Chủ vườn mai 'trông đứng trông ngồi' chờ khách
Hiện tại, lượng khách đến mua mai ở nhiều làng mai giảm mạnh. Dự kiến, sản lượng mai bán ra dịp Tết 2024 giảm từ 20%-30% so với năm trước.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do tình hình kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu. Thời điểm hiện tại, lượng khách đến mua mai ở nhiều làng mai giảm mạnh. Ngoài việc vắng khách, giá mai năm nay cũng giảm hơn nhiều so với các năm trước.
Video: Chủ vườn mai 'trông đứng trông ngồi' chờ khách.
Ông Lê Hữu Thiện, giám đốc hợp tác xã làng mai Bình Lợi thông tin sản lượng mai bán ra năm nay giảm nhiều so với năm trước.
Mai vàng ở làng mai Bình Lợi.
"Những năm trước, cứ đầu tháng Chạp là khách nhiều nơi, có cả miền Bắc, miền Trung đến chọn và đặt trước số lượng lớn mai để bán Tết. Nhưng năm nay, không chỉ riêng vườn mai của tôi mà các vườn mai khác cũng cùng cảnh "trông đứng trông ngồi" người tới mua.
Giá cả năm nay giảm khoảng 30% so với năm trước"- ông Lê Hữu Thiện, giám đốc hợp tác xã làng mai Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM) chia sẻ.
Cây mai được định giá khoảng 400 triệu đồng đến thời điểm này vẫn chưa có khách.
Về nguồn sản phẩm phục vụ Tết năm 2024 (trong đó có mai vàng, dừa bonsai, các loại hoa), đại diện UBND xã Bình Lợi thông tin, do tình hình kinh tế khó khăn dự kiến các sản phẩm nêu trên giảm từ 20%-30% so với năm trước.
Làng mai Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM) có diện tích khoảng 600 ha.
Làng mai Bình Lợi là làng mai có quy mô lớn nhất TP.HCM hiện nay.
Không riêng làng mai Bình Lợi, với diện tích khoảng 200 ha trồng mai, người dân ở xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An cũng đang như "ngồi trên đống lửa" vì đến thời điểm cận Tết mà khách đến đặt mai chỉ lác đác vài người.
Anh Trần Tứ Trung (xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) chăm sóc vườn mai chuẩn bị bán tết.
Anh Trần Tứ Trung (xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) chia sẻ, cuộc sống của người dân xã Tân Hòa đã thay đổi nhiều, khá giả hơn do thay đổi từ trồng chanh, mía sang trồng mai. Tuy nhiên, hai năm gần đây sản lượng và giá cả mai giảm nhiều do tình hình chung.
Với khoảng 200 ha mai vàng, lãnh đạo xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An và hội nông dân huyện đã tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc cho người dân để nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Ông Văn Cao Trí Vũ, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa thông tin, trong khoảng năm đến sáu năm trở lại đây, giá chanh, mía xuống thấp nên nhiều nông dân xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã chuyển sang trồng cây mai vàng.
Đến nay, khu vực này đã phát triển gần 200 ha mai vàng, mang lại nguồn thu nhập tốt cho người dân nơi đây.
Mai vàng ở xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An
"Để phát triển hơn nữa nghề trồng mai, địa phương đã phối hợp cùng hội nông dân của huyện để tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mai cho người dân để nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Hiện nay xã cũng đã có kiến nghị huyện tạo quỹ đất quy hoạch chuyên trồng mai để vừa phục vụ cho người dân trong việc tạo kế sinh nhai, vừa phát triển du lịch"- ông Văn Cao Trí Vũ nói.
Có khoảng 500 ha với hơn 800 hộ trồng mai ở làng mai Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
Đây là thời điểm khó khăn nhất đối với những người trồng mai ở làng mai xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Với khoảng 500 ha, hơn 800 hộ trồng mai, hiện số lượng khách mua mai cũng giảm.
Ông Nguyễn Văn Hoàng (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) chăm sóc mai dịp cận Tết
"Lượng khách mua mai giảm gần một nửa so với các năm trước. Nguyên nhân theo tôi do hiện nay nhiều người chuyển sang trồng mai nên lượng mai cung cấp cho thị trường là rất lớn.
Hy vọng năm sau lượng khách sẽ cải thiện"- ông Nguyễn Văn Hoàng, trưởng ban đại diện làng mai Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An bộc bạch.
Cây mai với giá trị cao ở làng mai Tân Tây.
Thời điểm mai chuẩn bị ra hoa.
Dịp Tết năm nay, đào huyền mini bán khá nhiều với mức giá vừa phải nên được đông đảo khách hàng lựa chọn.
Nguồn: [Link nguồn]