhật sẽ tập trung sản xuất ô tô ở các nhà máy của họ tại Thái Lan, Indonesia rồi nhập khẩu sang Việt Nam, nhất là từ sau năm 2018 khi thuế nhập khẩu ô tô giảm về 0%.
Ô tô nhập khẩu đang dần chiếm lĩnh thị trường nhờ chất lượng và giá cả cạnh tranh Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy phía JETRO không đưa ra dự báo hãng nào sẽ giảm quy mô sản xuất và chuyển sang nhập khẩu ô tô về bán ở Việt Nam nhưng xu hướng này là khó tránh khỏi. Bởi quy mô cả thị trường ô tô Việt Nam mỗi năm chỉ khoảng 250.000 chiếc là quá nhỏ bé so với thị trường Thái Lan khoảng 2 triệu chiếc. Trong khi đó, “miếng bánh” thị phần ô tô còn bị chia nhỏ cho các nhà sản xuất, hãng bán nhiều nhất cũng chỉ 50.000 chiếc/năm nên thực tế các hãng không có lợi nhuận nhiều nếu tiếp tục đầu tư vào sản xuất ở Việt Nam, thay vì nhập khẩu ô tô từ Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ. Theo ông Takimoto Koji, dây chuyền sản xuất của một hãng trung bình phải đạt khoảng 200.000 ô tô/năm mới có lãi.
Ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành Hội đồng DN ASEAN - EU, nhận xét: “Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô khoảng chục năm trước và đang ở rất xa so với các nước lân cận như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Đến thời điểm này, Việt Nam đã mất cơ hội phát triển thị trường ô tô như mong muốn”.
Lúc này, theo ông Chris Humphrey, Việt Nam có thể chuyển hướng phát triển ngành công nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện cho ô tô để phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu sang các nước, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đem lại nhiều lợi thế về thuế suất. Như với FTA Việt Nam - EU, ông Chris Humphrey cho rằng Việt Nam sở hữu lợi thế chi phí thấp và với sự gia tăng sản xuất phụ tùng ô tô, hiệp định này đem lại tiềm năng để Việt Nam trở thành một trong những thị trường ô tô phát triển nhanh nhất trong khu vực ASEAN trong 20 năm tiếp theo.
“Dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức do sự cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan và Indonesia, cũng như các vấn đề về cơ sở hạ tầng, đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao các tiêu chuẩn kỹ thuật và tăng cấu phần sản xuất nội địa cho xuất khẩu ra thị trường toàn cầu. Nếu sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô với tỉ lệ nội địa hóa thấp sẽ rất khó được hưởng lợi khi thuế suất trong FTA giảm và tận dụng được cơ hội này” - ông Chris Humphrey phân tích.
Dưới góc độ là một DN sản xuất linh kiện ô tô có nhà máy tại Việt Nam, xuất khẩu ra các nước trên thế giới, ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam, cho rằng Việt Nam chuyển hướng sang phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện, phụ tùng cho ô tô để phục vụ nội địa và xuất khẩu là một hướng đi cần thiết vì không phải nước nào cũng có điều kiện, lợi thế phát triển ngành công nghiệp ô tô. Việt Nam ở trong khu vực ASEAN nên có thể tận dụng thế mạnh để sản xuất linh kiện, phụ tùng và xuất khẩu cung cấp cho Thái Lan, Indonesia, Malaysia… “Để phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ cho ô tô không đơn giản bởi công nghiệp ô tô đòi hỏi nhiều yếu tố phức tạp, công nghệ hiện đại và các nhà máy sản xuất đòi hỏi cao về chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng. Phải có số lượng và quy mô đủ lớn. Sắp tới sẽ có một đoàn DN Đức đến Việt Nam tìm hiểu thị trường và cơ hội đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ô tô, cũng là tín hiệu tích cực” - ông Võ Quang Huệ nhìn nhận.
Theo các chuyên gia, sai lầm trong chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ cho ô tô của Việt Nam là chỉ nhắm vào thị trường nội địa. Nay, để tiếp tục ngành công nghiệp ô tô, bên cạnh việc vẫn có chính sách ưu đãi thu hút các nhà sản xuất ô tô lớn vào Việt Nam, cần nghĩ tới việc chuyển hướng sang các ngành công nghiệp phụ trợ cho ô tô để xuất khẩu, tận dụng lợi thế từ các FTA.
Lắp ráp còn cơ hội Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty CP Thương mại KYLIN-GX668 (Hải Phòng), cho rằng khi thuế nhập khẩu giảm xuống 0% vào năm 2018, giá ô tô sản xuất trong nước sẽ không cạnh tranh được và xu hướng nhập xe là tất yếu. Tuy nhiên, vẫn còn “cửa” cho DN lắp ráp, tất nhiên là cửa hẹp, bởi không phải ô tô nào của bất kỳ hãng nào cũng được nhập về. Thông thường, các hãng sẽ có quy định, thỏa thuận về thị phần, phân khúc cụ thể được nhập về, không phải muốn nhập gì cũng được. Còn chuyển hướng sang sản xuất linh kiện để xuất khẩu, ông Hùng đánh giá không hẳn sẽ khả thi và dễ dàng bởi phải mất 10-15 năm DN mới có thể đầu tư được máy móc, công nghệ và đi vào sản xuất ổn định. Như Thái Lan, lộ trình phải đến 20 năm họ mới sản xuất được nội địa hóa với tỉ lệ nhất định. Chưa kể, dây chuyền sản xuất phải đủ lớn thì mới đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. P.Nhung |