Chuyện lạ: 26.000 tấn thịt trâu “biến mất” không dấu vết
26.000 tấn thịt trâu được nhập từ Ấn Độ vào Việt Nam, nhưng lại không hề xuất hiện trên thị trường, tại bất kỳ cửa hàng hay siêu thị nào. Lượng thịt trâu được nhập về này đã “biến mất” không dấu vết.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, năm 2014 hơn 26.000 tấn thịt trâu có nguồn gốc từ Ấn Độ đã được nhập về Việt Nam qua tờ khai hải quan. Song, điều ngạc nhiên là trên thị trường từ cửa hàng đại lý cho tới siêu thị không hề thấy “bóng dáng” của số thịt nhập khẩu này. “Có hay không việc thịt trâu đã được “hô biến” thành thịt bò và được cung cấp ra thị trường?” – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đặt câu hỏi.
Hàng chục ngàn tấn thịt trâu nhập khẩu qua đường chính thức nhưng biến mất một cách bí ẩn trên thị trường
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng cho biết, việc phân biệt giữa thịt bò, thịt trâu rất quan trọng, bởi hai loại thực phẩm này khác nhau về giấy phép kinh doanh, thành phần chất lượng. Nếu so sánh giá cả, thịt trâu có mức giá khá “hấp dẫn”: nạc đùi 105.000đ/kg, nạm bụng 95.000-96.000đ/kg, cổ từ 95.000-99.000đ/kg, riêng thịt bắp cao hơn, giá từ 120.000-130.000đ/kg. Trong khi đó, thịt bò hiện có giá dao động tử 200.000 – 220.000/kg. "Việc hô biến thịt trâu thành thịt bò không khó, chỉ cần một chút gia vị tẩm ướp cẩn thận, người tiêu dùng hoàn toàn tin tưởng mình đang được dùng thịt bò", ông Cẩn nói.
Theo ông Hoàng Đại Nghĩa – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội), lực lượng quản lý thị trường đã vào cuộc, điều tra vụ việc trên theo chỉ đạo. “Toàn bộ số thịt trâu trên nhập khẩu vào Việt Nam, có giấy phép và được thông quan một cách hợp pháp, nên việc được mua – bán trên thị trường không có gì sai. Nhưng vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, không nơi nào trên thị trường ghi nhận có sự hiện diện của lô sản phẩm này, mà chỉ có thịt bò” – ông Nghĩa nói và nhấn mạnh đây chỉ là một trong số những vụ hàng giả “biến hóa” tinh vi thành hàng thật để tiêu thụ trên thị trường thời gian qua.
Ở góc độ quyền lợi người tiêu dùng, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thị trường có bao nhiêu hàng giả, hàng nhái thì người tiêu dùng chịu thiệt hại bấy nhiêu. Tiếc rằng, mức độ quan tâm và ý thức tự bảo vệ quyền lợi, hay đơn thuần là phản ánh hàng giả, hàng nhái của người tiêu dùng chưa cao.
Riêng năm 2014, lực lượng quản lý thị trường đã bắt 21.000 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả; trực tiếp kiểm tra và xử lý trên 17.000 vụ/21.000 vụ, xử phạt trên 57.000 phạt, hàng hóa vi phạmphạt trên 35 tỷ đồng. Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội bày tỏ, ngay cả các nước phát triển trên thế giới cũng rất đau đầu về vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Còn với riêng Việt Nam, khi chúng ta đang hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, vấn nạn này còn là mối đe dọa đến cả nền kinh tế. Do vậy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái không thể giải quyết trong một sớm một chiều và cần sự vào cuộc của nhiều ngành.