Có thể đưa mỗi năm 10.000 lao động sang Hàn Quốc
Ngày 6/10, vừa trở về từ Hàn Quốc, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, phía bạn rất thiện chí về hợp tác trong lĩnh vực lao động nên hy vọng có thể sẽ được khai thông thị trường lao động vào tháng 12 tới với hơn 10.000 lao động mỗi năm.
Không sử dụng lao động bỏ trốn
Theo bà Chuyền, nhân chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đoàn lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đã có chương trình làm việc với ông Lee Ki-Kwon, Bộ trưởng Lao động và Việc làm Hàn Quốc. Hai bên đã cùng nhau trao đổi về Chương trình phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam (EPS) và chương trình hợp tác chung giữa hai Bộ về lĩnh vực lao động.
Tháng 12 năm 2013, hai bên đã ký Bản ghi nhớ đặc biệt về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam, nối lại việc đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Bản ghi nhớ này sẽ hết hiệu lực vào tháng 11 tới. “Hai bên rất lạc quan về những nỗ lực trong suốt thời gian qua”, Bộ trưởng Chuyền nói.
Theo Bộ trưởng Chuyền, để thực hiện Bản ghi nhớ (hết hiệu lực vào tháng 11 tới), Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để giảm bớt số lao động hết hạn về nước bỏ trốn, ở lại làm việc trái phép. Kết quả, tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tính đến tháng 8/2014 đã giảm xuống còn 31,19%.
“Hai bên đã có những bước tiến mới về chương trình EPS. Hy vọng, cuối năm nay, chúng ta có thể đưa hơn 10.000 lao động/năm sang Hàn Quốc làm việc cho thu nhập cao”. Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền |
Bộ trưởng Chuyền cho rằng, phía Hàn Quốc đã ghi nhận những nỗ lực mà Việt Nam thực hiện trong suốt thời gian qua (đẩy mạnh tuyên truyền tại các địa phương với gia đình có người nhà làm việc trái phép tại Hàn Quốc; thực hiện các chế tài xử phạt lao động hết hạn hợp đồng không về nước; lập văn phòng quản lý lao động tại Hàn Quốc).
“Tháng 12 tới, hai bộ sẽ ngồi lại để cùng nhau đánh giá tình hình thực tế. Trên cơ sở đó sẽ xem xét việc ký thỏa thuận tiếp tục đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc theo chương trình EPS”, bà Chuyền nói.
Bà Chuyền cho biết thêm, tại buổi làm việc, phía Việt Nam đã đề nghị Hàn Quốc tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động để các doanh nghiệp Hàn Quốc không sử dụng lao động Việt Nam bỏ trốn. “Hàn Quốc cần phải làm quyết liệt để doanh nghiệp nào sử dụng lao động Việt Nam bỏ trốn phải bị xử phạt nặng. Có như vậy, mới giúp Việt Nam giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống”, bà Chuyền nói.
Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc mỗi năm gửi về nước hơn 700 triệu USD. Ảnh: Nguyễn Bá Anh
Hai bên cùng có lợi
Cùng ngày, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh- Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc sử dụng lao động Việt Nam, có lợi cho nền kinh tế Hàn Quốc. “Tuy nhiên, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn hiện nay vẫn cao hơn nhiều so với các nước khác được phép đưa lao động vào Hàn Quốc”, ông Quỳnh nói.
“Thực ra việc thực hiện chương trình EPS, hai bên cùng có lợi. Nếu không có lợi, họ đã không tiếp nhận lao động đến từ Việt Nam”, ông Quỳnh nói.
Đồng thời chia sẻ: “Phía bạn khẳng định tiếp tục khuyến cáo doanh nghiệp trong nước không sử dụng lao động Việt Nam bỏ trốn. Doanh nghiệp nào sử dụng lao động bỏ trốn sẽ bị phạt. Tuy nhiên, việc phát hiện doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động bỏ trốn thời gian qua chưa được nhiều”.
Về phía Việt Nam, để hạn chế lao động bỏ trốn, đã tăng cường xử phạt mạnh về kinh tế. Ông Quỳnh cho biết, riêng với thị trường Hàn Quốc, tính đến thời điểm này, đã có 300 lao động bị xử phạt từ 80-100 triệu đồng/người về hành vi bỏ trốn ở lại làm việc trái phép.
“Những người này bị xử phạt khi đã có đầy đủ các chứng cứ. NLĐ sẽ phải thực hiện theo quy định hiện hành. Nếu không thực hiện, sẽ bị cưỡng chế. Cơ quan cưỡng chế sẽ là Chủ tịch UBND nơi người lao động cư trú ký xác nhận trước khi lao động xuất cảnh”, ông Quỳnh nói.