Có của ăn của để nhờ trồng loài cây dại ra quả bé li ti, thơm điếc mũi

Sự kiện: Kinh Doanh

Thời gian qua, cây mắc khén - loài cây vốn mọc dại trong rừng trước kia nay được nhiều bà con dân tộc Thái đem trồng trên nương rẫy. Cây mắc khén ra quả từng chùm, bé li ti, "thơm điếc mũi" là một gia vị quý không thể thiếu trong các món ăn hàng ngày đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều hộ gia đình. Chị Quàng Thị Doan, bản Bỉa (xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đã ăn nên làm ra, có của ăn của để nhờ trồng mắc khén, mỗi năm chị thu nhập khoảng 70 triệu đồng từ bán hạt mắc khén thơm lừng.

Mắc khén là loại cây gỗ cao từ 14 - 18m, thân thẳng, ngoài vỏ thân mọc nhiều gai, phiến lá có răng cưa, hoa mọc thành chùm màu xám trắng giống như hoa xoan. Cây mắc khén ra hoa từ tháng 6 - 7, quả chín vào tháng 10 – 11 dương lịch. Quả mắc khén hình tròn, hạt hình cầu khi chín mắc khén có màu đen óng. Hạt mắc khén có vị cay và thơm, được sử dụng như một gia vị phổ biến cho các món ăn truyền thống nức tiếng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc. Chính vì vậy, hạt mắc khén có giá bán ngoài thị trường rất cao, mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con dân tộc vùng cao.

Có của ăn của để nhờ trồng loài cây dại ra quả bé li ti, thơm điếc mũi - 1

Có của ăn của để nhờ trồng loài cây dại ra quả bé li ti, thơm điếc mũi - 2

Chị Doan cùng gia đình đang đóng gói hạt mắc khén bán cho các tiểu thương.

Chị Quàng Thị Doan, bản Bỉa cho biết: “Sau nhiều năm trồng mắc khén trên nương rẫy, tôi thấy đặc điểm của loại cây này là không kén đất, đất bạc màu, cằn cỗi... đều có thể trồng được. Cây mắc khén hầu như không bị dịch bệnh, không tốn nhiều công sức và chi phí chăm sóc như các loại cây khác. Từ khi tôi trồng mắc khén trên nương rẫy, đời sống kinh tế của gia đình đã đã khá giả và có của ăn của để, không còn phải lo nghĩ về cảnh thiếu thốn như thời gian trước nữa”.

Có của ăn của để nhờ trồng loài cây dại ra quả bé li ti, thơm điếc mũi - 3

Nhờ trồng cây mắc khén, đến nay đời sống của gia đình chị Doan đã khấm khá hơn so với trước.

Mắc khén là một loài cây đặc sản, sản phẩm hữu dụng chính là hạt (quả) dùng làm gia vị cho các món ăn. Hạt mắc khén được ví như hồ tiêu của vùng Tây Bắc, tuy mùi vị không hoàn toàn giống hồ tiêu. Hạt mắc khén thơm ngon, cay tê đầu lưỡi, không thể thiếu được trong  chế biến các món ăn hàng ngày của người dân thiểu số vùng cao, đặc biệt là người dân tộc Thái và người Mường. Mắc khén được ví như là linh hồn của các món ăn dân tộc như chẳm chéo; canh bon, tẩm ướp thịt trâu, bò gác bếp, lạp xưởng, cá nướng, tiết cánh dê... giúp các món ăn thêm lạ miệng và có mùi thơm nức mũi và hấp dẫn hơn.

Có của ăn của để nhờ trồng loài cây dại ra quả bé li ti, thơm điếc mũi - 4

Mắc khén tươi được chị Doan bán với giá 150.000 đồng/kg, mắc khén khô  là 340.000 đồng/kg.

Chị Doan cho hay: “Mắc khén có tinh dầu và hương thơm độc lạ và là gia vị không thể thiếu cho các món ăn, nên được rất nhiều nhà hàng, tiểu thương thu mua. Hiện nay, tôi bán mắc khén tươi với giá 150.000 đồng/kg, mắc khén khô là 340.000 đồng/kg. Sau mỗi vụ thu hoạch hàng năm, gia đình  tôi có lãi 70 triệu đồng từ việc bán hạt mắc khén”.

Có của ăn của để nhờ trồng loài cây dại ra quả bé li ti, thơm điếc mũi - 5

Hạt mắc khén là gia vị không thể thiếu trong các món ăn dân tộc ở vùng Tây Bắc, chính vì vậy mà giá cả của mắc khén luôn bán được giá cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Hoàng ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN