"Con sâu biển" sắp tuyệt diệt vì nhu cầu "bổ thận tráng dương" cho chồng của các bà nội trợ
Được xem là "thần dược" chữa bệnh khó nói của phái nam nên hải sâm bị đánh bắt quá mức dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.
Hải sâm (Stichopus japonicus Sel) thuộc họ Holothuridae, gọi theo dân dã là sâm biển, dưa biển, đỉa biển, là một loại động vật không xương sống. Thuộc ngành động vật da gai, sống ở biển, thích nghi với điều kiện nước chảy mạnh ở vịnh và những nơi có nhiều đá ngầm.
Hải sâm là món đặc sản ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc
Hải sâm là một trong những loài vật kỳ lạ nhất hành tinh. Chúng không có chi, không có mắt, chỉ có miệng và hậu môn cùng một loạt cơ quan bên trong cơ thể tròn ung ủng y hệt quả dưa chuột.
Tuy vậy, loài vật lạ đời này đã trở thành đặc sản ở châu Á trong nhiều thế kỷ, chuyên xuất hiện trên bàn tiệc của tầng lớp thượng lưu, nơi hải sâm sẽ đi liền với bào ngư. Ngoài ra, chúng còn được săn bắt, làm sạch sau đó sấy khô rồi đóng gói trong bao bì sang trọng dùng làm quà biếu.
“Quý ông nào thấy "yếu" trong người, tối chỉ cần uống vài ly rượu hải sâm thì sáng ra vợ vừa quét sân vừa hát dân ca” - anh Tuấn, một chủ cửa hàng hải sản nhập khẩu cho biết.
Trong y học cổ truyền, hải sâm được coi là một vị thuốc bổ thận, tráng dương và từ đó khiến nhu cầu tăng mạnh. Đặc biệt, ở Trung Quốc, nhu cầu đối với hải sâm cao như một "cơn sốt".
Hải sâm Nhật là đất nhất, với mức giá $3.500/kg
Có đến hơn 1.250 loài hải sâm trên khắp thế giới, loài có lông, loài có gai... và con nào càng đẹp, càng kỳ dị, giá lại càng đắt. Trong đó, giá tiền dành cho hải sâm Nhật Bản là đắt đỏ nhất, với mức giá $3.500/kg (hơn 80 triệu đồng).
Với giá bán đó, thực khách thưởng thức hải sâm tại các nhà hàng sang trọng sẽ phải chi khoảng 170 USD/đĩa (khoảng 4 triệu đồng). Vị của hải sâm không quá đặc biệt, dù dai nhưng vẫn giòn.
Ngoài tác dụng bổ thận tráng dương, hải sâm còn trở nên đắt giá vì chứa hàm lượng glycosaminoglycan rất cao, chất này giúp điều trị các vấn đề về viêm khớp trong nhiều thế kỷ qua. Còn mới đây, các nhà khoa học đã dùng chiết xuất từ hải sâm để triều trị một số bệnh ung thư và giảm cục máu đông.
Khai thác hải sâm quá đà khiến giá đã đắt nay còn đắt hơn, đồng thời đẩy chúng vào bờ vực tuyệt chủng
Nhưng chính cơn sốt sử dụng hải sâm làm "thần dược tráng dương" đang đe dọa hệ sinh thái ven biển dọc bán đảo Yucatan tại Mexico khi các ngư dân đổ xô săn tìm, đẩy sinh vật này tới nguy cơ biến mất, International Business Times đưa tin.
Số lượng hải sâm ở các vùng biển Đông Nam Á giảm mạnh do đánh bắt quá mức trong những năm gần đây. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc, ngư dân chuyển tới địa điểm đánh bắt khác. Bán đảo Yucatan gần đây trở thành một điểm nóng của ngành đánh bắt hải sâm.
Vì bị khai thác quá mức, hải sâm đã hiếm nay còn hiếm hơn, khiến mức giá cho chúng tăng vọt.
Có rất nhiều loài hải sâm
Ở Việt Nam, đánh bắt hải sâm cũng mang lại nguồn thu nhập cao cho ngư dân. Thế nhưng, cũng vì loại hải sản quý hiếm này, không ít ngư dân đã bỏ mạng hoặc tàn phế suốt đời.
Một ngư dân vùng biển tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "“Hải sâm còn được gọi là vú biển, một trong những loại hải sản quý hiếm thường sống ở độ sâu từ 50 - 70m. Chục năm trước, hải sâm không đắt lắm nên được ngư dân trên đảo bắt về ngâm rượu uống hoặc phơi khô làm quà. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhiều tiểu thương ở các tỉnh phía Nam ra tận nơi đặt mua với giá rất cao, nên ngư dân chuyển sang làm nghề lặn hải sâm".
Hải sâm tự nhiên ngày càng hiếm, giá thành rất cao nên không ít thợ lặn chấp nhận đối mặt với nguy hiểm để tìm bắt dù chỉ một vài con
Nghề lặn tìm hải sâm do lặn quá sâu, chừng 60 - 70m nên luôn đối mặt với hiểm nguy. Có khi phải lặn xuống độ sâu hơn trăm mét để bắt những con hải sâm lớn, nếu không cẩn thận lập tức bị tai biến, nhẹ thì bị liệt còn nặng thì coi như... bỏ mạng giữa biển.
Đã có nhiều thợ lặn kỳ cựu khi gặp sự cố cũng không thoát được “cửa tử”. Không ít người giờ vẫn phải hứng chịu di chứng từ nghề lặn, nặng thì bị liệt nửa người, nhẹ cũng bị ù tai, giảm thị lực. Nỗi đau, nước mắt từ biển luôn thường trực. Theo nghề lặn kiếm tiền rất nhanh, nhưng đó là tiền từ xương máu và sự đánh cược mạng sống.
Hàng chục tàu cá của ngư dân Lý Sơn đã mang về hàng chục tấn hải sâm.