Có chín nhóm hàng hóa tăng giá trong tháng 9
Theo Tổng Cục Thống kê, bình quân chín tháng năm 2022 lạm phát cơ bản tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung.
Theo Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do giá hàng hóa và tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào; một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023.
Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có hai nhóm hàng giảm, chín nhóm hàng tăng. Tăng cao nhất là chỉ số giá nhóm giáo dục với 5,84% trong đó dịch vụ giáo dục tăng 6,48% do một số tỉnh, thành tăng học phí…
Trong tháng 9, chỉ số giá nhóm giao thông giảm 2,23% do giá xăng liên tục giảm và chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.
Bình quân chín tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước.
CPI tháng 9 tăng chủ yếu do giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng. Ảnh: TÚ UYÊN
Một số nguyên nhân làm CPI chín tháng đầu năm 2022 tăng như giá xăng dầu có 25 đợt điều chỉnh trong đó có 11 đợt giảm.
Tính bình quân chín tháng, giá xăng dầu tăng 41,07% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình tăng 4,38%; giá gas tăng 18,75% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng.
Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước làm CPI tăng 0,11 điểm phần trăm; giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu làm cho giá gạo trong chín tháng tăng 1,14% so với cùng kỳ, góp phần CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm…
Theo Tổng Cục Thống kê, bình quân chín tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,73%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng, dầu.
9 tháng năm 2022 giá nhập khẩu xăng dầu tăng hơn 47%
Trong chín tháng năm 2022, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 10,86% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 42 nhóm hàng nhập khẩu chính, 38 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, đáng chú ý giá nhập khẩu xăng dầu tăng 47,65% theo giá xăng dầu thế giới.
Giá nhập khẩu phân bón tăng 40,87% do nguồn cung phân bón khan hiếm và chi phí vận chuyển tăng cao.
Đối với lúa mì giá nhập khẩu tăng 28,67% do giá ở Canada và Úc tăng cao, đồng thời ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm nguồn cung giảm.
Ở chiều ngược lại, có bốn nhóm hàng có chỉ số giá nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước gồm giá nhập khẩu xe máy, linh kiện và phụ tùng.
Giá nhập khẩu nguyên phụ liệu thuốc lá, giá nhập khẩu sản phẩm từ cao su và giá linh kiện phụ tùng ô tô giảm.
Vào kỳ điều chỉnh tới, giá xăng trong nước có khả năng giảm mạnh vì giá xăng nhập đã rớt xuống mức rất thấp.
Nguồn: [Link nguồn]