“Cơn lốc” hàng Thái

Trong số các mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam, hàng Thái Lan chỉ xếp sau hàng Trung Quốc. Song gần đây, do nhiều thông tin về sản phẩm không đảm bảo chất lượng và thiếu an toàn của hàng Trung Quốc khiến người tiêu dùng quay lưng, hàng Thái Lan đã nhanh chóng thâm nhập sâu hơn.

Hiện diện khắp nơi

Vài năm trở lại đây, hàng Trung Quốc xuất hiện nhiều tai tiếng khiến độ tin cậy của người tiêu dùng giảm sút và bắt đầu chuyển sang dùng hàng Thái Lan ngày một nhiều hơn.

Cũng như hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan có mặt ở các ngóc ngách trên thị trường, từ thành thị đến nông thôn, từ cửa hàng tạp hóa đến chợ, siêu thị, thậm chí phủ đầy ở những nơi hàng Việt chưa phủ đến được.

Tại các chợ đầu mối chuyên phân phối hàng sỉ như Tân Bình, An Đông (TPHCM), nhiều tiểu thương đã chuyển từ kinh doanh hàng Trung Quốc sang bán hàng Thái Lan.

Chị Mỹ Hoa, một tiểu thương ở chợ An Đông, cho biết trước đây cửa hàng của chị chuyên cung cấp giày dép, quần áo Trung Quốc nhưng gần đây, do hàng Trung Quốc chất lượng kém, có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nên người mua đã chuyển sang sử dụng hàng Thái Lan. Do vậy, các chủ cửa hàng đã chủ động thay đổi nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tại một số cửa hàng trong khu thương mại TAKA trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1), người mua có thể tìm thấy rất nhiều sản phẩm quần áo có giá từ 150.000-300.000 đồng/cái.

Theo các chủ cửa hàng, đa số sản phẩm tại TAKA đều là hàng Thái Lan và được nhập về mỗi tuần để bán sỉ và lẻ. Tuy hàng may mặc của Trung Quốc bắt mắt hơn về mẫu mã, giá rẻ hơn hàng Thái Lan khoảng 10-20% nhưng hiện nay khách hàng thích chọn hàng Thái Lan vì ít hàng nhái, chất lượng bảo đảm và độ bền cao hơn.

Không chỉ hàng thời trang, hiện nay các loại thực phẩm, trái cây, quần áo may sẵn, đồ dùng gia dụng xuất xứ từ Thái Lan đã có mặt tại gần 9.000 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác.

Cũng chỉ với những sản phẩm trái cây tương tự của Việt Nam như sầu riêng, bòn bon, măng cụt, chôm chôm, quýt, xoài… nhưng hàng Thái Lan lại được người tiêu dùng ưa chuộng đến mức tại các sạp, các loại trái cây Thái Lan chiếm đến 40%. Còn với mặt hàng mỹ phẩm, nếu như trước đây hàng Thái Lan chỉ xuất hiện ở các khu chợ vùng biên giới, nay đã tràn sâu vào thị trường Việt Nam.

Trong các kênh phân phối hiện đại, khoảng 2 năm nay, hàng Thái Lan chiếm tỷ trọng cao do các siêu thị nhận thấy xu hướng sử dụng hàng Trung Quốc giảm và tiêu thụ hàng Thái Lan tăng nên đã chuyển sang nhập khẩu đối với đồ hộp, nước uống, bánh kẹo, quần áo, mỹ phẩm từ Thái Lan.

Trong khi đó, đối với thị trường điện tử, điện lạnh, hàng Thái Lan đang chiếm hơn 70% thị phần vì hàng loạt thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Sharp, Philips, Panasonic, Sanyo… đều đặt nhà máy sản xuất ở Thái Lan.

“Cơn lốc” hàng Thái - 1

Đồ nhựa và đồ dùng nhà bếp của Thái Lan nhiều năm được đánh giá là bền và chắc chắn

Thâm nhập bằng nhiều đường

Không cạnh tranh bằng giá rẻ như hàng Trung Quốc hay hàng Việt Nam, hàng tiêu dùng Thái Lan chủ yếu khai thác nhu cầu sử dụng sản phẩm tốt với mức giá có thể cao hơn. Theo các chuyên gia, sở dĩ hàng Thái Lan dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam do chính phủ Thái Lan luôn thực hiện các chương trình hỗ trợ, ưu đãi để các DN thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, đưa hàng ra nước ngoài.

Các cơ quan xúc tiến thương mại ở Thái Lan có nhiệm vụ tìm hiểu và tổ chức các chương trình hội chợ, triển lãm thường xuyên ở các nước để giúp DN quảng bá sản phẩm.

Đối với những hội chợ xúc tiến thương mại đầu tiên tại thị trường nước ngoài, toàn bộ kinh phí sẽ được nhà nước hỗ trợ. Mức hỗ trợ này sẽ giảm dần ở những lần tổ chức hội chợ kế tiếp vì các DN đã có thể tự hoạt động tại các thị trường. Ngoài ra, bản thân các DN cũng có hệ thống phân phối rất chặt chẽ.

Các nhà cung cấp luôn hỗ trợ người kinh doanh phát triển hệ thống phân phối. Đồng thời, họ tận dụng rất tốt kênh giao dịch thương mại điện tử, chỉ cần liên lạc qua mạng, các công ty này sẽ đáp ứng đơn hàng. Nếu đặt số lượng lớn, trong vòng nửa tháng, công ty sẽ cho chuyển hàng đến tận nơi bằng đường hàng không.

Chính vì thương hiệu, chất lượng được quảng bá mạnh nên hàng Thái Lan dễ dàng chiếm lòng tin của người tiêu dùng. Hiện nay, hàng Thái Lan vào Việt Nam bằng nhiều đường khác nhau như: chính ngạch, tiểu ngạch, nhập lậu, xách tay.

Vì nhập khẩu qua đường chính ngạch phải chịu thuế cao nên hàng Thái Lan vào bằng đường chính ngạch thường chỉ xuất hiện ở các đơn vị kinh doanh lớn, còn các tiểu thương chủ yếu nhập hàng qua đường tiểu ngạch.

Các tiểu thương này thường thông qua người quen ở Thái Lan để nhờ đặt mua hàng, sau đó hàng sẽ được giao cho một công ty vận tải chuyển theo đường bộ qua Lào rồi về cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) để vào Việt Nam. Còn với những mặt hàng nhẹ khác như nước hoa, mỹ phẩm trang điểm, trang sức… được đưa về Việt Nam bằng cách xách tay theo đường hàng không, ký gửi thông qua các tiếp viên hàng không.

Đáng chú ý là mặc dù hàng Thái Lan đang phát triển khá tốt tại Việt Nam nhưng chính phủ nước này vẫn đang tiếp tục thực hiện chiến lược hỗ trợ DN đưa hàng tiến sâu vào Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Linh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN