Chống thất thu thuế bán hàng qua mạng

Nhiều đơn vị kinh doanh thương mại điện tử không kê khai đầy đủ doanh thu bán hàng qua mạng, nhất là với hàng hóa được đặt mua qua điện thoại.

Ngày 22-2, Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách nhà nước TP HCM đã có cuộc họp bàn về kế hoạch chống thất thu.

Chống thất thu thuế bán hàng qua mạng - 1

Kinh doanh thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực thất thu thuế Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đại diện Cục Thuế TP HCM thừa nhận kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những lĩnh vực thất thu thuế. Nhiều đơn vị TMĐT không kê khai đầy đủ doanh thu bán hàng qua mạng, nhất là với hàng hóa được đặt mua qua điện thoại. Bên bán giao hàng và thu tiền trực tiếp từ người mua nên cơ quan quản lý không có cơ sở để thu thuế.

Một số doanh nghiệp kinh doanh khách sạn bán phòng trọn gói cả năm cho trang mạng quốc tế. Sau đó, chủ các trang mạng này bán phòng lại cho du khách, có phát sinh thu nhập tại Việt Nam nhưng không kê khai để nộp thuế… Do đó, Cục Thuế TP HCM cho rằng cần có sự phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng phương án thu thuế đối với các cá nhân, tổ chức bán hàng hóa và dịch vụ qua website.

Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cho biết pháp luật quy định có phát sinh thu nhập là phải nộp thuế. Tuy nhiên, với giao dịch qua mạng, do bên mua trả tiền trực tiếp, không có bên thứ 3 ghi nhận và nếu bên bán không kê khai thu nhập thì cơ quan quản lý không có cơ sở để thu thuế.

Để thu được thuế, ông Tâm đề xuất cần có quy định việc mua hàng hóa qua mạng phải thanh toán qua ngân hàng. Khi đó, cơ quan thuế phối hợp với ngân hàng để truy xuất doanh thu của người bán. Mặt khác, nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân đối với người mua hàng trên mạng thanh toán qua ngân hàng. Từ đó, người mua mới lưu giữ chứng từ thanh toán, hỗ trợ cơ quan thuế xác định doanh thu của người bán.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nhận định trên địa bàn hiện có khoảng 80.000 trang web bán hàng, trong đó hơn 40% đã tồn tại từ 3 năm. Sở Công Thương đã xây dựng 12 tiêu chí kinh doanh TMĐT và sẽ hoàn tất vào giữa tháng 3-2017. Sau đó, Sở Công Thương cùng các ban, ngành phối hợp với Cục Thuế TP để “chốt” phương án thu thuế bán hàng qua mạng. “Riêng việc thu thuế bán hàng qua Facebook, cần có sự đồng ý của chủ trang mạng này mới thực hiện được” - ông Kiên nói.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các sở - ngành rà soát số lượng website bán hàng hóa, dịch vụ và nghiên cứu các yếu tố pháp lý, hỗ trợ Cục Thuế TP hoàn thiện phương án thu thuế bán hàng qua mạng.

Cơ sở pháp lý không thiếu

Luật sư Bùi Quang Tín, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng nguyên tắc của Luật Quản lý thuế là bất kỳ chủ thể nào đã kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước.

Nghị định 52/2013 đã quy định người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Thông tư 47/2014 quy định các mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động sau sẽ phải tiến hành thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT: Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website cho phép người tham gia được lập các trang nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.

Tuy nhiên, chỉ những mạng xã hội được đăng ký thành lập, hoạt động ở Việt Nam thì mới là đối tượng quản lý của Nghị định 52/2013 và Thông tư 47/2014 về TMĐT. Hình thức giao dịch của Facebook như sàn giao dịch TMĐT. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Facebook phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng vẫn chưa thấy Facebook thực hiện việc này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Thơ (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN