Chuyện lạ Ninh Bình: Rơm rạ bỗng quý như... vàng!
Để tránh việc đốt rơm rạ sau thu hoạch, mấy năm gần đây, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp như dùng máy cuốn rơm khô bán, sản xuất thành phân hữu cơ, làm nấm... Từ chỗ bỏ đi, bỗng nhiên rơm rạ lại giúp nhiều người "hái" ra tiền.
Rơm quý như… vàng
Hiện, anh Ngô Quang Huy ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đang là người đi đầu trong "phong trào" máy cuốn rơm ở Ninh Bình. Từng làm việc với mức lương cao ở một nhà máy xi măng trên địa bàn, nhưng anh Huy đã bỏ việc về quê đầu tư hơn 300 triệu đồng mua máy cuốn rơm làm dịch vụ kinh doanh rơm khô.
Anh Huy cho hay: “Nhu cầu sử dụng rơm rạ trong trồng trọt, chăn nuôi ngày càng tăng và ở các tỉnh phía Nam, nhiều hộ nông dân đầu tư máy cuốn rơm để làm dịch vụ thu tiền triệu mỗi ngày. Rơm quý như vàng vậy mà nông dân mình thu hoạch lúa xong là đốt rơm rạ, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Không đắn đo, tôi quyết định đặt mua luôn một chiếc máy cuốn rơm do chính nông dân trong đó sản xuất rồi vận chuyển ra Bắc. Phải thu gom rơm ngay trong vụ thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019 này”.
Người dân thu hoạch lúa xong đến đâu đốt luôn rơm đến đó tại cánh đồng của TP Tam Điệp, Ninh Bình. Ảnh: Hải Đăng
"Chiếc máy cuốn rơm hiện đại này vận hành khá dễ dàng. Máy chạy bằng xích nên hoạt động được cả trên sình lầy và nhiều địa hình khác. Nếu thời tiết nắng ráo, mỗi ngày chúng tôi có thể cuốn được trên 4ha ruộng, tương đương với khoảng 500 cuộn rơm. Trung bình mỗi cuộn nặng khoảng 12 - 15kg" - anh Huy nói.
Hiện, anh Huy đang xuất bán rơm cho một số công ty chăn nuôi bò thịt và bò sữa ở miền Bắc và một số hộ sản xuất nấm khác trên địa bàn. Giá bán 1 cuộn rơm tại chân ruộng là 25.000 đồng, tương đương với doanh thu hơn 12 triệu đồng/ngày.
“Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư thêm một chiếc máy cuốn rơm nữa, đồng thời mua thêm một chiếc máy ép rơm để thu nhỏ kích thước cuộn rơm hơn nữa để thuận tiện cho việc cất trữ cũng như vận chuyển” - anh Huy chia sẻ.
Vẫn gặp khó…
Nắm bắt được hiệu quả của máy cuốn rơm, Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí để giúp các xã, huyện thực hiện mô hình này. Ông Phạm Hồng Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, (Sở NNPTNT) cho biết: Mới đây, UBND tỉnh đã đồng ý phân bổ một phần kinh phí từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân mua máy cuốn rơm.
"Từ nay đến vụ mùa, chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ được từ 5-7 máy, qua đó góp phần tăng giá trị trên 1 đơn vị canh tác, giảm tình trạng đốt rơm rạ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường" - ông Sơn khẳng định.
Để giải quyết thực trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa, các xã, huyện trên địa bàn tỉnh đã nhiều năm vào cuộc xử lý, song đến nay vẫn là một bài toán khó. Đã có không ít mô hình thí điểm xử lý rơm rạ được thực hiện trên địa bàn tỉnh, nhưng tất cả mới chỉ được triển khai ở diện hẹp, việc nhân rộng gặp phải nhiều khó khăn.
Cụ thể, ngay từ năm 2013 Trung tâm ứng dụng Thông tin, Khoa học Công nghệ và Đo lường thử nghiệm (Sở KHCN) sau đó là Trung tâm Khuyến nông, Sở NNPTNT, Hội ND tỉnh… đã triển khai các mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai hiệu quả, đến khi các mô hình, dự án kết thúc, kinh phí hỗ trợ không còn thì không có mấy nông dân tiếp tục theo đuổi hình thức xử lý này. Nguyên nhân được cho là quy trình để xử lý rơm rạ tương đối phức tạp và tốn nhiều công: Phải thu gom rơm, hòa chế phẩm, tưới, phủ nylon, đảo đống… Trong khi nguồn lao động trong nông nghiệp hiện nay không còn nhiều, đa phần là người già, phụ nữ sức khỏe yếu.
Ông Phạm Văn Trung - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh thừa nhận: “Việc thu gom rơm bằng máy rất hiệu quả nhưng ít người thấy rõ. Đặc biệt, hoạt động của máy cuốn rơm vẫn đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Trước hết là điều kiện thời tiết, nếu năm nào trời mưa nhiều thì hầu như máy không hoạt động được. Thứ đến là ở vụ đông xuân, do khoảng cách thời vụ rất ngắn, nhiều vùng bà con giữ nước trong đồng để làm mùa luôn nên việc gom rơm cũng gặp nhiều khó khăn...
Theo ông Trung, Ninh Bình hiện gieo cấy khoảng 80.000ha lúa mỗi năm, tương đương với lượng rơm rạ sau thu hoạch ước khoảng 500.000 tấn. Như vậy, để không lãng phí rơm rạ, tránh gây ô nhiễm môi trường từ việc đốt rơm rạ như hiện nay, rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, của các đơn vị chuyên môn. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng cho người dân về cách thức xử lý rơm rạ.
Cậu thanh niên tên Kim Tổ Khánh, sinh năm 1995 và bắt đầu nuôi gà từ năm 2015.