Chưa đến đợt cao điểm đã “cháy” vé tàu Tết
Nguyên nhân vé tàu “cung không đủ cầu” như hiện nay là do ngành đường sắt vừa ngưng tuyến tàu NH2 tại ga TP Nha Trang để đi các tỉnh phía Bắc…
Hành khách mua vé tàu Tết 2019 ở ga Sài Gòn. Ảnh: M.Q.
Khách hàng đã thanh toán 17.740 vé tàu
Dù vé tàu Tết Kỷ Hợi 2019 tăng 7.000 chỗ so với thời điểm năm 2017, nhưng do tuyến tàu chặng ngắn lập tại TP Nha Trang (từ Nha Trang đến Hà Nội) năm nay bị ngưng nên vé tàu Tết các ngày cao điểm đã hết ngay sau thời điểm mở bán. Theo thống kê, ngay khi vừa mở bán, vé tàu Tết Kỷ Hợi 2019 đã có 78.635 khách hàng đặt vé thành công, trong đó 17.740 vé đã thanh toán.
Ông Lê Hồng Sơn - Phó giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang, Khánh Hòa cho biết, hiện vé tàu các ngày cao điểm trước Tết (25/1/2019 đến 6/2/2019) và sau Tết (7/2/2019 đến 16/2/2019) không còn. Đặc biệt, nhu cầu mua vé các chặng ngắn từ Nha Trang đến Hà Nội đang tăng lên nhưng không có đủ vé để bán.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chiều Bắc - Nam trước Tết, hành khách khó mua vé tàu hơn. Chị Kiều Anh (ở Hà Nội) cho biết, chị vừa vào đặt vé tàu Thống Nhất tuyến Hà Nội - Vinh nhưng đã hết vé. Hệ thống bán vé thông báo vẫn còn một lượng vé nhất định nhưng chỉ để dành bán chặng xa. Chị phải thường xuyên vào website bán vé “rình” khi nào ngành đường sắt “nhả” bán chặng Vinh hoặc có tàu tăng cường để mua ngay.
“Theo tôi, ngành đường sắt nên thông tin rộng rãi khi nào sẽ bán chặng Hà Nội - Vinh cũng như các chặng khác để hành khách tiện vào mua vé. Nếu không thì như hên xui ấy, vì lúc mình vào mạng chưa bán, lúc khác mình vào lại hết vé rồi”, chị Kiều Anh nói.
Nguyên nhân vé tàu “cung không đủ cầu” như hiện nay là do Tết những năm trước, ngành đường sắt cho phép Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang lập một tuyến tàu NH2 tại ga TP Nha Trang để đi các tỉnh phía Bắc phục vụ được 600-700 vé/ngày, nhưng năm nay tuyến tàu này bị ngưng nên không đáp ứng được nhu cầu.
Từ mấy năm nay, ngành đường sắt đã triển khai hình thức bán vé online, hành khách có thể thanh toán trực tuyến hoặc thanh toán bằng ví điện tử. Lãnh đạo Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang cho biết, việc bán vé online nhằm tạo điều kiện cho khách hàng chủ động, thuận lợi mua vé bảo đảm công khai, minh bạch. Tuy nhiên cũng từ đây, nhiều đại lý trong nước có tình trạng “găm vé”.
Cụ thể, nhiều đại lý lên mạng đặt giữ chỗ hàng loạt vé trong khoảng thời gian 72 giờ theo quy định. Vì vậy, khi giữ chỗ thì người khác vào không thể giao dịch được, chỉ sau thời gian đó nếu không có khách đến đại lý mua thì các đơn vị này mới trả lại quyền giữ chỗ. Việc làm này ảnh hưởng đến nhu cầu mua vé của khách hàng.
Cần thiết sẽ lập thêm tàu, nối thêm toa xe
Bà Phạm Thị Anh Đào - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, với mác tàu Thống Nhất, đa số hành khách đã mua khứ hồi ngay những ngày đầu mở bán nên không còn vé ngày cao điểm cho chiều Bắc - Nam. Với những ngày khác thì ưu tiên bán chặng xa, khi nào nhu cầu khách đi xa ít thì sẽ “cắt chặng” để bán chặng gần.
Với tàu khu đoạn các tuyến, theo bà Đào đều đã có kế hoạch chạy tàu nhưng không như mọi năm đưa hết lên mạng bán vé ngay từ lúc mở bán. Năm nay, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội chỉ đưa ra bán vé dần từng đoàn tàu tùy theo nhu cầu thị trường. Nếu khách đông, nhu cầu tăng sẽ bán vé các đoàn tiếp theo, nếu khách vắng, có thể điều chuyển để lập thêm tàu các tuyến nhu cầu cao hơn, nối thêm toa xe vào các tàu đông khách hơn, tránh lãng phí phương tiện.
“Các mác tàu khu đoạn tăng thêm chưa mở bán do nhu cầu của khách chưa cao. Hiện, chỉ có mác tàu NA1/2 là tàu Hà Nội - Vinh chạy hàng ngày đã kín chỗ các ngày cao điểm; tàu đi tuyến khác như Hà Nội - Lào Cai vẫn còn rất nhiều. Như vậy, vẫn còn rất nhiều vé tàu khu đoạn đi các tuyến để phục vụ hành khách dịp Tết. Hơn nữa, chúng tôi vẫn đang tiếp nhận các yêu cầu của khách, nếu có phương tiện công ty sẽ tiếp tục lập thêm tàu, nối thêm toa xe”, bà Đào cho biết.
Chia sẻ với phóng viên, đa số hành khách mua vé qua mạng năm nay đều khá hài lòng vì gần như không xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Anh Nguyễn Trần Nhật Hoàng (ở quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, kể từ khi ngành đường sắt bán vé tàu điện tử đến nay, anh toàn mua vé tàu về quê nội ở Nha Trang qua website bán vé, dịp Tết Nguyên đán cũng vậy. Hồi đầu chỉ cần thao tác chậm là dễ bị “mất” chỗ, phải tìm lại. Có khi đi cả gia đình nhưng không được ngồi cùng nhau. Website bán vé ngày càng được cải thiện, cả về giao diện và tốc độ.
Theo ghi nhận, thời gian này khách đến mua vé tàu Tết tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn đều vắng. Các cửa vé chủ yếu bán vé cho hành khách đi tàu ngày thường hoặc đi ngay…
Khuyến cáo của ngành đường sắt Để đảm bảo quyền lợi của hành khách đi tàu, khi có sự cố xảy ra như: mất vé, trùng chỗ trên tàu, đổi trả vé… ngành đường sắt khuyến cáo người dân khi mua vé phải xuất trình đầy đủ giấy tờ tùy thân hợp lệ; nên lưu giữ mã vé của thẻ lên tàu để tra cứu lại thông tin đi tàu khi cần thiết. Khi hành khách đi tàu phải có thẻ lên tàu hợp lệ và có thông tin cá nhân trùng khớp với thông tin trên thẻ mới được đi tàu. Đồng thời, để tránh việc mua nhầm “vé giả”, “vé không hợp lệ”, hành khách nên mua vé tại các nhà ga, các điểm bán vé, đại lý thuộc ngành đường sắt quản lý; không nên mua vé bên ngoài qua cò mồi chợ đen, các đại lý trá hình để tránh thiệt hại về tài chính đồng thời không đi được tàu. |