Choáng với giá trông xe ngày Tết
Mặc dù Cty công ích TNXP TP đã bố trí 18 điểm giữ xe xung quanh khu vực trung tâm TP, nhưng do lượng xe đổ về đường hoa, đường sách, hội hoa xuân quá lớn nên các bãi xe tự phát đã mọc lên như nấm. Và giá giữ xe, tùy vào buổi sáng, trưa hay tối liên tục “nhảy múa” chặt chém tơi bời.
Khắp nơi "vung… dao"
Trao đổi với chúng tôi, chủ nhân điểm giữ xe tại số nhà 43 Hồ Tùng Mậu (gần đường hoa, đường sách), trầm tư: “Mấy năm nay, đã bao lần giá cả “nhảy múa”, nhất là gần đây, giá cả tăng đến chóng mặt nhưng giá giữ xe mà nhà nước quy định vẫn “dậm chân tại chỗ” ở mức 2.000 đồng. Tôi không hiểu tại sao mọi thứ đều tăng giá mà giá giữ xe lại không tăng?”.
Anh cho biết, trước kia, mỗi người phụ giữ xe anh trả công 80.000 đồng/ngày. Khi đó, giá thuê mặt bằng cũng chỉ hơn 15 triệu đồng/tháng. Còn bây giờ, để thuê mặt bằng hơn 50m2 ở đây, anh phải trả đến gần 40 triệu đồng/tháng, tiền công trả cho người phụ giữ xe đã lên đến 150.000 đồng/người/ngày, ngoài ra còn phải bao cơm trưa hàng ngày cho mỗi lao động 25.000 đồng/suất.
Điểm giữ xe của anh 1 ngày cần 8 người làm việc. Như vậy, chỉ riêng tiền thuê nhân công, bình quân 1 ngày anh phải chi ngót nghét 2 triệu đồng. “Thêm thuế má cho nhà nước 14% trên doanh thu nữa, không tăng giá giữ xe, làm sao kham nổi?”, anh kết luận.
Một bãi xe tự phát tại CV Đầm Sen “chặt” với giá 50.000 đồng/xe máy
Không chỉ tăng giá giữ xe lên 7.000 đồng/chiếc, bãi giữ xe của anh, vì mặt bằng chật hẹp mà số khách cần gửi xe lại đông nên để tăng số lượng xe gửi vào bãi mỗi ngày, anh chỉ nhận giữ xe cho khách đi du xuân và mỗi xe không giữ quá 3 tiếng đồng hồ. Anh nói thẳng: “Khách có trả 100.000 đồng/xe/ngày đêm tôi cũng… không nhận, lỗ chết!”.
Cùng nỗi bức xúc trên, một chủ bãi giữ xe trên đường Hai Bà Trưng (xin giấu tên) giãi bày: “Chúng tôi buộc phải lấy giá cao hơn mức quy định vì mức 5.000 đồng bây giờ đã quá lạc hậu. Tụi tui thỉnh thoảng cũng bị lực lượng trật tự đô thị của phường hoặc quận xuống kiểm tra, xử phạt vì lấy giá giữ xe cao hơn quy định nhưng nói thiệt, thà chúng tôi chịu đóng phạt chứ giữ xe theo giá cũ có mà ăn cám! Bãi giữ xe thiếu, người muốn gửi xe thì nhiều, Nhà nước nên điều chỉnh lại mức giá mới cho phù hợp để chúng tôi còn sống, nhà nước cũng khỏi mất công đi kiểm tra xử phạt mà cuối cùng, đâu cũng vào đấy thôi!”.
Đó là tình cảnh khách giữ xe ở khu trung tâm. Còn xung quanh CV Đầm Sen, các bãi giữ xe tự phát mọc lên như nấm và giá thì… trên trời. Nhóm bạn của chị Thu Hồng gồm 6 người đi từ quận Tân Bình xuống Đầm Sen chơi, vừa chen lấn đút xe vào bãi gửi thì một thanh niên, tay cầm tay lái của cô rồi hét lớn: “Giữ xe 50 ngàn/chiếc (xe máy), không gửi thì đi bãi khác. Tiền gửi lấy trước.”.
Bãi xe nằm lọt thỏm trong ngôi nhà mặt tiền đường Lãnh Binh Thăng (quận 11), chị Hồng không thể nào lấy xe ra được nữ vì phía sau chị, là cả một rừng xe đang nhích đến trước. Cả nhóm đành bấm bụng rút ra 150.000 đồng cho ba chiếc xe máy. Ở khu du lịch Suối Tiên cũng tương tự. Các bãi xe tự phát vốn là các bãi đậu xe tải chung quanh khu du lịch được chăng dây, để bảng giữ xe. Tất cả các bãi xe lớn nhỏ quanh khu du lịch đều lấy đồng giá 50.000 đồng/xe máy.
Năm ở quận 9, nhiều người đã phải đi rất xa mới đến được đây để vui chơi, du xuân. “Không lẽ chỉ vì 50.000 đồng mà quay về thì… Thôi đành bấm bụng trả cho xong.”, anh Thịnh cùng bạn bè từ Long Thành (Đồng Nai), nói như mếu.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo khu du lịch Suối Tiên và CV văn hóa Đầm Sen đều cho biết, mặt bằng của cả hai nơi này đều không thể “nở” thêm nữa, nhất là mặt bằng để làm bãi giữ xe. Riêng các bãi xe tự phát trong các mùa lễ tết xung quanh các nơi này thì lãnh đạo không có chức năng kiểm tra, xử phạt hoặc cấm đoán. Tất cả đều do lực lượng trật tự đô thị và lãnh đạo địa phương, kiểm tra, xử lý.
Cấm là vô phương vì chủ bãi chấp nhận… chịu phạt?
Mức thu phí giữ xe hiện nay được áp dụng theo Quyết định số 245/2005/QĐ-UBND do UBND TP HCM ban hành vào tháng 12/2005. Theo đó, tại các điểm giữ xe ở các bệnh viện, trường học, công sở, chợ, chung cư là 500 đồng/lượt/ngày đối với xe đạp và ban đêm là 1.000 đồng/lượt; 2.000 đồng/lượt/ngày và 5.000 đồng/lượt/đêm đối với xe máy.
Còn tại các khu vui chơi, giải trí, địa điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, nhà hàng, khách sạn, vũ trường, rạp hát và các chợ: Bến Thành, An Đông, Bình Tây, Kim Biên… mức thu phí 1.000 đồng/lượt/ngày và 2.000 đồng/lượt/đêm đối với xe đạp; 2.000 đồng/lượt/ngày và 5.000 đồng lượt/đêm đối với xe máy. Theo ông Thái Đức Độ, Chánh Thanh tra Xây dựng quận 1, mức thu phí này cũng áp dụng cả cho các bãi giữ xe tại các trung tâm (TT) thương mại.
Nói về mức giá giữ xe hiện tại, ông Trần Vĩnh Tuyến-Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận 1, cho rằng: Mức phí giữ xe theo quy định của TP từ năm 2005 nay đã không còn phù hợp với thực tế biến động của giá cả thị trường.Đó là chưa kể, hiện nay, đã xuất hiện rất nhiều loại xe gắn máy có giá trị đến gần cả trăm triệu đồng/chiếc nên đòi hỏi các bãi giữ xe phải có “chế độ” giữ khác hẳn các loại xe thông thường khác như chỗ đậu phải có diện tích rộng hơn, giữ phải cẩn thận hơn, thậm chí người giữ xe còn phải “lực lưỡng” hơn để dắt, đẩy an toàn các xe này.
Điều đó đồng nghĩa với việc chi phí giữ xe cũng phải tăng lên. Cũng theo ông Tuyến, tại các TT thương mại của TP hiện nay, bãi giữ xe thường được xây dựng ở tầng hầm với quy mô và kinh phí khá lớn, vì thế, nếu thu phí đúng với mức giá quy định cũ, nhà đầu tư rất khó hoàn vốn. Thực tế đó khiến nhiều bãi xe của các TT thương mại, dù biết sẽ bị “tuýt còi”, nhưng vẫn lấy giá giữ xe cao hơn. Nhiều nơi, khi bị các lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt vì hành vi giữ xe lấy quá giá, họ đã gửi đơn khiếu nại lên tới UBND TP.
Giữa lúc giá cả các mặt hàng đều đang leo thang, nói đến việc tăng giá giữ xe lúc này xem ra giống như chất thêm một gánh nặng mới lên vai người tiêu dùng. Nhưng cái gì cần làm thì vẫn phải làm. Theo quan điểm của UBND quận 1, TP nên xem xét và sớm ban hành mức giá giữ xe mới cho phù hợp với tình hình thực tế.
Thật vậy, sau khi đã ấn định mức phí hợp lý, TP có thể mạnh tay xử phạt các điểm giữ xe không đăng ký kinh doanh, không lấy đúng giá đã quy định, đồng thời có thể yêu cầu các chủ bãi xe bố trí bãi giữ ở nơi phù hợp, không chiếm dụng lòng, lề đường... Bởi dịch vụ cho xe cao cấp, đắt tiền khác với xe có giá trị thấp nên mức phí cao trả cho dịch vụ cao cũng là điều hợp lý. Chưa kể, với giá xăng tăng, giá giữ xe tăng, đôi khi cũng là cách hạn chế bớt việc lưu thông của các loại xe gắn máy nói chung, xe mô tô phân khối lớn nói riêng.
Cũng cần nhắc lại rằng, việc khan hiếm bãi giữ xe hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến các chủ bãi giữ xe tăng giá giữ xe vô tội vạ. Việc TP xem xét bố trí thêm các bãi giữ xe để giải quyết nhu cầu này của người dân là hết sức cần thiết. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín, tại một cuộc họp gần đây về vấn đề này, cũng đã chỉ đạo các quận-huyện, sở-ngành chức năng rà soát lại các mặt bằng chưa được sử dụng đúng chức năng hoặc còn trống của TP để tổ chức giữ xe. Mong việc này sẽ sớm được triển khai thực hiện.