Cơm đùi gà siêu thị rẻ hơn quán bình dân hot nhất tuần
Mức giá chênh đến 200% giữa cơm đùi gà, câu chuyện người Việt thống trị nghề nail ở Mỹ, thương lái Trung Quốc mua lá khoai lang... là những thông tin được quan tâm tuần qua.
Cơm đùi gà chênh giá 2 lần giữa siêu thị và quán bình dân
Tại tầng 2 trong siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), suất cơm đóng gói gồm canh thịt, nước chấm, rau và đùi gà, hoặc các loại thịt khác có giá từ 15.000 đồng đến 21.000 đồng. Tuy nhiên, giá suất ăn tại hàng ăn bình dân ở tầng 3 lại lên tới 50.000 đồng.
Cũng với suất ăn tương tự, khách ăn tại quán cà phê trên đường Nhân Chính phải trả 52.000 đồng, còn trong các nhà hàng lên đến 100.000 đồng.
Đại diện của Big C Thăng Long cho biết, các suất cơm gà tại siêu thị có mức giá chỉ 19.900 đồng, nhờ nguyên liệu đầu vào được thu mua với số lượng lớn và ổn định. Thay vì phải nhập qua nguồn cung trung gian như nhiều cửa hàng ăn uống, Big C có lợi thế là nhập được tận gốc, chịu ít trung gian nên giá rẻ hơn. Ngoài ra, những suất ăn tại tầng 2 còn nằm trong danh sách sản phẩm được Big C trợ giá, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Người Việt thống trị nghề nail ở Mỹ
Theo tờ Miami Herald, cộng đồng người Việt ở Mỹ đã trở thành lực lượng kiểm soát gần như hoàn toàn nghề làm móng (nail) ở nước này.
Thống kê từ tạp chí Nail Magazine của Mỹ cho thấy, tại nước này, hiện có 374.345 người Việt được cấp chứng chỉ kỹ thuật viên nghề nail, chiếm hơn 40% nhân lực làm trong nghề này ở Mỹ. Việc người Việt làm nghề nail phổ biến ở Mỹ bắt nguồn từ nỗ lực dạy nghề được bà Tippi Hedren, một ngôi sao Hollywood, và từng là một điều phối viên về cứu trợ quốc tế, khởi xướng.
Người Việt thống trị nghề nail ở Mỹ.
Vào năm 1975, bà Hedren tới thăm trại tị nạn Hope Village ở Sacramento, California, nơi có 20 người phụ nữ Việt Nam vừa được đưa tới. Khi đó bà đã nghĩ đến việc giúp đỡ cho những người phụ nữ khéo tay này học làm nghề nail, và đã đưa thợ làm móng của mình đến để hướng dẫn họ.
Từ chỗ chỉ có 20 người phụ nữ Việt nhập cư vào Mỹ được đào tạo, ngày nay đã có hẳn một cộng đồng người Việt làm nail ở nước này. Họ sở hữu tiệm nail ở mọi ngóc ngách trên đất Mỹ, không khác gì những tiệm cà phê Starbucks hay hiệu đồ ăn nhanh McDonald’s. Thông thường, chủ tiệm nail cũng làm việc 60 tiếng một tuần giống như nhân viên, với doanh thu chia theo tỷ lệ 60% cho kỹ thuật viên và 40% cho tiệm. Giờ đây, nhiều người Việt ở thế hệ thứ hai vẫn tiếp nối nghề và trở thành một phần trong giai cấp trung lưu tại Mỹ.
4 lý do khiến bánh mì Sài Gòn nổi tiếng
Không có công thức chung, bánh mì ở Sài Gòn tùy thành phần nhân kẹp bên trong mà có tên gọi khác nhau, nhưng là món ăn quen thuộc trong thực đơn hàng ngày của nhiều người. Bánh mì Sài Gòn được cải biên từ bánh mì Baguette do người Pháp đem vào Việt Nam. Thế nhưng, bánh mì Sài Gòn lại trở nên nổi tiếng bởi người Sài Gòn đã chế biến Baguette lại thành bánh mì đặc trưng của mình, với giá bình dân. Và ở Sài Gòn, đàn ông, phụ nữ, người già, người trẻ đều có thể tham gia bán bánh mì.
Ở Sài Gòn, đàn ông, phụ nữ, người già, người trẻ đều có thể tham gia bán bánh mì.
Vỏ bánh không có nhiều khác biệt, được nướng trong lò trước khi mang đi giao trong những chiếc giỏ cần xé để đảm bảo giòn, ngon. Trong khi nhân bánh được biến tấu thành nhiều loại, như bánh mì thịt nướng, xíu mại, phá lấu, chả cá… Mỗi ngày, chỉ với 8.000 - 10.000 đồng/ổ bánh mì, bán 100 - 200 ổ, thu nhập một tháng sau khi trừ chi phí của nhiều người có thể lên đến hơn chục triệu đồng.
Thương lái Trung Quốc hỏi mua lá khoai lang
Gần đây, tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long có rất nhiều đoàn thương lái (cả người Việt và người Trung Quốc) đến đặt hàng mua số lượng lớn lá khoai lang. Theo đại diện một hợp tác xã, số lượng đặt hàng qua đơn vị này lên tới 20 tấn, với giá 10.000 đồng/kg. Họ yêu cầu hợp tác xã vận động nông dân cắt lá khoai lang đem đến nơi tập trung thì họ đưa xe đến chở và chi tiền hoa hồng 1.000 đồng/kg, còn đặt tiền cọc 20 triệu đồng. Ngoài ra, một số thương lái Trung Quốc khác đến địa phương đề nghị mua đậu bắp xanh với số lượng lớn, giá cao hơn thị trường, nhưng không chịu làm hợp đồng.
Nếu bị cắt lá sớm thì năng suất củ khoai lang sẽ giảm tới 50%.
Các chuyên gia nông nghiệp cho biết, nếu bị cắt lá sớm thì năng suất củ khoai lang sẽ giảm tới 50%. Nhận thấy hành vi bất thường chỉ mua lá không mua củ, mua lá tươi trước thu hoạch chứ không mua lá sau thu hoạch, UBND tỉnh Vĩnh Long đã vận động người dân không bán lá khoai lang cho thương lái người Trung Quốc.
Cây ổi dáng rồng bay giá 150 triệu đồng
Một cây ổi găng có dáng “long thăng” với hàng trăm quả, chỉ cao 75cm được chủ nhân rao bán với giá 150 triệu đồng. Cây ổi này được người sở hữu chiết và chế tác cách đây 6 năm, từ một cành của cây ổi găng khoảng 30-40 năm tuổi, mọc tự nhiên trong vườn nhà. Trong quá trình phát triển, cây ổi cho quả sai trĩu, nhỏ nhưng ăn rất ngọt.
Cây ổi được chốt giá bán là 150 triệu.
Cây cao khoảng 75cm, tán rộng khoảng 1m2, bộ rễ ôm mặt chậu như cây cổ thụ thiên nhiên thu nhỏ. Theo chủ nhân của cây ổi kiểng này, có người đã trả giá từ 50 đến 70 triệu đồng nhưng anh không bán, mà chốt giá 150 triệu.