Cơn sốt "thần dược" hoa đậu biếc và lợi bất cập hại khi thiếu hiểu biết

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nổi lên trong thời gian gần đây, hoa đậu biếc được nhiều người tin dùng ưa chuộng bởi màu sắc đẹp mắt, hương vị thơm ngon khi chế biến thành trà hoặc nấu nước uống, nhiều công dụng đặc biệt tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc người dân không tìm hiểu kỹ mà lạm dụng sản phẩm này, sử dụng sai cách sẽ dẫn đến tác hại khó lường.

"Thần dược" chữa đủ bệnh

Cây đậu biếc là loài cây thân thảo sống lâu năm, cành mảnh và có lông, sống tại vùng có khí hậu nhiệt đới. Hoa thường mọc thành từng chùm, mang màu xanh tím đặc trưng. Hoa đậu biếc có thể được phơi khô thành trà hoặc trực tiếp sử dụng hoa tươi để nấu nước uống. Ngoài ra, nhiều người sử dụng màu xanh tím của hoa đậu biếc để làm ra những món ăn, món tráng miệng đẹp mắt.

Hình ảnh hoa đậu đang trong quá trình phơi khô.

Hình ảnh hoa đậu đang trong quá trình phơi khô.

Trên thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng như trà hoa đậu biếc, hoa đậu biếc tươi và khô. Người tiêu dùng có thể tìm thấy các sản phẩm làm từ hoa đậu biếc ở quầy nông sản khô tại các siêu thị. Các sản phẩm này cũng xuất hiện rộng rãi và được quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Mặt hàng hoa đậu biếc sấy khô có giá thành cao hơn nhiều so với hoa tươi vì phải trải qua công đoạn bảo quản khá kỹ lưỡng, phải hái hàng chục cân hoa tươi mới làm được 1kg hoa khô.

Nếu hoa đậu biếc tươi được bán với giá dao động từ 100.000 đến 200.000 đồng/kg thì hoa đậu biếc sấy khô trên thị trường có giá cao gấp nhiều lần, lên tới 400.000 - 600.000 đồng/kg, thậm chí có những nơi giá đến 800.000 đồng/kg. Đối với trà hoa đậu biếc, sản phẩm thường được đóng lọ hoặc túi zip. Tùy theo trọng lượng được đóng gói, giá thành dao động từ 100.000 đồng đến 700.000 đồng/kg.

Trà hoa đậu biếc là sản phẩm được nhiều người trẻ tin dùng.

Trà hoa đậu biếc là sản phẩm được nhiều người trẻ tin dùng.

Để thuyết phục khách hàng, nhiều người bán đã đưa ra các công dụng thần kỳ đến khó tin như tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị ung thư, trẻ hóa da, bổ máu, chữa đau dạ dày...  Nhờ những công dụng được "thổi phồng" này, nhiều chủ cơ sở còn bán hoa đậu biếc với mức giá lên đến cả triệu đồng/kg với lý do "hoa được hái tự nhiên thì nhiều công dụng hơn".

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, chị Nguyễn Lan Chi (chủ đầu mối trà từ các loại hoa) cho biết: "Hoa đậu biếc bắt đầu "sốt" lên trong thị trường tầm khoảng 2 năm trở lại đây. Giá gốc của hoa đậu biếc khoảng từ 120.000 đồng đến 400.000 đồng/kg. Các loại hoa được sơ chế và mix với các loại thảo dược sẽ có giá cao hơn khoảng 500.000 đến 700.000 đồng/kg. Trước đây, nguồn cung hoa đậu biếc khá khan hiếm còn bây giờ đã có khá nhiều vùng trồng nguyên liệu tại các tỉnh hợp thổ nhưỡng như Long An, Cà Mau".     

Chưa có căn cứ khoa học

Tuy nhiên, không phải tất cả người tiêu dùng đều biết cách sử dụng sản phẩm từ hoa đậu biếc liên quan đến hoạt chất anthocyanin có trong loại hoa này.

Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, PGS.TS Trịnh Bảo Ngọc, giảng viên cao cấp, chuyên gia dinh dưỡng, Đại học Y Hà Nội cho biết: "Hoa đậu biếc là một loại thực phẩm mới trên thị trường Việt Nam. Hiện nay, chưa có bất kỳ công trình nghiên cứu khoa học chính thức nào về loại hoa này. Do đó, không nên tin vào các thông tin "thổi phồng" về công dụng sản phẩm như chữa được ung thư hay "cải lão hoàn đồng". Nếu nhìn ở góc độ thực phẩm thì hoa đậu biếc cũng giống như các loại thực phẩm thông thường khác. Khi chưa có nghiên cứu rõ ràng thì dùng quá nhiều và coi như một vị "thần dược", bỏ qua các pháp đồ điều trị khoa học sẽ khiến người dùng lợi bất cập hại khi sử dụng".

PGS.TS Trịnh Bảo Ngọc

PGS.TS Trịnh Bảo Ngọc

Chung quan điểm, lương y Nguyễn Thị Lý, Hội đông Y Hà Tĩnh cho biết: "Hoa đậu biếc rất hiếm gặp trong các bài thuốc Đông y truyền thống. Không chỉ vậy, việc sử dụng hoa biếc không đúng cách sẽ gây ra hậu quả khó lường. Đối với người huyết áp thấp, phụ nữ có thai, hoa đậu biếc là sản phẩm cần phải hạn chế bởi thành phần trong hoa có thể làm giảm đường huyết, gây chóng mặt, buồn nôn. Phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt và người mắc bệnh máu khó đông cũng không nên sử dụng. Trẻ nhỏ nếu vô tình ăn phải hạt đậu biếc có thể dẫn đến tình trạng tiêu chảy, buồn nôn".

Hoa đậu biếc là một loại thực phẩm mới, người tiêu dùng tránh tin vào các thông tin "thổi phồng" công dụng của sản phẩm, rơi vào tình trạng "tiền mất tật mang".

Nguồn: [Link nguồn]

Mận hậu đầu mùa rẻ bằng 1/2 năm ngoái, tưởng bán chạy ai ngờ trái ngược hẳn

Mận đầu mùa từ Mộc Châu (Sơn La) đang được bán tại Hà Nội với giá 120.000-150.000 đồng/kg.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Hoàng ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN