Chủ tịch MTTQ đề nghị xem xét việc giá sữa tăng

“Cả 4 hãng sữa mà cùng tăng một lúc là không ổn. Về vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan xem xét để báo cáo sớm. Trước đây Chính phủ đã có chỉ đạo vì đây là mặt hàng cung cấp đặc biệt, cần có hướng dẫn, quy định cụ thể" - Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết trong cuộc họp báo Chính phủ chiều 28/2.

CPI tăng thấp nhất trong 10 năm qua

 

Theo báo cáo của Chính phủ, chỉ số giá tiêu dùng tháng Tết Giáp Ngọ tăng thấp do các ngành đã triển khai quyết liệt các biện pháp như đảm bảo hàng hóa, quản lý giá cả thị trường, chống buôn lậu, trốn thuế... Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2014 chỉ tăng 0,55% so với tháng trước, tăng 1,24% so với tháng 12.2013, tăng 4,65% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, tính đến giữa tháng 2/2014, cả nước gieo cấy đạt gần 2.569 nghìn ha, bằng 98% so với cùng kỳ năm trước, các tỉnh địa phương ở phía Bắc gieo cấy được 96%, việc chậm chễ này chủ yếu là do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ.

Có một chuyện đáng chú ý là vừa qua, trên thị trường hàng loạt hãng sữa đã đồng loạt tăng giá, trong đó 90% nhãn sữa cho trẻ dưới 9 tuổi đề xuất tăng giá. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên tại cuộc họp báo chiều 28/2 cho biết, Chính phủ đã nhận được ý kiến của Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chính phủ hãy xem xét việc 4 hãng sữa đồng loạt tăng giá.

“Cả 4 hãng mà cùng tăng một lúc là không ổn. Về vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan xem xét để báo cáo sớm. Trước đây Chính phủ đã có chỉ đạo vì đây là mặt hàng cung cấp đặc biệt, cần có hướng dẫn, quy định cụ thể" - Bộ trưởng Nên cho biết.

Chủ tịch MTTQ đề nghị xem xét việc giá sữa tăng - 1

Vừa qua, 90% nhãn sữa cho trẻ em dưới 9 tuổi trên thị trường đồng loạt đòi tăng giá.

Tuyên truyền dịch cúm gia cầm: Còn nói quá

Theo báo cáo của Chính phủ, chăn nuôi gia cầm trong 2 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do bùng phát của dịch cúm gia cầm cùng với nguy cơ lây lan virus cúm H7N9 và H10N8, đã gây ra những thiệt hại về kinh tế cũng như việc chăn nuôi, đầu tư tái đàn của người dân. Chính phủ đánh giá nguy cơ lây lan dịch cúm vẫn còn cao do thời tiết, ảnh hưởng đến sức đề kháng của gia cầm. Cùng với đó là tình trạng vận chuyển buôn bán gia cầm qua biên giới chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Về tình trạng bớt xén gạo hỗ trợ cho người nghèo tại một số địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: Chính phủ cũng chỉ đạo sát sao về việc xử lý tình trạng bớt xén gạo cho người nghèo, đã xảy ra ở một số địa phương trong thời gian qua. Thủ tướng đã yêu cầu, chỉ đạo các địa phương nơi để xảy ra sự việc phải báo cáo rõ với Chính phủ, đề xuất hướng xử lý triệt để.

Nói về giải pháp phát triển cho nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã đề nghị các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ trong việc khai thông, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, nhất là lúa gạo; tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm dịch; giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm qua biên giới, hạn chế tối đa tình trạng thâm nhập, lây lan dịch bệnh qua biên giới, đặc biệt ở biên giới phía Bắc; kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm…

Trả lời câu hỏi của PV NTNN liên quan tới công tác tuyên truyền dịch cúm gia cầm, nhiều nơi nhiều lúc có tình trạng nói quá, thổi phồng khiến ngành chăn nuôi nói chung và người nông dân bị ảnh hưởng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đánh giá: Đúng là trong thời gian qua, công tác tuyên truyền của chúng ta có nơi có thời điểm còn nói quá. Tại một số nơi cán bộ kiểm dịch chưa thực hiện đúng với tinh thần chỉ đạo của T.Ư gây ảnh hưởng không nhỏ cho người chăn nuôi. "Đây là một điều đáng tiếc.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hết sức nghiêm túc với các ban ngành và địa phương là khi thực hiện công tác tuyên truyền để ngăn chặn dịch cúm gia cầm thì phải làm rõ giới hạn của nó. Phải khoanh vùng đối với vùng dịch, bảo vệ các vùng không dịch, bảo vệ những người chấp hành quy định, kiên quyết xử lý những người không chấp hành hoặc có hành vi tiếp tay để dịch bệnh lây lan. Báo chí cũng phải chú ý, phải phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền tốt hơn nữa" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đề nghị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lương Kết (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN