Chuyện lạ Thanh Hóa: Nuôi loài ruồi chết...quá sớm, kiếm bộn tiền
Khi nhắc đến ruồi, nhiều người vẫn luôn nghĩ đến sự phiền toái, bẩn thỉu. Nhưng với ông Nguyễn Mạnh Hùng (thị trấn Còng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), đó là cả sự tâm huyết và niềm đam mê cháy bỏng. Chưa đầy 1 năm, bầy ruồi lính đen đã đưa ông đến thành công bước đầu với thu nhập mỗi tháng bình quân hàng chục triệu đồng.
Bén duyên với nghề nuôi ruồi
Đến cầu Còng (thị trấn Còng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) nhắc đến ông Nguyễn Mạnh Hùng thì ai cũng biết, bởi 2 năm nay ông mang ruồi về nhà để nuôi. Chính vì vậy mà PV báo điện tử DANVIET.VN không khó để tìm đường đến nhà ông. Hùng ruồi là cái tên mà người dân nơi đây đặt cho ông kể từ khi ông bén duyên với mô hình nuôi ruồi lính đen.
Mô hình nuôi ruồi lính đen tại trang trại của ông Nguyễn Mạnh Hùng.
Từng là một người lính, sau thời bình ông cũng như bao chàng trai luôn ấp ủ nhiều hoài bão và khát vọng… Ngồi nhâm nhi ly trà ngày hè nóng bức, ông Hùng bắt đầu câu chuyện kể về cuộc đời mình cho chúng tôi nghe.
Cuối năm 2018, một lần tình cờ bắt gặp mô hình nuôi “ruồi lính đen”. Không ngần ngại, ông đã bắt tay vào tìm hiểu về mô hình này.
“Lúc đầu nghe về nuôi ruồi thì có vẻ ngạc nhiên, nhưng khi bắt tay vào tìm tòi thì mới thấy cái hay của nó. Ruồi lính đen rất thú vị vì nó có nhiều lợi ích mang tính xã hội hóa cao. Nuôi ruồi lính đen sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường vì thức ăn chủ yếu của chúng là các loại rau củ quả hư, thức ăn thừa, rác thải sinh hoạt...", ông Hùng chia sẻ với PV báo điện tử DANVIET.VN.
Theo ông Hùng, ruồi lính đen không gây phiền toái cho con người, không gây hại và đặc biệt là ruồi lính đen trong quá trình nuôi sẽ tạo ra một sản phẩm siêu đạm dùng để phục vụ cho ngành chăn nuôi, giúp bà con giảm chi phí, mang lại lợi nhuận cao trong chăn nuôi...
Những ngày đầu nuôi ruồi lính đen, thấy ông Hùng xuất hiện ở các đống rác rau củ quả hư hỏng ngoài chợ nhặt nhạnh bỏ vào bao tải, nhiều người cứ tưởng chợ mới xuất hiện một ông khùng, một ông bị điên. Mãi sau người nọ nói cho người kia rồi người ta mới biết ông Hùng nhặt rác về nuôi ruồi. Từ đó, chuyện ông Hùng nuôi ruồi trở thành chuyện lạ ở huyện Tĩnh Gia rồi tới chuyện lạ Thanh Hóa...
Kiếm bạc triệu mỗi ngày từ ruồi lính đen
Để có được những thành công từ nghề nuôi ruồi, ông Hùng đã gặp muôn vàn khó khăn. Lần đầu tiên khi nhập giống ruồi lính đen từ Indonesia về, ông đã thất bại vì chưa hiểu cách nuôi ruồi phù hợp với khí hậu nước ta. Không khuất phục trước thất bại, ông đã nghiên cứu rõ rồi tìm vào tận tỉnh An Giang để tìm mua con giống. Đến đầu năm 2019 vừa qua, một mẻ trứng ruồi lính đen đã ra lò thành công.
Mô hình nuôi ruồi lính đen của ông Hùng được xem là độc đáo mang lại lợi nhuận kinh tế cao.
Cho đến nay, ông Hùng đã thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng từ nuôi ruồi lính đen và hướng dẫn, trao tặng quy trình nuôi ruồi cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Ông Hùng cho PV báo điện tử DANVIET.VN biết: Ruồi lính đen trưởng thành có màu đen, dài 12 - 20 mm, trông hình dạng dễ lẫn lộn với loài ong. Ruồi lính đen là loài "đoản thọ, loài chết sớm", có vòng đời khoảng hơn 1 tháng. Bắt đầu từ trứng, ấu trùng, nhộng, cuối cùng lột xác thành ruồi lính đen. Ruồi trưởng thành chỉ sống khoảng 3 - 5 ngày và hoàn toàn không ăn uống gì cho đến chết. Con cái trưởng thành đẻ từ 500 - 800 trứng.
Theo ông Hùng, sản phẩm có giá trị nhất từ quy trình nuôi ruồi lính đen là trứng ruồi. Trứng ruồi lính đen hiện bán ra thị trường với giá trung bình từ 25 - 30 triệu đồng/kg. Hiện mỗi ngày, đàn ruồi lính đen của gia đình ông đẻ sòn sòn khoảng 2 - 3 lạng trứng đem về thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng mỗi ngày.
Ông Hùng phân tích tiếp: Không chỉ thế, ấu trùng từ ruồi lính đen được sử dụng khá hữu ích khi làm thức ăn trong chăn nuôi. Ấu trùng (dòi) của ruồi lính đen là loại côn trùng phàm ăn trong thế giới tự nhiên. Thành phần của ấu trùng ruồi: 42% protein, 34% chất béo. Đặc biệt, protein của ấu trùng ruồi rất giàu lysine; trong chất béo của ấu trùng ruồi đen có tới 54% là axit lauric, một axit có tác dụng tiêu diệt virus có vỏ bọc bằng lipid.
Theo ông Hùng, nuôi ruồi lính đen quan trọng nhất là đảm bảo độ ẩm cho ruồi sinh trưởng.
Chia sẻ về quy trình nuôi ruồi lính đen, ông Hùng vui vẻ cho hay: “Nuôi ruồi lính đen tuy khó nhưng rất đơn giản, chỉ cần một lồng lưới rộng khoảng 5m2, khay nhựa đựng kén, các bó thanh gỗ cho ruồi đẻ trứng và một bể xi măng nuôi ấu trùng là có thể nuôi được. Tuy nhiên, với khí hậu như miền Bắc có phần khắc nghiệt nên cần tạo độ ẩm thuận lợi, nhất là vào mùa đông, đây là thời điểm cần tạo được khí hậu thuận lợi để nuôi ruồi”.
Trứng ruồi lính đen được rao bán với giá từ 2,5 – 3 triệu đồng/lạng, tức 25-30 triệu đồng/kg.
Để có được những thành công như ngày hôm nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã trải qua vô vàn những khó khăn thách thức và đã từng bị nhiều người gọi là gã khùng vì lang thang ở chợ đi nhặt nhạch đồ ôi thiu về làm thức ăn cho ruồi.
Theo ông Hùng, việc nuôi ruồi lính đen không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây là mô hình cần được nhân rộng, đặc biệt là các vùng nông thôn, ông nghĩ bà con cần nghiên cứu học hỏi để xây dựng mô hình này.
Từ lúc còn là thanh niên trai trẻ, ông Hùng luôn yêu thích nhiếp ảnh. Nên đã dốc hết vốn liếng để theo đuổi đam mê với nghề ảnh nghệ thuật. Kết quả sau 8 lần đổi mới, hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật của ông vẫn chưa tìm được cái đích đến thành quả mà mình mong muốn. Năm 2015, sau nhiều lần thất bại, ông quyết định chuyển sang nghiên cứu nông nghiệp, làm nông dân. Đến với nghề như một cái duyên, ngay từ lần đầu tiên với mô hình nuôi cá lóc và cá rô đầu vuông ông đã thu về hàng chục triệu đồng. Bằng nhiệt huyết và đam mê, người cựu chiến binh già không ngừng nghiên cứu và chế tạo thành công máy cấy nông nghiệp, xuất bán đi nhiều nơi trên cả nước. |
Người xưa có câu: “Muốn giàu nuôi lợn nái, muốn lụn bại thì nuôi bồ câu”, thế nhưng với anh Thào Văn Hoan, bản San...