''Cơn bão'' châu chấu tàn phá hàng trăm ha tre ở Nghệ An
Những ngày qua, đàn châu chấu hàng triệu con đã tàn phá nhiều diện tích cây tre mét trên địa bàn huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Những khu vực trồng tre mét đang xanh mướt, sau một vài ngày bị "cơn bão" châu chấu tấn công trở nên trơ trụi.
Bất lực nhìn đàn châu chấu bu kín từ thân cây lên đến ngọn tre để ăn lá, ông Lương Văn Ngọc (trú xóm 7, xã Nghĩa Bình) rầu rĩ: “Hầu như năm nào cũng có châu chấu đến ăn cây tre mét, nhưng năm nay số lượng đàn lớn, tàn phá nghiêm trọng hơn nhiều. Gần 30ha tre mét nay bị châu chấu ăn trụi. Châu chấu ăn mọi thứ từ lá, cành đến búp măng sắp thu hoạch”.
Châu chấu tàn phá tre mét ở xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ
Cách đó không xa, gia đình ông Lục Văn Thể (xóm 7, xã Nghĩa Bình) có hơn 3ha tre mét cũng đang bị châu chấu tàn phá. Thời điểm này năm ngoái rừng mét của gia đình ông vào vụ thu hoạch măng củ. Mỗi ngày, gia đình ông thu hoạch được 60kg măng, sau khi bán và trừ đi chi phí, gia đình thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày.
"Nhờ số tiền này gia đình có thể trang trải cuộc sống cũng như chu cấp cho các con ăn học. Tuy nhiên, năm nay do dính nạn châu chấu nên khoản thu từ măng bị mất trắng”, ông Thể chia sẻ.
Dịch châu chấu tại huyện Tân Kỳ, Nghệ An
Xã Nghĩa Bình là vùng trồng cây tre mét lớn nhất của huyện Tân Kỳ (Nghệ An) với diện tích hơn 200ha. Nhờ thu hoạch măng non và bán cây, mỗi ha tre mét cho thu nhập trung bình từ 20-50 triệu đồng/năm, giúp bà con địa phương xóa đói giảm nghèo.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, nạn châu chấu bùng phát mạnh tại xã Nghĩa Bình đã khiến 2/3 diện tích trồng mét bị thiệt hại, trong đó khoảng 40ha bị thiệt hại nặng.
"Cây tre mét là một trong những cây trồng chủ lực của người dân địa phương. Tuy nhiên, những ngày gần đây châu chấu xuất hiện với mật độ cao, lên đến hàng triệu con trên nhiều diện tích rừng mét, làm giảm năng suất, gây hại nặng nhất đến những cây mét non", ông Thắng cho hay.
Dùng flycam để phun thuốc diệt trừ châu chấu
Ông Nguyễn Công Trung, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Kỳ thông tin: “Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm huyện Tân Kỳ cũng đang phối hợp với UBND xã Nghĩa Bình và chủ rừng, tổ chức phun thuốc bảo vệ thực vật diệt trừ châu chấu, bằng cách sử dụng máy phun động cơ gắn trên thiết bị bay (flycam) để phun trên những diện tích châu chấu đang gây hại. Hiện dịch cơ bản đã được khống chế”.
Được kỳ vọng phục vụ 7 triệu lượt khách mỗi năm nhưng đã gần 2 năm đi vào hoạt động, bến xe Miền Đông mới (TP.Thủ Đức, TPHCM) vẫn đìu hiu khách. Lượng khách đến đây...
Nguồn: [Link nguồn]