Chuyên gia chỉ "bí kíp" phân biệt thịt an toàn và thịt bẩn
Thời gian gần đây tình trạng thực phẩm bẩn, thịt chứa chất tạo nạc, thịt bơm nước... đang làm hoang mang dư luận.
Đứng trước sự lo lắng và tâm lý sợ thịt bẩn của người tiêu dùng, ông Nguyễn Hữu Thiết, Chi cục Thú Y TP.HCM, công bố một vài điểm nhận diện cơ bản bên ngoài để người dân dễ dàng phân biệt được thịt an toàn và thịt không an toàn. Qua đây phần nào giúp người tiêu dùng bỏ túi một số phương pháp chọn thịt sạch đảm bảo an toàn cho bữa ăn gia đình.
Thịt bơm nước và thịt không bơm nước
Thịt bị bơm nước
1. Tình trạng rỉ dịch:
Bề mặt ướt toàn bộ, có hiện tượng tích dịch trên quầy thịt
Khi treo trên quầy thịt có hiện tượng chảy nước từ thịt ra ngoài, từ ít đến nhiều
Tại vết cắt các cơ trên quầy thịt ứ nước, sờ tại vết cắt trơn láng, ẩm ướt, rỉ dịch theo thời gian
Tại các hạch lâm ba trên quầy thịt: xung quanh ứ dịch trương lớn, tích nước, khi cắt nước chảy ứ ra do tích nước không bình thường.
2. Màu sắc quầy thịt:
Thường nhạt màu so với màu hồng tự nhiên của thịt tươi
Có hiện tượng bóng nước, phản chiếu ánh nước ở bề mặt quầy thịt
3. Về chất lượng thịt
Mau hư hỏng, biến chất, dễ phân hủy khi bảo quản
Dễ nhiễm vi sinh vật, các chất tồn dư trong quá trình bơm nước nên không đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Thịt không bị bơm nước:
1. Tình trạng khô ráo
Bề mặt khô ráo, không hiện tượng ẩm ướt
Khi treo quầy thịt không có hiện tượng rỉ dịch, chảy nước
Tại vết cắt các cơ trên quầy thịt khô, sờ tại vết cắt rít, không có hiện tượng trơn láng, ẩm ướt, rỉ dịch theo thời gian
Tại các hạch lâm ba trên quầy thịt: không có hiện tượng xung quanh ứ dịch trương lớn, tích nước, khi cắt nước chảy ứ ra do tích nước không bình thường.
Phân biệt thịt an toàn và thịt không an toàn bằng mắt thường.
Phân biệt thịt heo tươi với thịt heo kém tươi, ôi và có tẩm ướp hóa chất
Thịt heo tươi
1. Trạng thái bên ngoài:
Màng ngoài khô, sạch không dính lông, tạp chất lạ. Màu sắc đỏ tươi đặc trưng của sản phẩm. Độ rắn và mùi vị bình thường.
Mặt khớp: láng và trong
Dịch hoạt: trong
2. Vết cắt: màu sắc bình thường, sáng, khô
3. Độ rắn và đàn hồi: rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính.
4. Tủy: bám chặt vào thành ống tủy, màu trong, đàn hồi
5. Nước canh (nước luộc): nước canh trong, mùi vị thơm ngon, trên mặt có nổi một lớp mỡ với vết mỡ to
Thịt heo kém tươi, ôi và có tẩm ướp hóa chất
1. Trạng thái bên ngoài:
Màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí còn bị đen, không bóng; màng ngoài nhớt nhiều hay bắt đầu nhớt; mỡ màu tối, độ rắn gim sút, mùi vị ôi; mặt khớp có nhiều nhớt; dịch hoạt đục; màu đỏ khác thường, có thể dính tay hoặc dính các vật liệu bao gói, chứa đựng; lem màu qua môi trường tiếp xúc.
2. Vết cắt: màu sắc tối, hơi ướt
3. Độ rắn và đàn hồi: vết lõm còn lâu, không trở lại bình thường ngay được, dính nhiều; khi ấn ngón tay để lại vết lõm, sau đó trở lại bình thường, dính.
4. Tủy: tủy róc ra khỏi ống tủy, màu tối hoặc nâu, mùi hôi.
5. Nước canh (nước luộc): nước canh đục, mùi vị hôi, trên mặt lớp mỡ tách thành những vết nhỏ; nước thịt có phẩm màu đã nhuộm.
Phân biệt thịt bò tươi với thịt bò kém tươi, ôi và có tẩm hóa chất
Thịt bò tươi
1. Có màu đỏ đặc trưng.
2. Mỡ màu vàng nhạt.
3. Độ đàn hồi tốt.
4. Bề mặt khô, mịn.
5. Mùi bình thường đặc trưng
Thịt sạch săn chắc và có màu đỏ sẫm tự nhiên
Thịt bò kém tươi, ôi và có tẩm hóa chất
1. Màu sậm hoặc màu khác thường của hóa chất, có thể dính tay hoặc dính các vật liệu bao gói, chứa đựng; lem màu qua môi trường tiếp xúc
2. Mỡ vàng đậm, xương cũng có màu vàng; mỡ màu hồng đỏ do thịt ướp phẩm màu hoặc kém tươi.
3. Độ đàn hồi kém, thịt nhão.
4. Bề mặt nhớt
5. Mùi hôi hoặc khác thường.