Chuyên gia cảnh báo "sốc" về hệ lụy tăng giá điện, xăng
Theo các chuyên gia kinh tế, chưa đầy 1 tháng, giá điện và xăng cùng tăng sẽ tác động đến chỉ số giá (dự báo sẽ tăng lên khoảng 0,2%). Nhiều mặt hàng cụ thể đã được các chuyên gia chỉ ra sẽ tăng giá trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích, giá điện tăng 8,36%, xăng tăng 1.484 đồng/lít RON 95 là mức tăng sốc, tác động đến toàn bộ nền kinh tế, nhất là những ngành tiêu tốn nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, thủy sản…
Chẳng hạn, trong ngành thép, chi phí cho điện chiếm 6-7% giá thành sản xuất phôi thép, nên giá điện tăng khiến thép sẽ được bán với giá cao. Giá thép tăng khiến giá nhà tăng, tác động liên hoàn. Cả giá xăng và điện tăng sẽ làm tăng chỉ số giá bởi xăng, điện đầu vào của doanh nghiệp sản xuất tất cả sản phẩm nên rất nhiều mặt hàng sẽ tăng lên theo.
Với mức tăng mới này, ông Doanh cho rằng cách khả thi nhất để hạn chế tác động tiêu cực đến sản xuất là doanh nghiệp phải tiết kiệm, sử dụng điện vào thời điểm thấp như vào ban đêm và tính toán tiền điện cũng như cước vận tải sao để sản phẩm đầu ra có mức giá tăng hợp lý.
“Thị trường giờ không còn của riêng chúng ta nữa mà của toàn khu vực, ngoài yếu tố lạm phát, doanh nghiệp phải cố gắng tránh để thị trường trong nước rơi vào tay nước ngoài. Đây là khó khăn lớn sau lần tăng giá điện và xăng này”, ông Doanh nói.
Giá xăng, điện tăng sẽ khiến giá cả các mặt hàng tăng theo. Ảnh: Hồng Vĩnh
Theo ông Lê Đăng Doanh, cùng với giá xăng, giá điện tăng, người tiêu dùng sẽ phải trả trực tiếp tăng thêm hàng tháng. Người dân còn chịu ảnh hưởng gián tiếp khi giá hàng hóa tăng theo giá điện, giá xăng. Chỉ số giá tiêu dùng sẽ lên khoảng 0,2% trong tháng tới.
Trước việc giá điện, xăng đang tăng bất khả kháng này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV) cho hay, tâm lý người dân và doanh nghiệp không ai muốn tăng giá điện cũng như gía xăng dầu,… Tuy nhiên, để cân đối nền kinh tế đa chiều, cần thiết phải tăng. Ông Lực cũng cho rằng, việc điều chỉnh giá điện cũng như các mặt hàng khác trong năm nay phải tương đối cân nhắc để đảm bảo không dồn việc tăng giá nhiều trong một năm, bởi như thế sẽ dẫn đến bất ổn đối với nền kinh tế.
Giám đốc một hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội chia sẻ, giá xăng, điện tăng khiến giá các mặt hàng sẽ tăng. Hiện tại, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp bán lẻ trong nước là cạnh tranh với siêu thị nước ngoài. Vì vậy, doanh nghiệp phải cân đối làm sao để việc tăng giá không sốc đối với khách hàng trong thời gian tới.
Nếu không chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng E5RON92 đã có thể phải tăng tới hơn 3.400 đồng thay vì hơn 1.300 đồng/lít...